Chúng ta thường cho rằng các loài vật như chó, mèo chỉ đơn thuần phản ứng với lời nói dựa trên các yếu tố đi kèm như giọng nói hay cử chỉ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã chứng minh loài chó có thể hiểu được phần nào ý nghĩa trong lời nói của con người.
Phân tích bằng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho thấy, khi nghe được các cụm từ hoàn toàn mới và với các cụm từ đã từng được gặp trước đó, não bộ của chó sẽ sinh ra các tín hiệu khác nhau. Dù chưa đủ chứng cứ để khẳng định những chú chó có thực sự “hình dung” được nội dung lời nói hay không, nhưng phân tích đã chứng minh được một dạng nhận thức đã diễn ra khi chúng nghe được các từ ngữ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là một bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu cơ chế xử lý ngôn ngữ ở loài chó. Các phản ứng não bộ phát hiện được đều hình thành từ dữ liệu do con vật tự thu nạp được thay vì quan sát hành động của con người. Một thành viên trong nhóm, nhà khoa học thần kinh Gregory Berns (Đại học Emory, Atlanta) cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy ở loài chó khả năng xử lý ngôn ngữ con người, ít nhất một phần nào đó, do chúng có thể được huấn luyện và tuân theo chỉ thị bằng ngôn từ.” Các nghiên cứu trước đó đều cho rằng sự tuân lệnh ở loài chó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như ánh mắt, cử chỉ và biểu cảm trên gương mặt người chủ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 12 con chó thuộc các giống khác nhau. Trong vài tháng, các chú chó sẽ được chủ nhân huấn luyện để phân biệt hai vật khác nhau và mang về vật đúng theo tên gọi. Khi các chú chó biểu hiện khả năng xác định đúng vật thể, các nhà nghiên cứu sẽ bắt tay thực hiện chụp cộng hưởng từ. Những người chủ chó sẽ đứng ở đầu kia của máy cộng hưởng từ và đọc tên vật thể chú chó đã được huấn luyện, đồng thời nói những từ vô nghĩa mà chú chó chưa hề nghe trước đó. Mỗi lượt nói tương ứng với một vật bất kỳ được giơ lên, có thể là vật chó đã gặp trong đợt huấn luyện hoặc không.
Khi tổng hợp các kết quả, các nhà khoa học đã phát hiện có sự gia tăng hoạt động não bộ khi con vật tiếp xúc với các từ mới và vật thể mới. Họ cho rằng có thể vì muốn làm chủ nhân hài lòng nên những chú chó đã cố gắng hiểu hết những gì chúng được nghe. Kết quả này đã nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học và trái ngược hoàn toàn với kết quả nghiên cứu tương tự trên con người. Chúng ta thường biểu hiện hoạt động thần kinh tốt hơn khi gặp các từ ngữ quen thuộc hơn khi gặp từ mới.
Các phản ứng não bộ ở chó tuy xảy ra liền mạch nhưng xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau. Trên một nửa số chó tham gia thí nghiệm, phản ứng xảy ra ở phần vỏ não thuộc đỉnh thái dương (để phân biệt các mệnh lệnh), trong khi xuất hiện ở nhiều khu vực khác như quanh vùng thái dương (đảm nhận chức năng xử lý âm thanh ở người), hạch hạnh nhân (điều khiển cảm xúc), nhân đuôi (điều khiển chức năng học tập và vận động) và đồi não (chuyển tiếp các tín hiệu vận động và thụ cảm). Đây cũng có thể là một hạn chế trong nghiên cứu lần này, khi các giống chó khác nhau sẽ có cách xử lý mệnh lệnh khác nhau.
Do đó, vẫn chưa dám chắc liệu chó có thực sự hiểu nội dung chúng ta nói là gì không, nhưng dường như chúng đủ thông minh để nhận diện một số lượng từ tối thiểu. Theo Berns, loài chó có thể có nhiều khả năng và động lực khác nhau để học và hiểu tiếng người, nhưng có vẻ chúng đã sở hữu khả năng nhận diện từ ngữ ở cấp cao hơn phản ứng có điều kiện cấp thấp từng được nhà sinh lý học I.P.Pavlov phát hiện.
Phạm Nhật (Theo Science Alert)