Cụ thể, loài kiến Philidris nagasau có thể dùng hạt của 6 loại cây thuộc loài squamellaria - loài thực vật có hoa trong họ thiến thảo - để gieo trồng. Chúng tha hạt vào vết nứt trên vỏ cây, liên tục tuần tra các địa điểm đã trồng và thường xuyên bón cho cây non bằng chất thải của chúng.
Khi phát triển, cây hình thành cấu trúc tròn rỗng ruột lớn để kiến có thể sống trong đó thay vì phải làm tổ. Khi cây ra trái, kiến dùng chúng làm thức ăn và thu thập hạt giống cho những “vụ mùa” tiếp theo.
Những cái cây do loài kiến Philidris nagasau trồng. Ảnh: Tendencias21
Giáo sư Guillaume Chomicki thuộc Đại học Munich (Đức) phát hiện ra mỗi đàn kiến nuôi hàng chục cây như vậy cùng lúc, tạo ra những con đường nối liền chúng với nhau. Đôi khi sự kết nối này kéo dài đến vài cây liền kề.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, loài cây squamellaria hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động trồng và bón phân của kiến. Ngược lại, kiến Philidris nagasau cũng không thể tồn tại nếu không có thức ăn và nơi trú ẩn do cây squamellaria cung cấp.
Họ đã phân tích di truyền để xem sự tương tác giữa kiến và cây diễn ra từ khi nào. Kết quả cho thấy kiến Philidris nagasau đã mất khả năng làm tổ cách đây khoảng 3 triệu năm. Cũng trong thời gian này, cây squamellaria phát triển khả năng bám rễ và sinh trưởng trong vỏ cây.
Các tác giả kết luận, mối quan hệ này trải dài khoảng 3 triệu năm. Nghĩa là rất lâu trước khi con người hiện đại xuất hiện, loài kiến này đã trồng trọt. Có lẽ đây chính là những “nông dân” đầu tiên trên Trái đất!