Trái ngược với những hình dung trước đây về một vùng cao vô chính phủ, bị động và kém trù phú, các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước giờ đây đã mang đến một cái nhìn mới về bức tranh lịch sử vùng cao Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Jean Marie Duchange đã chụp những bức ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến Tây Nguyên từ tháng 6/1952 - 7/1955. Ảnh: baoquangngai
Nhiếp ảnh gia người Pháp Jean Marie Duchange đã chụp những bức ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến Tây Nguyên từ tháng 6/1952 - 7/1955. Ảnh: baoquangngai

Thoạt nhìn, hội thảo “Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và Tiếp cận Liên ngành” do trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia HN) tổ chức vào ngày 30/12 vừa qua dường như không có gì đặc biệt so với những hội thảo khác, nếu không muốn nói là có phần khiêm tốn hơn về mặt số lượng đại biểu tham gia. Thế nhưng, với những người đã chứng kiến sự thăng trầm của nghiên cứu lịch sử vùng cao trong suốt nhiều năm qua như ông Philippe Le Failler, trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, hội thảo này là một bước ngoặt lớn.

“Cách đây hai mươi năm, tôi từng chủ trì một cuộc hội thảo cũng về vùng cao Việt Nam”, ông kể, “ban tổ chức hội thảo khi đó gặp rất nhiều khó khăn. Có rất ít tác giả tham gia hội thảo, bởi lẽ lúc bấy giờ tài liệu rất ít, các nhà nghiên cứu lại bị bất đồng về mặt ngôn ngữ. Thêm vào đó, các học giả Việt Nam rất ngại bàn luận đến vấn đề vùng biên, dù các học giả nước ngoài lại quan tâm đến vấn đề này.” Tuy nhiên, đến hiện tại, ông nhận thấy tình hình đã khác. “Hội thảo hôm nay có rất nhiều học giả trẻ, số lượng người quan tâm cũng đông hơn trước.”

Trước đây, lịch sử Việt Nam chủ yếu trình bày theo quá trình phát triển của người Việt và theo quá trình tiến về phương Nam – người Việt đi đến đâu, lịch sử bắt nguồn từ đấy. Một không gian lịch sử, văn hóa rộng lớn là các vùng cao, miền núi tại Việt Nam được trình bày khiêm tốn trong tổng thể các câu chuyện, các thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

Phải đến năm 2007, trong công trình nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam Tiếp cận bộ phận, GS Phan Huy Lê đã tổng kết và đề xuất nguyên lý Đa tuyến, Toàn diện và Toàn bộ của lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các thời kỳ Cổ đại và Trung đại. Theo đó, lịch sử Việt Nam là lịch sử của tất cả cộng đồng dân cư, các dân tộc đã từng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, bên cạnh dòng chủ lưu của lịch sử văn hóa của dân tộc đa số là người Việt, còn bao gồm các dòng hội nhập của các dân tộc khác.

Nguyên lý này là “bước tiến dài trên con đường nhận thức lịch sử và văn hóa dân tộc, vốn được hiểu như một quá trình phát triển lớp lang nhưng tương đối đơn tuyến”, như lời chia sẻ của GS. TSKH. Vũ Minh Giang1. Theo đó, trong suốt những năm qua, Sử học Việt Nam hiện đại đã từng bước hiện thực hóa được nguyên lý này, nhất là bổ sung được các dòng chảy lịch sử Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chămpa ở miền Trung và Đồng Nai - Óc Eo - Phù Nam ở miền Nam, để lịch sử Việt Nam không còn đơn tuyến, thiếu hoàn thiện. Bên cạnh đó, không ít các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm, có những thành tựu khoa học về vùng cao Việt Nam, như Oscar Salemink, John Kremers Whitmore, James A. Anderson, Andrew Hardy, Philippe Le Failler, Johann Grémont, Momoki Shiro, Trịnh Sinh, Trình Năng Chung, Trần Anh Dũng, Nguyễn Tiến Đông…

Thế nhưng, trung tâm của cuộc hội thảo do ĐH KHXH&NV tổ chức lại không phải là những nhà nghiên cứu lâu năm đã có nhiều thành tựu đáng kể, mà là những nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Các nghiên cứu của họ đề cập đến nhiều vấn đề, từ “tôn giáo, chính trị, chính sách nhà nước, biên giới quốc phòng, hướng phát triển lãnh thổ, quyền lực địa phương, kinh tế khai khoáng, mạng lưới thương mại, quá trình tộc người, vấn đề di cư, và không gian văn hóa; trải dài từ khu vực miền núi phía Bắc, đến khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và Tây hạ lưu Mekong; xuyên suốt tiến trình thời gian từ cội nguồn tộc người đến đương đại, nhất là khoảng hơn một thiên niên kỷ trở lại đây (thế kỷ X-XXI). Trong hơn 1000 năm đó, từng không gian/tiểu vùng khác nhau, trong các giai đoạn sớm muộn và các bước khác nhau, đã gia nhập vào dân tộc - lãnh thổ Việt Nam, hoàn thiện một Việt Nam hiện đại trong khoảng thế kỷ XVIII-XIX-XX.” – TS Đỗ Thị Thùy Lan (Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN) chia sẻ.


Mỗi một cá nhân, một cộng đồng, một vùng trong không gian lãnh thổ Việt Nam đều có vị trí, vai trò không thể thiếu trong thực thể Việt Nam thống nhất. Câu chuyện vùng cao là câu chuyện để chúng ta đi đến một cái nhìn toàn diện về lịch sử Việt Nam.

PGS.TS Vũ Văn Quân, Trưởng khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN)


Một vùng cao trù phú và kết nối

Dù hướng nghiên cứu về vùng cao Việt Nam chỉ mới nở rộ trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhưng các nhà nghiên cứu trong nước đã mạnh dạn đưa ra những quan điểm riêng của mình, thậm chí là phản biện lại các nghiên cứu trước đây của các học giả quốc tế để khẳng định một vùng cao Việt Nam chủ động, trù phú và kết nối.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Jean Marie Duchange đã chụp những bức ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến Tây Nguyên từ tháng 6/1952 - 7/1955. Ảnh: baoquangngai
Nhiếp ảnh gia người Pháp Jean Marie Duchange đã chụp những bức ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyến Tây Nguyên từ tháng 6/1952 - 7/1955. Ảnh: baoquangngai

Khái niệm một vùng Zomia “vô chính phủ” ở Đông Nam Á lục địa của Willem van Schendel, và đặc biệt của James C. Scott, là một luận điểm lớn, mang tính khái quát và có sức ảnh hưởng; tuy thế, những mảng nghiên cứu ở miền cao Việt Nam hiện nay lại cho thấy đã đến cần ngẫm lại tính chính xác của lý thuyết này. Cụ thể, James C.Scott cho rằng cư dân ở vùng Zomia – tương ứng với khu vực vùng núi từ Tây Nguyên của Việt Nam đến phía Đông Bắc Ấn Độ – có truyền thống vô chính phủ, bất tuân sự cai trị của các nhà nước ở vùng thấp và bảo vệ quyền của họ để tự quản trị. Tuy nhiên, trong khảo cứu của mình, TS Đỗ Thị Thùy Lan cho biết, các phế tích trên mặt đất và trong lòng đất Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai…) đã cho thấy thể chế Chămpa đã là một vương quốc, có những giai đoạn dài thống nhất Bắc – Nam, và vươn lên miền ngược. Thực thể Chămpa ở miền Trung trước thời Thực dân không chỉ là một thể chế biển hay nông nghiệp và đồng bằng, mà nó còn bao gồm những chính thể miền thượng nguyên phía Tây, từ con người/tộc người, những liên kết kinh tế, thương mại, đến sự hiện diện các thế lực miền núi, thậm chí đóng vai trò trung chuyển trong khu vực.

“Sự liên hệ năng động trong kinh tế, chính trị giữa thượng du – hạ nguồn, sự hùng mạnh của chính thể Hrê ở thung lũng miền cao càng thấy lý thuyết của James C. Scott về một vùng Zomia biệt lập, lạc hậu, nằm ngoài, chống đối, thậm chí trốn chạy văn minh và nhà nước trung ương cần phải được xem xét lại”, TS Lan khẳng định.

Không chỉ ở khu vực Tây Nguyên, các quan điểm truyền thống cũng nhìn nhận vùng cao ở phía Bắc như một khu vực lạc hậu, bị động và kém trù phú. Tuy nhiên, nghiên cứu về khai mỏ của TS Vũ Đường Luân (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – ĐHQGHN) đã cho thấy một vùng cao kết nối và đóng vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định. Theo đó, trong giai đoạn này khai mỏ đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp về thuế cho thu nhập của chính quyền phong kiến, đồng thời “đã có du nhập một số phương thức sản xuất mới tiến bộ.”2

“Không thể phủ nhận rằng chính sách khai mỏ của nhà nước ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII đã phản ánh những thay đổi trong cách nhìn của triều đình Đại Việt đối với khu vực miền núi phía bắc Việt Nam”, TS Luân phân tích. “Từ chỗ chỉ được coi là một khu vực lạc hậu, nằm bên ngoài sự giáo hóa, các thể chế chính trị ở Việt Nam đã từng bước khai thác, kiểm soát các nguồn tài nguyên của vùng thượng du và coi đó như là một nguồn tài chính đặc biệt của quốc gia”. Điều này cũng đồng nghĩa với vị thế và tầm quan trọng của vùng cao từng bước được xác lập và khẳng định trong cấu trúc lãnh thổ của Việt Nam trong giai đoạn cuối của thời đại thể chế.

Một cái nhìn từ núi

Tuy nhiên, chuyển biến lớn nhất trong mảng nghiên cứu về lịch sử vùng cao, đó là các nhà khoa học đã chuyển điểm nhìn nghiên cứu, lấy miền núi làm trung tâm. Nói cách khác, lịch sử vùng cao giờ đây không chỉ là một phép cộng các vấn đề, không gian rời rạc các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam lại với nhau, đặt trong đối sánh với vùng châu thổ Sông Hồng hay dải đồng bằng thấp hạ lưu, duyên hải Miền Trung; mà là một cái nhìn từ núi, từ miền thượng. “Hướng đi này đã bổ sung cho những phiến diện của các nghiên cứu mang nhãn quan từ trung ương, vùng thấp”, TS Đỗ Thị Thùy Lan chia sẻ.

Cư dân vùng cao giờ đây đã trở thành nhân vật trung tâm trong câu chuyện lịch sử của vùng đất này, thay vì đứng ở vị trí ngoài lề, là nhân vật phụ trong mối liên hệ với lịch sử vùng thấp. Đơn cử như một quan sát mới về các hệ thống quyền lực miền núi trong thời tiền hiện đại, ở phần địa lý ứng với phía Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay của TS Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học – VASS). Theo đó, giữa hỗn độn các tộc người, nhóm tộc người tồn tại phức tạp ở Bắc Việt Nam, kể từ thế kỷ X – đầu thế kỷ XX, có hai lớp quyền lực chủ đạo dần dần nổi lên. “Lớp thứ nhất, bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ X, là lớp quyền lực vành đai núi thấp Mường – Thái (Tây Bắc và Bắc Trung Bộ) và Tày (Đông Bắc); đây là vành đai quyền lực nổi trội, có thể quan sát rõ sức mạnh của họ bao trùm toàn bộ các vùng núi. Lớp thứ hai, khó nhận biết hơn là lớp quyền lực của người H’mông, quyền lực đỉnh núi”.

TS Nguyễn Mạnh Tiến đã nhìn từ chính miền núi, để hiểu rõ những cá tính của người H’mông, từ đó đưa ra những lý giải về các quyết định của họ. Theo đó, đến Việt Nam vào thế kỷ XVII, H’mông với đặc trưng sở hữu kinh nghiệm sinh tồn trên núi cao, dữ dằn, thiện chiến và đông đảo, liên tiếp va chạm quân sự với Tày, Thái và cuối cùng đã giành được sự tự trị trên các vùng núi cao hiểm trở ở khắp các vùng miền núi. “Giữa các lớp quyền lực này tồn tại mối quan hệ liên đới phức tạp với nhau và với quyền lực của người Việt ở đồng bằng”, TS Tiến nhận định. Sự liên kết hay thù địch, phần lớn, tùy thuộc vào động thái chính trị được lựa chọn bởi đồng bằng. Nếu các nhà cầm quyền bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thuyết Đế Vương, Hoa Di, mô hình Hán hóa cực đoan thì miền núi sẽ nổi loạn chống đối. “Trái lại, khi tinh thần khoan dung, bình đẳng trong quan hệ tộc người được thực thi ở đồng bằng thì sẽ nhận lại từ miền núi sự liên kết và ổn định, điều từng diễn ra dưới vương triều Lý.”

Rõ ràng, vùng cao không phải là một thực thể biệt lập, tách rời với bối cảnh chính trị đồng bằng như nhiều nghiên cứu trước đây vẫn lầm tưởng. Ở một hướng nghiên cứu khác, để tìm hiểu về vai trò của các thủ lĩnh địa phương trong việc thiết lập và phát triển miền truyền giáo Kon Tum (1850 – 1900), TS Nguyễn Đặng Anh Minh (Viện Văn học – VASS) đã tìm hiểu về một tập tục lâu đời ở vùng đất này. Vào giữa thế kỷ 19, khi phải đối mặt với những nguy hiểm – hệ quả của chính sách bài Thiên Chúa giáo của nhà Nguyễn dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; các thừa sai người Pháp đã tận dụng việc thiết lập liên minh thông qua kết nghĩa để xây dựng các cơ sở truyền giáo, cũng như mở rộng ảnh hưởng của họ trên vùng đất Tây Nguyên. “Thiết lập liên minh là một tập tục lâu đời của nhiều cộng đồng người địa phương ở Tây Nguyên. Thông qua các nghi lễ, đặc biệt việc hiến sinh dưới sự chứng kiến của các vị thần, những người tham gia đã coi nhau như những thành viên trong cùng một gia đình và luôn giúp đỡ nhau”, TS Minh lý giải.

Các thừa sai đã tìm hiểu và tận dụng phong tục tập quán của cư dân địa phương để được họ chấp nhận và cải đạo họ, nhưng sau đó, các thừa sai lại tìm cách cấm và xóa bỏ những phong tục này. “Tuy nhiên, những cư dân địa phương cũng không hề bị động trong các mối quan hệ này, họ cũng có những toan tính cho lợi ích kinh tế hoặc chính trị của mình”, TS Nguyễn Đặng Anh Minh cho biết. Những người đứng đầu miền núi đã trở thành đối tượng tham gia tích cực trong hoạt động chính trị và tương tác quyền lực. Thậm chí, họ còn phát triển một chiến lược chính trị mà ở đó họ tạo dựng mối quan hệ liên minh với các thế lực vốn là kẻ thù của nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính cộng đồng của họ, mà còn tác động đến cục diện chính trị lúc bấy giờ giữa Pháp và triều đình.

Những câu chuyện như trên đã nối liền dòng chảy của lịch sử, làm rõ các mảnh ghép còn khuyết thiếu trong bức tranh lịch sử Việt Nam.

Chú thích:

[1] https://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/cong-trinh-lich-su-va-van-hoa-viet-nam-tiep-can-bo-phan-mang-gia-tri-cot-loi-cua-dan-toc-viet-nam/

[2] Trần Thị Vinh (chủ biên) (2017), Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.210