Với 3 tiêu chí: Xuất sắc về KH&CN, có đóng góp về khoa học và mang ý nghĩa thực tiễn, 16 công trình đã được Hội đồng cấp nhà nước tuyển chọn để xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước năm 2016.

Trong số này, có những công trình mang giá trị vượt ra ngoài biên giới Việt Nam và như lời thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá: “Các giải thưởng được xét tặng giúp cộng đồng khoa học thế giới thấy diện mạo của nền khoa học Việt Nam”.

I. 9 công trình xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh

1. Giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 mét nước

Tác giả công trình Phan Tử Giang. Ảnh: Phương Nguyên

Trên cơ sở mẫu thiết kế được mua từ nước ngoài, tác giả công trình đã nghiên cứu và làm chủ được thiết kế chi tiết, công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 mét nước và ứng dụng vào dự án giàn khoan Tam Đảo 03.

Công trình này đưa Việt Nam trở thành một trong số các nước trên thế giới đủ khả năng thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm cho một dự án tương tự khoảng 18,3 triệu USD.

2. Đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và ứng phó biến đổi khí hậu

Tác giả công trình Hoàng Đức Thảo. Ảnh: Loan Lê

Cụm công trình đã tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, được các tổ chức quốc tế công nhận.

Công trình này hội tụ 4 giải pháp là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn; Giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí; Giải pháp chống xói lở, bảo vệ biển phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo an toàn truyền máu

Tác giả công trình GS-TS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: NVCC

Thành tựu nổi bật của công trình là đảm bảo an toàn truyền máu cả về chất lượng (miễn dịch và phòng lây truyền HIV, HBV, HCV) và số lượng (đảm bảo an toàn cho điều trị, cấp cứu, dự phòng và thảm họa).

Lần đầu tiên Viện huyết học - Truyền máu Trung ương đã sản xuất thành công với quy mô công nghiệp bộ panel hồng cầu sàng lọc, định danh kháng thể bất thường, thay thế được dung dịch bảo quản và nuôi dưỡng hồng cầu vốn phải mua của nước ngoài với giá cao gấp 10 lần.

4. Điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch

Tác giả công trình: GS-TS Phạm Minh Thông. Ảnh:BVBM

Công trình mở ra một chuyên ngành sâu trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh là “điện quang can thiệp thần kinh”, đưa trình độ trong nước ngang bằng các nước trong khu vực. Trong đó, kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang và kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị phình động mạch não lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng ở Việt Nam, cứu sống nhiều người bệnh trước đây phải phẫu thuật hoặc không điều trị được.

5. Kỹ thuật bức xạ ion hóa trong điều trị ung thư

Tác giả công trìnhGS-TS Mai Trọng Khoa. Ảnh: Loan Lê

Cụm công trình gồm 5 nhóm kỹ thuật: Chụp PET/CT; Xạ phẫu bằng dao gamma quay; xạ trị điều biến liều kết hợp hình ảnh PET/CT mô phỏng; xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ; cấy hạt phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Đây là các kỹ thuật mới chỉ có ở các nước phát triển, giúp chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn, qua đó đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị nhiều loại ung thư cùng một số bệnh lý khác.

6. Công nghệ vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù Việt Nam

Tác giả công trình Từ Thành Nghĩa. Ảnh: PVN

Nhóm tác giả đã nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ vận chuyển hỗn hợp dầu và khí ở điều kiện nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, qua đó làm cơ sở để vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng.

Công nghệ này đã làm thay đổi căn bản công nghệ truyền thống trong vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ở điều kiện ngoài khơi mà thế giới đang áp dụng. Hiệu quả kinh tế thu được trực tiếp từ các giải pháp của cụm công trình này là 779,7 triệu USD.

7. Ngữ dụng học

Tác giả công trình cố GS-TS Đỗ Hữu Châu. Ảnh: CAND

Cụm công trình đã đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với người sử dụng, mở ra một hướng nghiên cứu liên ngành giữa văn học và ngôn ngữ.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, ngôn ngữ học được nhìn nhận từ góc độ con người, khoa học, nhân học, tâm lý học và xã hội học. Những vấn đề được đề cập một cách có hệ thống trong công trình này được đánh giá là cơ sở lý luận cho các nghiên cứu tiếp theo về ngôn ngữ.

8. Các bất biến, cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc

Tác giả công trình GS-TSKH Ngô Việt Trung. Ảnh: Minh Nhật

Cụm công trình được đánh giá là “đặc biệt xuất sắc” vì đã mở ra một số hướng nghiên cứu quan trọng tại Việt Nam như “vành Cohen-Macaulay suy rộng”, “cấu trúc vành phân bậc hàm độ dài và số bội”, “đại số giao hoán”…

Nhiều kết quả và phương pháp nghiên cứu của cụm công trình này cũng được trình bày trong một số sách về đại số giao hoán của thế giới. Qua đó, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những trung tâm nghiên cứu về đại số giao hoán hàng đầu hiện nay.

9. Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận

Tác giả công trình GS-TS Phan Huy Lê. Ảnh: Phương Nguyên

Đây là công trình nghiên cứu có tính tổng kết khoa học về một số vấn đề cơ bản của lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhất là thời kỳ cổ đại và trung đại. Trong đó, tác giả đi sâu vào một số nội dung cơ bản của lịch sử và văn hóa Việt Nam như địa lý học, khảo cổ học, ngôn ngữ học...

Nghiên cứu của GS Phan Huy Lê được coi là đã “đánh dấu một khúc quanh” trong hành trình viết sử tại Việt Nam, tóm tắt những bước tiến quyết định về tập hợp tư liệu cũng như về phương pháp suy diễn lịch sử.

II. 7 công trình xét tặng giải thưởng nhà nước

1. Phương án lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m

Dự án chân đế Thiên Ưng. Ảnh: PVC-MS

Công trình đã hoàn thiện quy trình chế tạo, lắp đặt chân đế siêu trường, siêu trọng bằng phương án tự phóng, tạo ra thay đổi có tính bước ngoặt trong việc làm chủ công nghệ này ở Việt Nam.

Điểm sáng tạo nổi bật của công trình là đưa ra phương án quay nâng lật khối panel lớn sử dụng nhiều cẩu đồng thời kết hợp kích nâng thủy lực và hệ thống “tie back”, góp phần thực hiện thành công các dự án trọng điểm và đem lại doanh thu gần 300 triệu USD.

2. Cầu Hàm Luông

Cầu Hàm Luông. Ảnh: Doanhungdau

Công trình thuộc tỉnh Bến Tre có giá trị cao về mặt khoa học vì đã ứng dụng nhiều công nghệ mới tiêu biểu. Khẩu độ nhịp chính của cầu là kết cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 150m, đạt kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Nhóm tác giả công trình cũng lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cáp dự ứng lực ngoài với 5 tầng bảo vệ, khắc phục các hạn chế của thế hệ cáp trước đó, giảm kích thước dầm cầu, tiết kiệm vật liệu thi công.

3. Hai giống lúa mới OM6976 và OM5451

Tác giả công trình PGS-TS Trần Thị Cúc Hòa. Ảnh: Lao Động

Hai giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia có chất lượng cao thích hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành công của công trình là chuyển đặc tính giàu sắt, kẽm từ các giống lúa cũ vào hai giống lúa mới.

Nhờ năng suất cao, mỗi ha trồng lúa giống OM6976 cho lợi nhuận khoảng 2,85 triệu đồng so với giống khác. Các giống lúa mới có khả năng kết hợp nhiều đặc tính tốt như năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh và chống chịu mặn cao.

4. Kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu và ứng phó dịch bệnh

Tác giả công trình GS-TS Nguyễn Gia Bình. Ảnh: Loan Lê

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các quy trình kỹ thuật lọc máu hoàn chỉnh về chỉ định kỹ thuật, ứng dụng trong cấp cứu điều trị bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo.

Nhiều cải tiến đã tích hợp trong công trình như sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều kỹ thuật lọc máu hiện đại, phù hợp với từng dạng bệnh nhân, tiên lượng cho thành công hoặc thất bại của lọc máu, giúp giảm tỷ lệ tử vong cũng như thời gian thở máy của bệnh nhân, mở ra triển vọng phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước.

5. Khái luận văn tự học chữ Nôm

Tác giả công trình: GS-TSKH Nguyễn Quang Hồng. Ảnh: Minh Nhật

Công trình đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về chữ Nôm, một loại chữ viết cổ của Việt Nam. Từ việc tìm hiểu nguồn gốc, sự hình thành và đặc trưng loại hình của chữ Nôm trong sự đối chiếu với chữ Hán và các hệ thống chữ viết cổ truyền của các dân tộc khác trong khu vực, công trình đã sử dụng một khối lượng tư liệu đồ sộ và cách phân tích chi tiết để nghiên cứu cấu trúc, chức năng của chữ Nôm, xem xét một cách toàn diện vai trò xã hội của loại văn tự cổ này trong quá khứ và hiện tại.

6. Ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm

Chủ nhiệm nhóm tác giả công trình: GS-TSKH Thân Đức Hiền. Ảnh: Bích Ngọc

Cụm công trình đã nghiên cứu chế tạo thành công các nam châm, đất hiếm chất lượng cao, có tích năng lượng (BH) max gấp 5 đến 10 lần nam châm đang được sử dụng ở Việt Nam. Cụm công trình cũng sử dụng đất hiếm do Việt Nam chế tạo đạt được tích năng lượng cao, làm tăng hiệu quả các thiết bị dùng nam châm.

Đồng thời, nhóm tác giả làm chủ công nghệ chế tạo nam châm vĩnh cửu chứa đất hiếm cao cấp, góp phần thúc đẩy việc sử dụng vật liệu và công nghệ mới vào các thiết bị trong nước.

7. Lịch sử tư tưởng Việt Nam

Tác giả công trình: GS-TS Nguyễn Tài Thư. Ảnh: Hoàng Ngọc Vĩnh

Cụm công trình gồm các tác phẩm nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như lịch sử ra đời và phát triển của Nho học và Phật giáo nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Trong số này, cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam trình bày một cách chi tiết sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong một khoảng thời gian dài hơn bất cứ cuốn nghiên cứu nào về nội dung này ở Việt Nam được biên soạn trước đó.