Google, Meta và những gã khổng lồ khác đã sa thải hàng trăm nghìn nhân viên trong những tháng gần đây. Một số đang quyết định xây dựng công ty riêng của mình.

Henry Kirk vẫn luôn ấp ủ ý định chấm dứt công việc giám sát đội ngũ kỹ thuật tại Google và thành lập công ty của riêng mình. Khi trở thành một trong số 12.000 nhân viên bị gã khổng lồ công nghệ sa thải vào tháng 1/2019, anh quyết định rằng thời cơ của mình đã đến – mặc dù theo một cách bất ngờ và sớm hơn dự tính.

Kirk và năm người khác bị Google sa thải hiện đang cùng làm việc để thành lập xưởng thiết kế và phát triển phần mềm của riêng họ. Anh ấy đã chia sẻ câu chuyện bị mất việc và sẽ thành lập một công ty mới trong một bài đăng trên LinkedIn, bài đăng đã thu hút hơn 15.000 người quan tâm. Kể từ khi đăng bài, Kirk cho biết anh đã nhận được 1.000 tin nhắn từ những người muốn làm việc với công ty mới hoặc chỉ đơn giản là chúc anh thành công trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội từ thất bại.


Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Airbnb vẫn là một hình mẫu tiêu biểu về một startup thành công nhờ đi đến cùng với ý tưởng của mình, bất chấp thời kỳ kinh tế ảm đạm vào thời điểm đó. Ảnh: Insider

Nhóm sẽ thảo luận và lên kế hoạch cho đến cuối tháng ba để thống nhất tầm nhìn - họ đưa ra thời hạn này dựa trên nguồn lực tài chính từ các khoản đền bù thôi việc cũng như cách Kirk và các đồng đội của anh ấy lên kế hoạch phân bổ thời gian và tiền bạc giữa công ty với cuộc sống gia đình.

“Tôi đang khá chật vật vì phải tự đứng vững trên đôi chân của mình”, Kirk bày tỏ. Nhưng thay vì cảm thấy chán nản, anh ấy lại tràn ngập hứng khởi. “Tôi thực sự đang chấp nhận sự thật rằng điều này đã xảy ra”.

Theo Layoffs.fyi, một website theo dõi tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp, các công ty công nghệ đã sa thải ít nhất 160.000 công nhân vào năm 2022. Tình trạng cắt giảm tiếp tục kéo dài đến năm 2023, với hơn 100.000 người khác mất việc làm. Trong nháy mắt, các công ty công nghệ lớn nhất và sinh lợi nhất được biết đến với mức lương cao và các đặc quyền xa hoa giờ đây lại trở thành một điểm đến rủi ro. Kirk là một trong số các nhân viên đang thử làm điều gì đó mới mẻ — thay vì tìm kiếm các vị trí khác trong những công ty khổng lồ cũng đang tiến hành “thanh lọc” hòng giải quyết hậu quả của các đợt tuyển dụng tràn lan. Họ chọn trở thành ông chủ của chính mình. Đối với nhiều người, các khoản đền bù thôi việc đủ để họ trang trải cuộc sống trong lúc thực hiện các ý tưởng của riêng họ. Và việc sa thải cho họ cơ hội để được sống với những dự án mà mình hằng đeo đuổi.

“Tôi cảm thấy quá đỗi nhẹ nhõm”, Jen Zhu, người bị cho thôi việc vào mùa hè năm ngoái và đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế có tên Maida AI, cho biết. “Còng tay vàng đã được tháo ra, và giờ đây tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.” (Còng tay vàng - Golden handcuffs là các chính sách tăng lương, phúc lợi mà các công ty đưa ra đối với một số nhân viên nhất định, đặc biệt là nhân viên cốt cán, để giữ chân họ).

Đối với các nhà đầu tư, một công ty khởi nghiệp vững vàng có thể là một lựa chọn tốt hơn trong bối cảnh cổ phiếu lao dốc, tình hình kinh tế ảm đạm. Những công ty này nhỏ gọn, linh động và tốn ít chi phí hơn. Và việc những công ty này có thể thuyết phục khách hàng rút hầu bao chi trả cho một sản phẩm mới trong thời kỳ suy thoái kinh tế giúp nhà đầu tư tin rằng ý tưởng này có cơ sở. (Câu chuyện về Airbnb là một ví dụ điển hình. Công ty đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Đại Suy thoái vì họ cung cấp chỗ ở rẻ hơn cho khách du lịch, còn chủ sở hữu nhà thì có thêm đồng ra đồng vào. Nhà sáng lập của nó tự tin rằng nếu đã có thể phát triển trong thời kỳ khó khăn đến nhường đấy, thì công ty hoàn toàn có thể ‘sống tốt’ trong cả những thời kỳ khác)

Một số tổ chức đã ghi nhận được sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp mới. Lindsay Amos, đại diện chương trình tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator cho biết chương trình nhận thấy ​​số lượng đơn đăng ký tăng 20% ​​vào năm 2022, đạt tổng số hơn 38.000. Số lượng đơn nộp muộn, hoặc những đơn nộp vào tháng 1/2023, đã tăng gấp năm lần.

Sau nhiều năm đầu tư nhưng chỉ thu về lãi suất thấp, các công ty đầu tư mạo hiểm đang tìm kiếm các công ty có khả năng sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, những nhà sáng lập “chân ướt chân ráo” có thể sẽ gặp phải nhiều rào cản hơn so với thế hệ đi trước. Một loạt các vụ bê bối của những nhà sáng lập các kỳ lân như WeWork và Theranos đã khiến các nhà đầu tư thận trọng, dành thêm nhiều thời gian để tìm hiểu kĩ về một công ty trước khi đổ tiền vào những lời hứa hẹn. Sự bất ổn của thị trường càng khiến tình hình thêm phần khó khăn. “Họ tính toán hơn và cẩn thận hơn rất nhiều”, Julia Austin, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard, nhà đầu tư thiên thần và là nhà sáng lập Good For Her, một cộng đồng phi lợi nhuận dành cho các nhà sáng lập nữ, nói về các nhà đầu tư.

Các nhà sáng lập mới này đang bước vào một thị trường bấp bênh. Định giá khởi nghiệp đã giảm. Khi lãi suất tăng và cổ phiếu công nghệ kém khả quan, các nhà đầu tư mạo hiểm đang thắt chặt hầu bao của họ. Dữ liệu từ Crunchbase cho thấy tài trợ cho giai đoạn hạt giống vào cuối năm 2022 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Và những đợt sa thải gần đây đang khiến nhiều công ty khởi nghiệp phải tranh giành nhau những khoản tiền đó.

Lạc quan về ý tưởng của mình

Mặc dù các công ty công nghệ sa thải hàng loạt nhân sự, nhưng nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn ở tình trạng ổn định. Các chuyên gia đã tỏ ra ngần ngại về việc có nên xem thời điểm kinh tế hiện tại là suy thoái hay không.

Bốn nhà sáng lập đã chia sẻ với tờ WIRED về những khó khăn bước đầu khi phải học các kỹ năng mới như thuyết trình gọi vốn và gây quỹ, vốn không phải là một phần bắt buộc trong chuyên môn kỹ thuật của họ. Nhưng hầu hết cũng giống Kirk, họ cảm thấy phấn khích. Đối với họ, sa thải tạo động lực để theo đuổi một ý tưởng đã ấp ủ từ lâu.

Nhưng mọi thứ không tràn ngập màu hồng, họ phải vất vả để gây dựng công ty trong giai đoạn đầu. Zhu cho biết cô đang làm việc để phát triển Maida AI, giúp tự động hóa các nhiệm vụ quản lý chăm sóc sức khỏe như tiếp nhận bệnh nhân và ghi chú. Cô đã mất việc vào mùa hè năm ngoái khi công ty chăm sóc trực tuyến Carbon Health sa thải 250 nhân viên. Zhu đã có một thời gian ngắn đảm nhận công việc trưởng phòng nhân sự tại một công ty khác, nhưng cô ấy quyết định nghe theo lời trái tim mách bảo sau lần đầu tiên mất việc và quyết tâm hiện thực hóa giấc mộng của mình - xuất phát từ việc nhận thấy các vướng mắc trong quy trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với tư cách là một bệnh nhân và một người làm việc trong ngành công nghiệp này.

“Khó lắm,” Zhu nói về quá trình chuyển đổi. “Thật sự rất khó để dứt khỏi công việc. Luôn có nhiều việc phải làm. Bạn bị ràng buộc với thành quả của công ty, và nó đang tiến lên phía trước.” Công ty khởi nghiệp của cô nằm trong số bảy công ty nhận được 100.000 USD tài trợ từ Day One Ventures, thông qua một chương trình hỗ trợ các ứng dụng do những cựu nhân viên bị sa thải phát triển. Họ đã vượt qua 1.200 ứng viên để nhận được khoản tiền này.

Ngay cả một số người may mắn không bị sa thải cũng đã tận dụng thời điểm này để xoay qua bắt đầu một dự định đó của riêng họ. Nish Junankar, cựu kỹ sư phần mềm của nền tảng NFT OpenSea và Squarespace, cho biết anh ấy đã rời OpenSea sau khi nhóm anh mất một số thành viên sau đợt sa thải. Junankar kể anh đã từ chối phúc lợi giữ chân bao gồm việc nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn, vì anh sợ rằng số nhân viên giảm đồng nghĩa với việc anh phải làm nhiều giờ hơn với khối lượng công việc lớn hơn. Thay vào đó, anh quyết định rời khỏi công ty và theo đuổi ý tưởng của mình: thành lập Fasier, một nền tảng tổng hợp danh sách các vật phẩm trang trí nội thất từ ​​các cửa hàng khác nhau.

Công ty khởi nghiệp của Junankar cho đến nay vẫn dựa vào nguồn vốn từ bạn bè và gia đình, nhưng anh ấy đang kêu gọi các nhà đầu tư. “Căng thẳng thật,” anh thừa nhận. “Các cuộc họp diễn ra trong thời gian ngắn, và bạn phải chuẩn bị rất kỹ càng và đúng trọng tâm.” Tung hứng giữa tập trung vào chuyên môn để cải thiện sản phẩm với cải thiện kỹ năng thuyết trình để trò chuyện với nhà đầu tư là một việc khó khăn, nhưng niềm đam mê mà anh ấy dành cho dự án của mình đã bù đắp những trở ngại. “Tôi cảm thấy được đền đáp và khá thỏa mãn”, Junankar tiết lộ. “Tôi thực sự tin vào ý tưởng của mình”.