The Guardian cho biết, một cậu bé ở bang Tennessee (Mỹ) đã tự chế tạo lò phản ứng nhiệt hạch trong phòng vui chơi của gia đình ngay từ năm 12 tuổi, và trở thành người trẻ nhất trong lịch sử làm được điều này.

Hôm 2/2/2019, Liên minh Nghiên cứu Nhiệt hạch Nguồn mở (Open Source Fusor Research Consortium), một tổ chức của những người yêu thích hạt nhân đã công nhận thành tựu của Jackson Oswalt (vừa tròn 14 tuổi) – theo báo cáo của trang tin thương mại USA Today. Oswalt đã lắp đặt thành công một cỗ máy có khả năng tạo trường plasma mà tại đó phản ứng hợp hạch xảy ra (hợp hạch là quá trình kết hợp hai nguyên tử nhẹ với nhau để tạo thành một nguyên tử mới, nặng hơn, song vẫn nhẹ hơn một chút so với tổng khối lượng của hai hạt ban đầu, đồng thời giải phóng một năng lượng lớn).

Trái với phản ứng phân hạch, nguyên liệu của phản ứng hợp hạch tương đối dễ kiếm. Ảnh: Shutterstock.

Trái với phản ứng phân hạch, nguyên liệu của phản ứng hợp hạch tương đối dễ kiếm. Ảnh: Shutterstock.

Câu chuyện “kỳ diệu” trên dường như cũng là để trả lời cho một câu hỏi tồn tại từ lâu: Liệu con người có thể tự tạo ra phản ứng hạt nhân ở ngay tại nhà? Trước đây, Live Science đã từng nhiều lần đưa tin về các start-up nguyên tử đang thực hiện những dự án theo sở thích, và xu hướng cho thấy đang ngày càng có nhiều người mày mò, theo đuổi các ý tưởng chỉ để cho vui; và hầu hết tất cả những nỗ lực này đều tập trung vào phản ứng hợp hạch thay vì phân hạch. Nguyên do cũng bởi: hiện tượng phân hạch thường đỏi hỏi nguyên liệu là các hợp chất cực nặng và cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt như Uranium; trong khi hợp hạch lại chỉ cần đến những đồng vị Hydro cực nhẹ như Deuterium – vốn rất dễ tiếp cận do quá dồi dào trong nước biển.

Mặc dù vậy, việc tạo thành công phản ứng hợp hạch ở ngay tại nhà lại không đồng nghĩa với việc Oswalt (hay bất cứ người yêu thích công nghệ hạt nhân nào khác) đã chế tạo được lò phản ứng thật sự có khả năng sản sinh ra nhiều năng lượng hơn đầu vào mà nó cần lấy để hoạt động – điều đau đầu mà ngay đến Bộ Năng lượng vẫn chưa thể tìm ra cách để quản lý. Thứ nữa, trong khi những lò phản ứng được lắp đặt theo sở thích như vậy vẫn sẽ phát ra một vài bức xạ, thì quy mô của quá trình hợp hạch và năng lượng sinh ra là quá nhỏ bé để có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư lân cận. Vì thế, thiết bị của Oswalt chắc chắn là chưa đủ để chuyển sang mục đích chế tạo bom. Mặc dù vậy, như cảnh báo trên trang Fusor.net, việc bọc lò theo cách không phù hợp vẫn có thể sẽ gây nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nguyên tắc căn bản của những lò phản ứng như của Oswalt là người chế tạo thường sử dụng từ trường (nam châm) để treo các đồng vị Hydro lơ lửng trong chân không, sau đó bơm rất nhiều điện vào để làm nóng những nguyên tử ở nhiệt độ siêu cao, cho tới khi chúng bắt đầu hợp nhất để tạo thành Helium. Và để chứng minh phản ứng hợp hạch đã thật sự xuất hiện, Oswalts cần phải chỉ ra được sự xuất hiện của các neutron (được giải phóng trong quá trình hợp hạch Deuterium).

Oswalt trở thành người trẻ nhất trên thế giới lắp đặt thành công một lò phản ứng hợp hạch ở ngay tại nhà. Ảnh: Fox News.

Jackson Oswalt trở thành người trẻ nhất trên thế giới lắp đặt thành công một lò phản ứng hợp hạch ở ngay tại nhà. Ảnh: Fox News.

Sau cùng, như The Guardian tiết lộ, lò phản ứng của Oswalt đã đòi hỏi suất điện động ở mức 50.000 V và trang thiết bị tiêu tốn khoảng 10.000 USD để có thể hoạt động.