Theo BBC, Janet Ostern, một cư dân Oxford, Anh, 80 tuổi, là bệnh nhân đầu tiên trên thế giới trong số 10 bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (age-related macular degeneration (AMD) tham gia thử nghiệm liệu pháp gien, được Gyroscope Therapeutics khởi xướng.
Đây là liệu pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mất thị lực, hình thức mù lòa phổ biến nhất trong thế giới phương Tây. Khoảng 600.000 người ở Anh bị AMD và hầu hết họ bị suy giảm thị lực nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã đưa vào cơ thể bệnh nhân một gien nhân tạo để ngăn chặn tế bào võng mạc bị hủy hoại.
Đây là liệu pháp đầu tiên nhằm vào cơ sở di truyền của bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD).
Thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm) là một bệnh ảnh hưởng đến hoàng điểm, bộ phận của mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy chi tiết hình ảnh. Thoái hóa điểm vàng có thể gây ra các vấn đề cho thị lực trung tâm (central vision), là vùng thị lực giúp nhìn rõ vật thể. Khi bị thoái hóa điểm vàng do lão hóa, các tế bào võng mạc bắt đầu chết đi và không được khôi phục.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tiêm thuốc được thực hiện ở giai đoạn đầu của sự phát triển thoái hóa ở phía sau mắt. Nhờ tiêm, cơ thể nhận được một loại vi rút vô hại cùng với gien tổng hợp. Vi rút gây lây nhiễm cho các tế bào võng mạc và giải phóng "chất nhồi" là gien tổng hợp.
Sự hiện diện của gien được chèn vào cho phép cơ thể tự sản sinh ra một loại protein ngăn chặn cái chết của các tế bào. Hiện còn quá sớm để nói về kết quả của thử nghiệm khi các nhà khoa học đang theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Robert MacLaren, giáo sư nhãn khoa tại Đại học Oxford giải thích rằng phương pháp điều trị di truyền được thực hiện sớm để bảo tồn thị lực ở những bệnh nhân bị suy giảm thị lực sẽ là một bước đột phá lớn trong nhãn khoa.
Theo Motthegioi