Điều này giúp loại chữ đang có nguy cơ thất truyền này có thể tồn tại bền vững cùng các loại văn tự khác trên thế giới.
Cây cầu nối với quá khứ
Ở tuổi gần 80, GS Nguyễn Quang Hồng vẫn cần mẫn gõ từng phím và những nét chữ cổ mà giới trẻ ngày nay thường chỉ thấy ở các đình chùa hiện dần trên màn hình máy tính. Ông vừa làm việc trong căn nhà mang nét cổ kính ở phố Kim Mã Thượng, Hà Nội, vừa chia sẻ: “Cũng may bây giờ tôi có thể dùng máy tính để gõ chữ Nôm, chứ giờ tay run thế này mà cầm bút viết chắc không thể rõ từng chữ được nữa”.
Giáo sư Nguyễn Quang Hồng. Ảnh: Châu Long
Đặt cạnh ông là 2 cuốn Tự điển chữ Nôm dẫn giải dày dặn, được ông biên soạn trong suốt 8 năm sau khi nghỉ hưu. Với chất giọng trầm ấm của người gốc xứ Quảng, ông tâm sự: “Chữ Nôm là di sản văn hóa, là quốc hồn quốc túy của dân tộc. Nếu không biết chữ Nôm thì những tâm tư, phát kiến của cha ông không ai đọc được và khi đó chúng ta sẽ dần đánh mất một cây cầu nối với quá khứ”.
Để cho ra đời bộ sách dẫn giải chữ Nôm đồ sộ, ngoài kiến thức nền được đào tạo, ông còn phải điền dã suốt nhiều năm nghiên cứu không gian văn hóa gắn với loại văn tự này. “Tôi đi nhiều nơi - từ chùa Hương, chùa Thầy ở ngoại thành Hà Nội cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình... Chiếc xe Babetta là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường với tôi hồi đó. Có những lần tôi ở lại chùa Dâu Bắc Ninh cả tuần để in rập các bản ván khắc chữ Nôm” - GS Hồng nhớ lại.
Có những chữ Nôm ông phải mất gần 3 năm mới có thể tìm được nguồn dẫn giải. Những nghiên cứu kiên trì đã giúp giáo sư tạo dựng một số lượng tác phẩm khá đồ sộ về chữ Nôm. Bên cạnh hai cuốn tự điển trên là tác phẩm chuyên luận “Khái luận văn tự học chữ Nôm” - công trình giúp ông được xét trao giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2016.
Chữ cổ hội nhập với thời đại
Với tư cách là chuyên gia đầu ngành, trong suốt 12 năm - từ 1993 đến 2006, GS Nguyễn Quang Hồng là chuyên gia Hán Nôm duy nhất trong nhóm công tác về chữ biểu ý (IRG) của khu vực. Ông đã sưu tầm, biên tập chữ Nôm qua các văn bản để cung cấp cho nhóm IRG đăng ký vào kho chữ mã hóa quốc tế, đóng góp vào quá trình kỹ thuật hóa để bảo tồn và phát huy giá trị của chữ Nôm trong cuộc sống hiện đại.
Giáo sư Nguyễn Quang Hồng. Ảnh: Phượng Hằng
Nói về công việc tham gia mã hóa chữ Nôm theo tiêu chuẩn thống nhất quốc tế, giáo sư nhớ lại: “Tôi được Viện Nghiên cứu Hán Nôm giao nhiệm vụ trực tiếp sưu tầm các hình thể chữ Nôm qua các tự điển Hán Nôm và hàng trăm tác phẩm và văn bản chữ Nôm như Quốc âm thi tập, Đoạn trường tân thanh, Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên... Thời gian đầu việc sưu tầm không khó, nhưng càng về sau càng phải đi sâu vào các tác phẩm để lọc từng chữ một”.
Trong hơn một thập kỷ, giáo sư đã cung cấp được khoảng 6.000 chữ Nôm. Mỗi năm trung bình chỉ vài trăm chữ được lựa chọn mã hóa - một số lượng không lớn, nhưng để sưu tầm được chúng sao cho không bị trùng với chữ Hán là cả một thách thức. Nhiều người ví công việc chọn lọc chữ Nôm của ông giống như “đãi cát tìm vàng” và sau một thời gian dài, ông gần như trở thành cuốn từ điển sống về thứ văn tự này.
Kỹ sư Ngô Trung Việt - thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cộng sự của GS Hồng - cho biết, việc mã hóa để đưa chữ Nôm ra thế giới và được quốc tế công nhận là một công việc liên ngành, đòi hỏi những người thực hiện có kiến thức uyên thâm về chữ Nôm và công nghệ thông tin. “Đó là một chuỗi các công việc như soạn tài liệu, lấy chữ, lập danh sách, “vẽ” chữ, kiểm tra rồi chuyển cho IRG. Nhóm IRG sẽ kiểm tra độc lập chúng và nếu không trùng với bất kỳ chữ nào của các nước trong nhóm thì sẽ cấp cho chữ đó một mã nhất định”.
Kết quả của việc mã hóa chữ Nôm theo các quy tắc ISO là cơ sở để các công ty công nghệ có thể tạo ra font chữ Nôm ứng dụng vào máy tính. Theo kỹ sư Phan Anh Dũng - tác giả phần mềm Việt - Hán - Nôm - thì đây là một công trình hết sức có giá trị. Tất cả việc phát triển phần mềm Hán Nôm đều dựa vào các kết quả nghiên cứu này. Tính đến nay, đã có gần 12.000 chữ Nôm được cấp mã Unicode.
Công trình Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Giáo sư Nguyễn Quang Hồng. Ảnh: Châu Long
Với sự nỗ lực của GS Hồng và đồng nghiệp cũng như các nhóm phát triển phần mềm, con đường tin học hóa chữ Nôm đã được khai thông và trở thành chiếc cầu nối những giá trị văn học quá khứ với hiện tại và tương lai. Đây cũng là cách có thể giúp chữ Nôm tồn tại cùng với các loại chữ khác trên thế giới hiện nay. “Cùng với đó, giới trẻ sẽ được tiếp xúc với chữ Nôm dễ dàng hơn. Việc đưa chữ Nôm vào sách bên cạnh tác phẩm được phiên âm sang chữ quốc ngữ là cần thiết, nhưng nếu tiếp xúc qua bàn phím sẽ thú vị hơn” - GS Hồng cho biết.
Còn theo kỹ sư Ngô Trung Việt, việc đưa chữ Nôm lên bàn phím giúp các tri thức trước đây viết bằng chữ Nôm có thể chuyển vào máy tính để lưu trữ và phổ biến. “Khi đó sẽ tạo cho thế hệ trẻ mong ước học hỏi và duy trì được văn hóa. Nếu một nền văn hóa mà không có người nào kế tục thì nó sẽ chết lâm sàng” - ông nói thêm. Bằng cách này, giá trị văn tự cổ của dân tộc Việt Nam đã được công nghệ hỗ trợ lan tỏa, tạo ra cách tiếp cận hiện đại và thuận tiện hơn cho những người trẻ.
>>
Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh