Bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn - cho biết mô hình này đang được triển khai tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang... Các dược liệu tại đây đều được trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Các dược liệu đang được trồng bao gồm gấc, rau má, lạc tiên… được sử dụng để chiết xuất thành các loại nước uống có nguồn gốc “organic”, có lợi cho sức khỏe con người. Để sản phẩm sản xuất đúng quy chuẩn, Tập đoàn TH đã thiết lập một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ khâu trồng trọt đến sản phẩm cuối cùng (ươm tạo giống - trồng trọt - chế biến - nghiên cứu sản xuất thành phẩm tiếp thị và bán hàng). Quy trình trồng trọt - sản xuất khép kín, chú trọng tính bền vững.
Với mắt xích đầu tiên, tập đoàn đang triển khai dự án trồng dược liệu và thảo dược trên toàn quốc với diện tích trên 15.000ha; trước mắt tập trung phát triển ở vùng dược liệu tại Nghệ An, với 250ha trồng thảo dược (gấc, lạc tiên, rau má và các loại dược liệu quý như sâm bạch quả, đương qui, lan gấm, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, tam thất, hoàng linh chi...).
PGS-TS Trần Thị Hồng Phương - Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế - cho rằng, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng sử dụng các thuốc từ dược liệu ngày càng gia tăng do chúng ít tác động có hại, phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể.
“Dược liệu không chỉ được dùng trong ngành dược mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu, thực phẩm. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới dừng lại ở việc xuất khẩu dược liệu dưới dạng thô nên giá trị thấp; chưa gắn kết chặt chẽ giữa nuôi trồng, sản xuất với nhu cầu thị trường; chưa biết cách thương mại hóa để đưa các cây thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi” - bà Phương nói và đánh giá cao việc Tập đoàn TH trở thành nhà sản xuất, cung ứng dược liệu sạch, đồ uống, thực phẩm và đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào chu trình sản xuất khép kín đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.