Một phụ nữ bị trầm cảm nặng đã được điều trị thành công bằng phương pháp cấy ghép điện não. Đây là bước tiến “đáng kinh ngạc”, mang lại hy vọng cho những người mắc chứng bệnh khó chữa này.
Thiết bị cấy ghép trong thử nghiệm phát hiện các hoạt động não liên quan đến chứng trầm cảm, và tự động làm gián đoạn chúng bằng các xung kích thích điện cực nhỏ đưa vào sâu bên trong não. Sarah, 36 tuổi - bệnh nhân trầm cảm trong thử nghiệm - cho biết, liệu pháp này đã đưa cô trở lại với "cuộc sống đáng giá", giúp cô cười lần đầu tiên sau 5 năm.
Kết quả thử nghiệm được đăng tạp chí Nature Medicine, mới chỉ thực hiện trên một bệnh nhân - và sẽ chỉ phù hợp với những người bị trầm cảm nặng - nhưng được coi là vô cùng quan trọng trong lĩnh vực điều trị trầm cảm. Đây là minh chứng cho thấy hoạt động não gây ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm, và các nhà nghiên cứu có thể phát hiện các hoạt động này một cách chính xác. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy có thể thúc đẩy các hoạt động não này trở lại trạng thái khỏe mạnh, ngay cả ở một bệnh nhân đã mắc bệnh trong nhiều năm.
“Trước đây, chúng ta chưa thể thực hiện loại liệu pháp cá nhân hóa này trong lĩnh vực tâm thần học," Katherine Scangos, trợ lý giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Đại học California, San Francisco (UCSF), cho biết. “Bản thân thành công này là một tiến bộ đáng kinh ngạc trong kiến thức của chúng ta về các chức năng não đằng sau bệnh tâm thần.”
Sarah, bệnh nhân 36 tuổi trong thử nghiệm lâm sàng, tại cuộc hẹn với Katherine Scangos, trợ lý giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Đại học California, San Francisco.
Điều trị cá nhân hóa
Khoảng 10% đến 30% những người bị trầm cảm không đáp ứng với ít nhất hai phương pháp điều trị bằng thuốc - tương đương với khoảng 2,7 triệu người ở Anh. Trong suốt hai thập kỷ qua, phương pháp kích thích não sâu (DBS) như trong thử nghiệm mới đã được sử dụng để điều trị hàng chục nghìn bệnh nhân mắc bệnh Parkinson và động kinh. Tuy nhiên, một số thử nghiệm điều trị trầm cảm bằng DBS đến nay không khả quan, vì não dường như không có một “vùng trầm cảm” cố định nào; một số khu vực não được kết nối với nhau đều liên quan đến trầm cảm, và mỗi bệnh nhân trầm cảm có những khu vực này khác nhau.
Giáo sư Edward Chang ở UCSF, bác sĩ giải phẫu thần kinh đã điều trị cho Sarah trong thử nghiệm, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu nhận ra sự phức tạp liên quan đến các mạng lưới tâm trạng được điều chỉnh trong não."
Một cách tiếp cận được cá nhân hóa, tỉ mỉ đã mở đường cho thử nghiệm này. Trong giai đoạn đầu của thử nghiệm kéo dài một tuần, một bộ phận cấy ghép não tạm thời ghi lại một loạt các hoạt động não của Sarah. Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng một thuật toán học máy để xác định mô hình hoạt động của não trong vùng hạch hạnh nhân ở những thời điểm Sarah trầm cảm nghiêm trọng nhất.
Tiếp theo, thông qua thử và sai, các nhà khoa học đã xác định được một vùng não, gọi là thể vân, nơi một kích thích điện cực nhỏ có thể có tác dụng sâu rộng ngay lập tức với Sarah.
Sarah cho biết: “Lần đầu tiên khi nhận được sự kích thích, tôi trải qua cảm giác vui sướng mãnh liệt nhất và trong một lát, chứng trầm cảm của tôi chỉ là một cơn ác mộng xa vời. Tôi cười thành tiếng. Đây là lần đầu tiên tôi bỗng nhiên cười trong 5 năm.”
Sau khi đã xác định được hoạt động của vùng não liên quan đến trầm cảm, và vị trí cần kích thích điện, các nhà nghiên cứu cấy ghép một thiết bị vĩnh viễn. Thiết bị này hoặt động nhờ một bộ phận pin nhỏ được gắn trong hộp sọ, tự động phát hiện các hoạt động não là "dấu hiệu trầm cảm" trong hạch hạnh nhân và tự động kích thích vùng thể vân.
Can thiệp này xảy ra khoảng 300 lần mỗi ngày, tương đương với khoảng 30 phút kích thích. Sarah cho biết, xung điện không kèm theo bất kỳ cảm giác nào, ngoại trừ cảm giác tỉnh táo và tích cực. “Ý tưởng điều trị các triệu chứng trầm cảm ngay khi chúng xuất hiện là một cách hoàn toàn mới để giải quyết các trường hợp trầm cảm khó điều trị nhất," Scangos cho biết.
Sarah mô tả cuộc sống trước khi điều trị rằng cô hầu như không cử động, không còn cảm nhận và "chỉ nhận thấy những gì xấu xí trên thế giới". Sau 5 năm, Sarah đã thử qua tất cả các lựa chọn điều trị và không có tác dụng. Tác dụng sâu sắc của việc cấy ghép đã khẳng định rằng chứng trầm cảm của cô bắt nguồn từ sinh học não bộ và là một chứng rối loạn có thể điều trị được.
Thiết bị cấy ghép có giá khoảng 35.000 USD, và là phiên bản tinh chỉnh của một thiết bị điều trị chứng động kinh - Hệ thống RNS NeuroPace. Nhóm UCSF đã tuyển thêm hai bệnh nhân trầm cảm tham gia thử nghiệm, và hy vọng sẽ tuyển thêm chín bệnh nhân nữa để đánh giá liệu kỹ thuật này có thể được áp dụng rộng rãi hơn hay không.
Giáo sư tâm thần kinh Eileen Joyce tại Đại học College London, người cũng đang dẫn đầu một thử nghiệm sử dụng kích thích não sâu đối để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD, cho biết: “Kết quả là chính xác và có ý nghĩa. Đây là một tiến bộ đáng chú ý của khoa học thần kinh lâm sàng tiên tiến.”
Nguồn: