Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quân đội vận chuyển một lò phản ứng hạt nhân đến vùng chiến sự bằng đường hàng không?

Đã không ít lần quân lực Hoa Kỳ rơi vào tình huống khó xử khi muốn cấp điện cho các căn cứ và tiền đồn quân sự bằng năng lượng hạt nhân, tuy nhiên việc xây dựng, triển khai và nhất là di chuyển các lò phản ứng lại chẳng hề dễ dàng – thường được giao cho khu vực dân sự đảm nhận.

Loại lò phản ứng hạt nhân nhỏ, di động có thể sẽ là giải pháp cung cấp năng lượng hiệu quả cho các khu vực căn cứ và tiền đồn quân sự. Ảnh: 4generation.energy

Loại lò phản ứng hạt nhân nhỏ, di động có thể sẽ là giải pháp cung cấp năng lượng hiệu quả cho các khu vực căn cứ và tiền đồn quân sự. Ảnh: 4generation.energy

Nhưng điều này có vẻ sẽ không đúng nữa khi quân đội Mỹ vừa công bố một dự án mang tên Project Dilithium, theo đuổi kế hoạch vận chuyển những lò phản ứng hạt nhân di động loại nhỏ bằng đường không, đường bộ hoặc hàng hải tới các căn cứ quân sự – nơi rất cần nguồn năng lượng chi phí thấp và có độ tin cậy cao trong thời gian dài, chẳng hạn ba năm.

Tuy nhiên, ý tưởng trên lại khiến nhiều chuyên gia hạt nhân cảm thấy lo ngại, nhất là khi nhìn từ quan điểm kỹ thuật. Chẳng hạn, nếu vận chuyển bằng đường hàng không, không gì có thể đảm bảo việc chất một lò phản ứng lên khoang máy bay sẽ không làm phát sinh sự cố, dẫn đến thảm họa – theo Popular Mechanics. Bên cạnh đó, bản tin khác trên Atomic Scientists cũng nêu lên nhận định, rằng công nghệ chế tạo lò phản ứng hiện nay là chưa đủ để cung cấp cho quân đội một nguồn năng lượng dồi dào và chỉ đơn giản cắm điện vào là chạy giống như khẳng định của Project Dilithium. Thứ nữa, việc đưa một lò phản ứng vào khu vực chiến sự còn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Thử tưởng tượng, “nếu các chỉ huy buộc phải tiêu tốn một nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ bảo vệ những lò phản ứng cùng hệ thống hỗ trợ ăn theo khỏi những cuộc công kích, thì chúng thực tế lại chính là gánh nặng chứ không phải tài sản quý giá” - theo nhận định của nhà vật lý Edwin Lyman, quyền giám đốc chương trình Nuclear Safety Project (Dự án an toàn hạt nhân) tại Union of Concerned Scientist (Liên minh các nhà khoa học trăn trở).

Nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển của Trung Quốc, về bản chất cũng là một loại lò phản ứng nhỏ, di động. Ảnh: Philippines Lifestyle News.

Nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển của Trung Quốc, về bản chất cũng là một loại lò phản ứng nhỏ, di động. Ảnh: Philippines Lifestyle News.

Ngoài ra, các lò phản ứng di động như đề xuất của Profect Dilithium thường sẽ sử dụng nhiên liệu là uranium đã làm giàu cao – gần như tương tự với loại được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. “Ngay đến một lò phản ứng nhỏ với công suất 1 megawatt cũng đã chứa một lượng lớn đồng vị có chu kỳ phân rã lâu và phát ra phóng xạ mạnh như Caesium 137. Vì thế, đó thực sự là một quả bom bẩn với tiềm năng gây hại lớn hơn nhiều so với các phóng xạ trong lĩnh vực y tế, khiến không ít người thấy phải kinh sợ”, Lyman viết.