Làn sóng dịch corona thứ ba đang hoành hành ở Châu Phi, một số địa phương đang trải qua tình trạng tồi tệ chưa từng có. Biến thể Delta đã xuất hiện tại 14 quốc gia, đâu đâu cũng thiếu oxy và giường bệnh dành cho bệnh nhân chăm sóc đặc biệt.

Nam Phi đã có hơn 58.000 ca tử vong do corona. Ảnh:bloomberg

Nhà dịch tễ Catherine Kyobutungi là một trong những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm ở Châu Phi. Tuy nhiên những gì xảy ra tuần qua khiến bà hoàn toàn bất ngờ. Một làn sóng corona đang hoành hành tại quê hương bà và các số liệu về lây nhiễm đã phá mọi kỷ lục. Người đầu tiên bị tai họa trong gia đình là cụ thân sinh của Kyobutungi, ông bị bệnh Covid-19. Cụ thuộc diện có nhiều nguy cơ lây nhiễm, năm nay 82 tuổi, bị đái tháo đường từ lâu.

“Nồng độ oxy hạ xuống mức cận đáy, ông hoàn toàn không ăn uống gì cả. Tình hình thực sự nghiêm trọng. Tuy vậy bác sỹ khuyên tốt nhất để cụ ở nhà cho gia đình chăm sóc, bệnh viện chật cứng rồi”. Sau đó Kyobutungi tìm kiếm bình oxy, nhưng bói cũng không ra. Cuối cùng bà gặp may, đã thuê được thiết bị của một nhà buôn. “Sau vài ngày tình hình tiến bộ hơn. Những người không có tiền và không có kiến thức y tế cần thiết đành nhìn người thân lịm dần và ra đi”. Kyobutungi kể.

Ông Semu Nsibirwas là chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị kỹ thuật ở thủ đô Kampala của Uganda. Vị thương nhân này tạm gác việc kinh doanh khác và chuyển sang dịch vụ chăm sóc bệnh nhân covid-19. Ông nói “đầu óc tôi muốn nổ tung vì đông bệnh nhân quá. Ông chính là người cho Kyobutungi thuê máy – với giá 70 USD/ngày. Giờ đây ông làm cả dịch vụ xét nghiệm máu, liên hệ với các bệnh viện tìm chỗ cho các bệnh nhân nặng.

Theo Nsibirwa thì chỉ có giường bệnh nếu đêm có ai đó bị chết. Nói chung phần lớn bệnh nhân nặng lúc này đều phải điều trị tại nhà và đành tự thuê các thiết bị y tế cần thiết, nếu có và nếu gia đình người bệnh có tiền! WHO nhấn mạnh tình hình ở Uganda hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên tổ chức này phủ nhận thông tin các bệnh viện từ chối không nhận bệnh nhân. Trên mạng xã hội nhiều người mô tả phải đưa người bệnh đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng ở đâu cũng không tiếp nhận vì hết chỗ.

Bệnh viện lớn nhất nước thừa nhận tuần qua có thời kỳ bị quá tải, oxy bị thiếu. Bình quân mỗi phút một người bệnh cần tới 60-70 lít oxy. Các bác sỹ nói làn sóng dịch bệnh hiện nay khiến hầu hết bệnh nhân đến viện đều cần máy thở nên tình trạng thiếu bình oxy trở nên nghiêm trọng. Bộ trưởng Y tế Uganda, bà Jane Aceng, thừa nhận: “Chúng tôi gặp vấn đề về thiếu oxy. Điều đó có nghĩa là số ca tử vong sẽ tăng lên. Nhân viên y tế cũng đã quá mệt mỏi vì làm việc căng thẳng liên tục”. Tuy nhiên bà phủ nhận chuyện bệnh viện nhà nước không nhận bệnh nhân vì thiếu giường bệnh. Cuối cùng mới đây thì Tổng thống Yoweri Museveni đã ban lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong cả nước.

Làn sóng Covid cũng đã lan tới các công ty xe đòn đám ma. Tại các công ty dịch vụ tang lễ lớn nhất ở thủ đô, số ca tử vong phải giải quyết mỗi ngày đã tăng hơn nhiều. “Số người chết trẻ ngày càng nhiều hơn, thậm chí có cả người chết mới 15 đến 20 tuổi”, ông giám đốc công ty nghĩa trang Funeral Services nói. Điều này rất khác so với các đợt dịch trước. Thân nhân người chết cũng rất đau buồn vì mỗi tang lễ không được tập trung quá 20 người.

Các vụ lây nhiễm tăng đột ngột từ giữa tháng 5 và kéo dài cho đến tận bây giờ. Điều này diễn biến tương tự như ở Ấn Đô hồi tháng 4. Các chuyên gia ví sự lây nhiễm này nhanh chóng, ồ ạt như cháy rừng và số bệnh nhân trẻ bị bệnh nặng tăng vọt. Họ đều cho thủ phạm là biến thể Delta.

Ở miền tây Kenya người ta đã xác định biến thể Delta là tác nhân chính gây đại dịch tại nước này. Cho đến nay biến thể Delta đã có mặt tại 14 quốc gia Châu Phi.

Bên cạnh Uganda thì Namibia cũng đang khốn đốn vì đại dịch corona, nước này có tỷ lệ tử vong vào loại cao nhất Châu Phi.

Cũng như ở Uganda, tại Namibia cũng thiếu trầm trọng oxy y tế và giường bệnh chăm sóc đặc biệt, đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Hai nước này có một điểm chung nữa là tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Tại Namibia mới có 18.000 người đã tiêm chủng hai lần, khoảng 100.000 người mới được tiêm một lần, tổng số được tiêm chưa được 7% số người cần được tiêm chủng tại đất nước này. Đất nước này đang chịu nghịch lý, một mặt là thiếu vaccine nghiêm trọng, nhưng ngược lại hiện có tình trạng ùn ứ vaccine vì người dân rất nghi ngờ việc tiêm chủng. Hiện trong kho còn trên 80.000 liều vaccine.

Catherine Kyobutungi nói “Hiện tại các chính phủ đều không biết khi nào sẽ nhận được bổ sung vaccine. Mỹ và Châu Âu hứa sẽ tặng vaccine cho các nước nghèo, nhưng số lượng đó không thấm vào đâu. Trong khi các quốc gia ở bắc bán cầu đua nhau thu gom vaccine để sử dụng nội bộ thì Châu Phi chỉ còn biết dài cổ chờ đợi.

Ấn Độ cũng mất mấy tuần lễ mới khống chế được biến thể Delta vì Ấn Độ có khả năng tổ chức tiêm chủng rộng rãi để chặn đứng virus lây lan. “Trong khi chúng tôi không thể làm gì hơn là ngồi chờ và hy vọng mọi sự sẽ qua đi”, Kyobutungi.