Câu trả lời chính xác về năng suất
Có nhiều nghiên cứu so sánh năng suất giữa nông nghiệp thông thường và hữu cơ, với kết quả không thống nhất. Việc tổng hợp kết quả các nghiên cứu được tiến hành bởi nhiều nhà khoa học, phục vụ những mục đích khác nhau là điều không tưởng; bởi kết quả phụ thuộc vào dữ liệu thu thập và cách thức xử lý nó.
Chẳng hạn, có nghiên cứu cho thấy sản lượng nông nghiệp hữu cơ thấp hơn nông nghiệp thường từ 8-9%, trong khi nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng ở các quốc gia đang phát triển, sản lượng nông nghiệp hữu cơ cao hơn nông nghiệp thường.
Để tránh tình trạng này, trong công trình mới nhất có tên “Đa dạng thực hành để giảm khoảng cách giữa nông nghiệp thường và nông nghiệp hữu cơ” do Diễn đàn Kinh tế thế giới tài trợ, các nhà khoa học đã tập hợp rất nhiều nghiên cứu so sánh sản lượng hai phương thức canh tác trong 30 năm qua tại 38 quốc gia, gồm 1.000 so sánh về 52 loại cây trồng. Kết quả thu được cho thấy nếu thực hiện đúng quy trình, nông nghiệp hữu cơ có thể cho sản lượng gần như tương đương với nông nghiệp thường. Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Phương thức tăng năng suất cho nông nghiệp hữu cơ
Theo nghiên cứu trên, sản lượng của nông nghiệp hữu cơ đang thấp hơn nông nghiệp thường khoảng 19%. Tuy nhiên, nếu thay đổi cách thức sản xuất, khoảng cách này sẽ được lấp đầy. Thứ nhất, hãy bắt chước tự nhiên, tạo ra một nông trang có hệ sinh thái đa dạng để tận dụng được tối đa sự tương tác giữa các sinh vật, từ đó nâng cao năng suất cây trồng.
Trang trại hữu cơ Honey Brook, New Jersey, Mỹ. Ảnh HoneyBrookorganicfarm.com
Chẳng hạn, có thể canh tác theo hướng luân canh hoặc trồng xen canh. Biện pháp này giúp cải thiện chất lượng đất, giảm sự phá hoại của côn trùng, đồng thời hỗ trợ đa dạng sinh học, từ đó nâng cao năng suất mùa vụ trong khi vẫn bảo vệ được môi trường.
Thứ hai, có thể trồng những loại cây không có sự khác biệt về sản lượng khi trồng theo hướng hữu cơ hay trồng theo cách thông thường như cà chua, táo, yến mạch.
Ngoài ra, có thể đầu tư nghiên cứu một số cây trồng theo hướng hữu cơ để giúp tăng năng suất. Trên thực tế, trong cuộc Cách mạng xanh vào giữa thế kỷ 20, một số loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch đã cho năng suất vượt trội nhờ được tập trung đầu tư nghiên cứu.
Trên thực tế, có một số loại hạt giống được tạo ra để phù hợp với môi trường giàu dinh dưỡng, không sâu bệnh do dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu của nông nghiệp thông thường. Thế nên, nó sẽ kém hiệu quả khi trồng theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các giống cây phù hợp với nền nông nghiệp hữu cơ thì chắc chắn năng suất sẽ tăng cao.
Một gợi ý nữa được các nhà khoa học thuộc Viện Thực phẩm Berkeley, Mỹ đưa ra là trồng những loại cây có khả năng chống chịu được với cỏ - một nguyên nhân chính khiến sản lượng cây trồng thấp.
Không chỉ trông chờ vào tiến bộ khoa học
Vấn đề năng suất của nông nghiệp hữu cơ sẽ được cải thiện qua thời gian. Tuy nhiên ngay từ lúc này, để giải quyết vấn đề an ninh lương thực của loài người, chúng ta cần phải tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân về lương thực.
Có một thực tế là hiện nay mỗi năm chúng ta phung phí khoảng 30-40% lượng thực phẩm sản xuất ra. Nếu giảm được lượng thực phẩm bỏ đi này xuống còn một nửa, chúng ta có thể vừa bù đắp cho những thiếu hụt về sản lượng khi chuyển qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, vừa giải quyết được bài toán môi trường.
Đây cũng là cách giúp chúng ta phân phối đều lương thực cho mọi người, không để tình trạng nơi thì thừa thãi thực phẩm dẫn tới béo phì, nơi thì thiếu hụt thực phẩm dẫn tới suy dinh dưỡng, chết đói.
Nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa là hệ thống quản lý chuỗi sản xuất một cách toàn diện nhằm thúc đẩy, cải thiện sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm đa dạng sinh học, chu trình sinh học và các hoạt động sinh học trong lòng đất. Các phân bón hữu cơ được sử dụng trong quá trình này bao gồm phân chuồng, phân gia súc, cá, bột xương. Ngoài ra, người trồng còn sử dụng các loại sinh vật, cây trồng để làm thiên địch chống lại sâu bệnh, bảo vệ cây. |