Vào một buổi sáng ấm áp tháng 11, trời mưa phùn, ẩm ướt. Một máy bay của hãng hàng không Turkish Cargo hạ cánh ở sân bay quốc tế São Paulo. Thùng Container được hạ xuống. Trên thùng mang dòng chữ: “Vaccine của Butantan". “Đây là lô chất cơ bản đầu tiên của vaccine CoronaVac.
Loại vaccine này do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc phát triển. Viện nghiên cứu Butantan của Brazil tiến hành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III đối với CoronaVac trên 9.000 tình nguyện viên. Hiện tại nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III với loại vaccine này đang được tiến hành ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia. Được biết cho đến nay đã có 170 người tình nguyện làm thí nghiệm bị lây nhiễm. Yếu tố bảo vệ được tính theo tỷ lệ giữa những người bị lây nhiễm có được tiêm chủng với những người lây nhiễm tiêm chủng bằng giả dược (tức nhóm đối chứng). Viện Butantan cho hay đối với công bố hiệu quả chỉ cần 152 người bị lây nhiễm là đủ. Ngày 23/12 kết quả nghiên cứu sẽ được công bố. Sau đó cơ quan quản lý dược phẩm Anvisa của Brazil sẽ đề nghị cấp phép chính thức cho loại vaccine này, không cần cấp phép khẩn cấp vì ở Brazil cấp phép khẩn cấp chỉ có giá trị đối với các nhóm có nguy cơ.
Lily Weckx cho hay “Kể từ hồi tháng năm ở Brazil đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III đối với các loại vaccine khác nhau, từ tháng 10 tiến hành thêm một nghiên cứu lâm sàng nữa”. Nhà dịch tễ học này làm việc tại Unifesp của São Paulo. Nhưng tại sao lại là ở Brazil? “Tại chúng tôi rất không may là có số lượng người nhiễm corona tăng theo cấp số nhân, vì thế để nghiên cứu về hiệu quả tiêm chủng thì nước chúng tôi là lý tưởng. “Cho đến nay riêng ở tiểu bang São Paulo đã có trên 44.000 người chết vì lây nhiễm Corona. Cả nước Brazil có trên 180.000 người, chỉ sau Hoa Kỳ và chúng tôi là một trong những nước bị điêu đứng nhất vì đại dịch corona trên thế giới”. Dự kiến ngày 25/1 sẽ mở màn chiến dịch tiêm chủng tại tiểu bang đông dân nhất Brazil, một khi vaccine được cấp phép. Tại Brazil chỉ có Viện Butantan có phòng thí nghiệm đạt độ an toàn bậc ba, đây là điều kiện bắt buộc để có thể sản xuất vaccine. Cơ sở này sẽ được mở rộng vào nửa cuối năm 2021 để có thể tự sản xuất vaccine CoronaVac.
Cũng như Viện Butantan ở São Paulo, Viện Fiocruz ở Rio de Janeiro sở hữu nhà máy sản xuất vaccine khổng lồ Biomanguinhos. Trong nhiều thập kỷ, cả hai viện đã sản xuất hàng triệu liều vaccine cho 210 triệu dân Brazil hiện nay.
Brazil đã có nguồn cung cấp thuốc và vaccine tốt cho quốc gia chậm nhất là từ những năm 1990. Vào thời điểm đó, quốc gia này đã đấu tranh thành công để giành quyền sản xuất thuốc gốc giá rẻ (thuốc bắt chước) để điều trị cho những người dương tính với HIV.
Giám đốc nhà máy sản xuất vaccine Biomanguinhos ở Rio de Janeiro là Maurício Zuma. Ông cho biết, vào đầu tháng ba, viện của ông đã ký hợp đồng sơ bộ với công ty dược phẩm AstraZeneca. Nếu kết quả của nghiên cứu giai đoạn III khả quan và Anvisa chấp thuận vaccine, việc sản xuất sẽ bắt đầu ngay lập tức. “Mặc dù công nghệ này tương đối mới”, Maurício Zuma nói, “chúng tôi sản xuất vaccine của riêng mình theo một quy trình tương tự. Tế bào được nhân nuôi trong lò phản ứng sinh học và protein được tinh chế bằng phương pháp sắc ký. Sau đó dược chất hoạt động dưới dạng huyền phù, cho vào lọ thủy tinh và đóng gói. Quy trình sản xuất này là thông lệ tại đây”.
Xuân Hoài (Theo Taz.de)