Mảnh vỡ hình viên gạch, nặng 1,15kg của thiên thạch 4,56 tỷ năm tuổi vừa được tìm thấy ở một trang trại tại thành phố Perth, Australia.

Các thành viên nhóm Mạng lưới Cầu lửa Sa mạc (DFN) thuộc trường Đại học Curtin tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch hình viên gạch, nặng 1,15 kg ở trang trại phía đông bắc thành phố Perth, Australia, Guardian hôm 21/11 đưa tin.

Mảnh vỡ thiên thạch hình viên gạch, nặng 1,15kg được tìm thấy ở Australia. (Ảnh: AAP/Curtin University).

Thiên thạch được cho là khoảng 4,56 tỷ năm tuổi, lâu đời hơn cả Trái Đất, rơi xuống mặt đất hôm 31/10. Theo giáo sư Phil Bland, người sáng lập nhóm DFN, 4 máy quay của nhóm đặt ở Perenjori, Northam, Badgingarra và Hyden đã theo dõi đường đi của thiên thạch, nhờ vậy họ có thể tính toán vị trí rơi của nó.

"Mảnh vỡ tìm thấy là một mẫu vật mới, nguyên sơ và không bị phong hóa", Martin Towner, tới từ khoa Địa chất học ứng dụng, trường Đại học Curtin, mô tả.

Nhóm nghiên cứu ước đoán kích thước ban đầu trước khi rơi xuống bầu khí quyển của thiên thạch lớn hơn hiện tại khoảng 50-100 lần. Nó rơi với vận tốc tự do khi đâm vào Trái Đất, tốc độ di chuyển tương tự một hòn đá bị ném từ tòa nhà cao tầng.

Theo luật của Australia, mảnh vỡ thiên thạch thuộc sở hữu của nhà nước và Bảo tàng Tây Australia sẽ là bên bảo quản hiện vật.