Việt Nam tuy đã tiếp cận được công nghệ bảo tồn, lưu giữ nguồn gene của thế giới nhưng hầu hết các công đoạn, thao tác trong bảo tồn đều đang được tiến hành thủ công.

Đó là ý kiến của Phó Giáo sư - tiến sỹ Lã Tuấn Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), đơn vị quản lý và duy trì Ngân hàng Gene thực vật quốc gia.


3 loại ngân hàng gene cây trồng

Việc đưa các nguồn gene cây trồng quý vào ngân hàng gene được ví là mở tài khoản tiết kiệm cho tương lai. Hoạt động này đang được thực hiện như thế nào ở Việt Nam, thưa ông?

Việc tổ chức lưu giữ nguồn gene cây nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng địa phương, bản địa, đặc hữu quý hiếm ở Việt Nam đã được thực hiện gần 30 năm qua. Các nguồn gene cây trồng trong cả nước được thu thập và bảo tồn ở 3 ngân hàng gene cơ bản: Ngân hàng gene hạt giống (các hạt giống được lưu giữ trong kho lạnh), ngân hàng gene đồng ruộng (giống được lưu giữ bằng cách trồng cấy) và ngân hàng gene in-vitro (trong ống nghiệm, áp dụng với những nguồn gene khó lưu giữ ở 2 loại ngân hàng trên hoặc có sức sống kém).

Tất cả nguồn gene lưu giữ trong 3 ngân hàng đó sẽ được cung cấp cho việc khai thác, sử dụng để chọn tạo giống và sản xuất.

Thưa ông, các nguồn gene được lựa chọn như thế nào để đưa vào lưu trữ trong ngân hàng?

Đánh giá nguồn gene là một nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn nhằm xác định đặc điểm hình thái và các tính trạng, đặc biệt là tính trạng quý của nguồn gene. Về cơ bản, có hai mức độ đánh giá: Đánh giá ban đầu (mô tả đặc điểm hình thái của nguồn gene) và đánh giá chi tiết (xác định các tính trạng như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu...). Mỗi nguồn gene có tiêu chí, quy trình đánh giá riêng.

Phân loại các giống lúa quý tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Phượng
Phân loại các giống lúa quý tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Phượng

Việc thu thập các nguồn gene ở Việt Nam đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Mọi loài sinh vật đều cần được thu thập để bảo tồn. Tuy vậy, do hạn chế về nguồn lực (nhân lực, kinh phí, hạ tầng, trang thiết bị...) nên việc thu thập chỉ tập trung vào những nguồn gene quý, hiếm, đặc hữu hoặc có nguy cơ biến mất.

Đối với nguồn gene thực vật nông nghiệp, hằng năm đều có kế hoạch thu thập, dựa vào các tiêu chí trên để xác định đối tượng thu thập (lúa, ngô, khoai sọ, cà, rau...), địa điểm và thời gian thu thập. Cây trồng có hạt được thu hạt để lưu trong ngân hàng gene hạt. Các loại cây khác như cây có củ, cây ăn quả... thường được thu thập và lưu giữ thông qua gieo trồng trên ngân hàng gene đồng ruộng.

Hằng năm, có khoảng 500 mẫu giống cây nông nghiệp được thu thập và bảo tồn tại Ngân hàng Gene cây trồng quốc gia ở Trung tâm Tài nguyên thực vật.

35.000 mẫu giống đang được bảo tồn

Thưa ông, việc bảo quản các nguồn gene đang được thực hiện bằng công nghệ nào? Công nghệ bảo quản gene của Việt Nam được đánh giá như thế nào so với thế giới?

Trong ngân hàng gene hạt, các nguồn gene được xử lý và lưu trong kho lạnh có sự giám sát chặt chẽ về nhiệt độ, độ ẩm, giúp lưu giữ tới hơn 50 năm ở chế độ lạnh sâu (-20 độ C). Ở ngân hàng gene đồng ruộng, nguồn gene được thu thập và gieo trồng hằng năm. Cách này vừa giữ được nguồn gene vừa thu được sản phẩm để sử dụng. Ở ngân hàng gene in-vitro, các nguồn gene được lưu giữ siêu lạnh trong nitơ lỏng.

Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp cận công nghệ bảo tồn nguồn gene của thế giới, đã có hệ thống bảo tồn. Đặc biệt, hệ thống kho lạnh tại Trung tâm Tài nguyên thực vật đảm bảo điều kiện lưu giữ nguồn gene đạt chuẩn mực thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các công đoạn thao tác trong bảo tồn, chúng ta đang tiến hành thủ công, trong khi thế giới hầu hết được tự động hóa, có trang thiết bị hiện đại hỗ trợ.

Hiện có bao nhiêu nguồn gene được lưu trữ tại Ngân hàng Gene thực vật quốc gia, thưa ông?

Có khoảng 35.000 mẫu giống đang được lưu giữ tại hệ thống bảo tồn cây trồng quốc gia do Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối, thuộc các nhóm nguồn gene gồm: Cây ngũ cốc, cây đậu đỗ, cây rau và gia vị, cây có củ, cây ăn quả và cây công nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi và cây cải tạo đất, cây hoa, nấm ăn và nấm dược liệu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!