Phát triển kho học liệu mở, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai
“CMCN 4.0 thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng các hệ thống và thiết bị thông minh trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với đào tạo nhân lực trình độ cao. Hiện đang có một cuộc tranh luận sâu rộng về vấn đề những kĩ năng (thậm chí thói quen) nào là thực sự cần thiết cho một nền kinh tế thị trường hiện đại, làm thế nào để phát triển các kĩ năng đó cho người tốt nghiệp.
Những vấn đề nêu trên tạo ra một sức ép đổi mới trong công tác đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,” PGS.TS Nguyễn Trọng Điền - Trưởng phòng Đào tạo - chia sẻ với Khoa học và Phát triển vì sao đổi mới đào tạo trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhà trường.
Trong chiến lược mới của mình, Đại học Bách khoa Hà Nội đề ra một số giải pháp, bao gồm phát triển mô hình và chương trình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, như theo mô hình tiếp cận mục tiêu (CDIO: Conceive - Hình thành ý tưởng, Design - Thiết kế, Implement - Triển khai/Thực thi, Operate - Vận hành); áp dụng công nghệ dạy học, kết hợp cả học trực tuyến với học theo cách truyền thống (blended learning); và phát triển kho học liệu mở.
“Quan điểm phát triển chương trình là đào tạo ngành rộng ở bậc cử nhân kĩ thuật (4 năm), tức là chú trọng kiến thức nền tảng cơ bản và kiến thức cơ sở kĩ thuật vững chắc để người học thích ứng tốt với lĩnh vực rộng của ngành học. Nếu học thêm năm thứ 5, sinh viên được học kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực ứng dụng của ngành học để trở thành kỹ sư có năng lực chuyên môn sâu. Đây cũng chính là điểm mới của chương trình đào tạo kỹ sư,” PGS Điền cho biết.
Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ (5,5 năm), trong đó phần chương trình thạc sĩ có hai lựa chọn: theo hướng nghiên cứu hàn lâm (chú trọng năng lực nghiên cứu) hoặc hướng nghiên cứu phát triển (chú trọng năng lực thiết kế, nghiên cứu phát triển hệ thống, sản phẩm).
Sinh viên Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ học bằng tiếng Anh. Ảnh: Thơm Vũ
Nhìn chung, phương pháp học trải nghiệm sẽ được chú trọng hơn thông qua các kỳ thực tập tại doanh nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực đào tạo như cơ khí, dệt- may, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông,... PGS Nguyễn Trọng Điền cho biết, trường đã ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu với hầu hết các tập đoàn công nghiệp lớn của Việt Nam và một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn Dệt - May, Viettel, VNPT, Samsung Display, Nissan...
“Ngoài việc nâng cao kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên, việc hợp tác với doanh nghiệp còn giúp trường có thêm nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” – PGS Điền nói.
Đối với cơ sở vật chất - kỹ thuật, trường sẽ tập trung đầu tư, hiện đại hóa phòng học, giảng đường, thiết bị dạy học và đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực hành.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, phát triển kho học liệu mở bao gồm sách, giáo trình và bài giảng điện tử; các công bố khoa học, luận văn, luận án được số hóa để dễ dàng truy cập. Song song với đó, trường đã đặt ra lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ dạy và học thứ hai.
Việc thay đổi phương pháp học sẽ dẫn đến thay đổi vai trò của giảng viên từ chỗ truyền đạt kiến thức trên lớp là chính sang tổ chức, định hướng và hướng dẫn học tập cho sinh viên chủ động thực hiện.
Sinh viên sẵn sàng cho môi trường làm việc quốc tế
Có thể nói, dự án ELITECH là một trong những hoạt động đầu tiên hiện thực hóa chiến lược đổi mới trong đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, dự án bắt đầu được triển khai từ năm 2017 và hiện có khoảng 3.000 sinh viên đang theo học.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế, dự án ELITECH hướng đến việc xây dựng các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo tài năng, và chương trình kỹ sư chất lượng cao.
“Xuất phát từ các chương trình đào tạo đặc biệt có bề dày gần 20 năm, ELITECH được cải tiến và thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú có mong muốn trở thành chuyên gia giỏi hay nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kĩ thuật và công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này có khả năng làm việc tại các tổ chức doanh nghiệp đa dạng như cơ quan nghiên cứu, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước, các startup hay các dự án đổi mới sáng tạo…” – PGS Trần Văn Tớp nói.
Sinh viên Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ học thực hành.
Ảnh: Thơm Vũ
Trong đó, chương trình tiên tiến tập trung đào tạo 8 lĩnh vực: Kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật ô tô, khoa học và kỹ thuật vật liệu, kĩ thuật điện tử - viễn thông, kỹ thuật y sinh, công nghệ thông tin Việt - Nhật, công nghệ thông tin Global ICT, và kỹ thuật điều khiển và tự động hóa - hệ thống điện. Được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo của các trường đại học Mỹ, Đức, Nhật, Anh, ngôn ngữ giảng dạy và tài liệu học tập trong chương trình đều bằng tiếng Anh, ngoại trừ chương trình công nghệ thông tin Việt - Nhật được giảng dạy bằng tiếng Việt và học tăng cường tiếng Nhật. Với cách thức đào tạo như vậy, sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong nước và môi trường làm việc quốc tế, hoặc nhận học bổng để tiếp tục học lên trình độ cao hơn ở nước ngoài.
Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao lại có lợi thế đặc biệt về cơ hội việc làm và nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc ở các nước châu Âu do chương trình đã được Ủy ban Văn bằng kĩ sư Pháp (CTI) và Cơ quan Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư châu Âu (ENAEE) công nhận tương đương với trình độ thạc sĩ.
Còn điểm mạnh của chương trình đào tạo tài năng nằm ở chỗ yêu cầu cao hơn về trình độ ngoại ngữ, chú trọng phát triển các kĩ năng mềm cần thiết đối với các chuyên gia trình độ cao và người quản lí giỏi trong tương lai. Chương trình tập trung vào đào tạo các ngành: Khoa học và công nghệ thông tin, hệ thống cơ điện tử thông minh và robot, hệ thống điện tử thông minh và IoT, điều khiển và tự động hóa thông minh, toán tin, công nghệ hóa dược, công nghệ nano và quang điện tử.
Đặc biệt, mới đây Đại học Bách khoa Hà Nội đã kí biên bản ghi nhớ với Tập đoàn SAP (Mỹ) về việc hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt Nam với những kỹ năng công nghệ số để chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN 4.0.
PGS Nguyễn Trọng Điền cho biết, hợp tác với SAP hướng tới xây dựng các chương trình hỗ trợ, các khóa học trải nghiệm (trải nghiệm môi trường doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp, tham gia các dự án nghiên cứu phát triển) để nâng cao năng lực và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp trong thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, SAP hỗ trợ sinh viên của trường tiếp cận nhanh hơn những công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) thông qua việc tổ chức các hội thảo chuyên đề và các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn, trước hết là cho sinh viên ngành khoa học máy tính, quản trị kinh doanh, và sinh viên của các chương trình ELITECH.
Bên cạnh đó, SAP cũng hỗ trợ đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi số” trong hệ thống quản lý điều hành mọi mặt hoạt động của trường.
Trong giai đoạn 2017 – 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành Tiểu dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học với tổng mức đầu tư 50 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 45 triệu USD, vốn đối ứng của Trường là 5 triệu USD. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Cơ điện tử và Khoa học vật liệu. |