Dữ liệu thực tế cho thấy bộ lọc không khí sử dụng màng lọc hiệu suất cao (HEPA) rẻ tiền có thể lọc hiệu quả SARS-CoV-2 và các sinh vật gây bệnh khác trong không khí bệnh viện.
Mặc dù sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân đúng cách, theo báo cáo của các bệnh viện, SARS-CoV-2 vẫn lây lan từ bệnh nhân sang nhân viên y tế. Một nguyên nhân là do các hạt virus trong không khí.
Nghiên cứu mới thực hiện tại một bệnh viện có nhiều bệnh nhân COVID-19 đã xác nhận rằng bộ lọc không khí di động, sử dụng
màng lọc hiệu suất cao (HEPA), loại bỏ hiệu quả các hạt SARS-CoV-2 trong không khí. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy bộ lọc không khí có tác dụng lọc SARS-CoV-2 trong môi trường thực tế. Kết quả này cho thấy các bệnh viện có thể sử dụng bộ lọc không khí để giảm nguy cơ lấy chéo SARS-CoV-2 trong bệnh viện.
Màng lọc hiệu suất cao HEPA (bên phải) loại bỏ các hạt virus khỏi không khí.
Các thí nghiệm trước đây đã kiểm tra hiệu suất của bộ lọc không khí trong môi trường được kiểm soát, tuy nhiên, "chúng ta chưa biết bộ lọc không khí sẽ hiệu quả như thế nào trong việc loại bỏ SARS-CoV-2 ở môi trường thực tế”, theo đồng tác giả nghiên cứu mới, Vilas Navapurkar, bác sĩ tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) Bệnh viện Addenbrooke, Cambridge, Vương quốc Anh.
Navapurkar và đồng nghiệp đã cài đặt các bộ lọc không khí di động ở hai khu điều trị COVID-19 đông bệnh nhân - một khu giường bệnh thông thường và một đơn vị chăm sóc đặc biệt. Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ lọc không khí có màng lọc hiệu suất cao (HEPA). Bộ lọc này thổi không khí qua một màng HEPA có khả năng lưu giữ 99% các hạt có kích cỡ khoảng 0,3 micromet. Sau đó, nhóm nghiên cứu liên tục lấy mẫu không khí từ hai khu điều trị này trong một tuần khi chạy bộ lọc không khí, và trong hai tuần khi không có bộ lọc.
Ở khu vực giường bệnh thông thường, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các hạt SARS-CoV-2 trong không khí khi không có bộ lọc, và không tìm thấy các hạt SARS-CoV-2 khi chạy bộ lọc. Đáng ngạc nhiên là nhóm nghiên cứu không tìm thấy nhiều hạt virus trong không khí ở khu chăm sóc đặc biệt, ngay cả khi không có bộ lọc.
Các tác giả nêu một số nguyên nhân đằng sau phát hiện này, chẳng hạn như virus nhân lên chậm hơn ở các giai đoạn sau của bệnh. Do đó, nhóm đề xuất, cần chú trọng các biện pháp loại bỏ virus khỏi không khí ở khu giường bệnh thông thường hơn so với ở khu chăm sóc đặc biệt.
David Fisman, nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto, Canada, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy rằng các bộ lọc sử dụng màng HEPA, vẫn còn ít được sử dụng trong các bệnh viện, là một biện pháp rẻ và dễ triển khai để giảm nguy cơ mầm bệnh trong không khí." Giá thành của màng lọc HEPA khá rẻ, vì chúng được làm từ sợi tổng hợp, tương tự như vải áo hoặc vải làm balo.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy, các bộ lọc không khí không chỉ loại bỏ SARS-CoV-2. Khi không có bộ lọc, không khí ở cả hai khu điều trị chứa một lượng mầm bệnh lớn hơn so với khi bật bộ lọc - các mầm bệnh này có thể gây nhiễm trùng trong bệnh viện, chẳng hạn như Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Streptococcus pyogenes. Các bộ lọc loại bỏ phần lớn các mầm bệnh mà người ta thường nghĩ rằng không lây lan qua không khí, nhưng “nghiên cứu này cho thấy chúng có thể lây lan qua giọt bắn”, Fisman nói.
Nguồn: