Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft Corporation và Quỹ Bill & Melinda Gates, theo đuổi mục tiêu đầu tư cho các nghiên cứu về y tế, giảm đói nghèo trên phạm vi toàn cầu và mở rộng các cơ hội giáo dục, nâng cao khả năng áp dụng công nghệ thông tin trên khắp nước Mỹ.

Tỷ phú Bill Gates. Nguồn: CNBC.com
Tỷ phú Bill Gates. Nguồn: CNBC.com

Dưới đây, là trích đoạn một bức thư của Bill Gates, trong đó ông chia sẻ những suy nghĩ của mình về bệnh Alzheimer, bại liệt, chỉnh sửa gene và vấn đề năng lượng.

Trong phần lớn lịch sử phát triển của nhân loại, chúng ta đều tập trung vào việc nâng cao tuổi thọ của con người bằng những giải pháp về y tế và cung cấp đủ lương thực cho mọi người. Và kết quả của nó là chất lượng cuộc sống đã được nâng lên một cách đáng kinh ngạc, trong đó công nghệ đóng vai trò quan trọng để tìm ra các loại vaccine, thuốc men và cải thiện điều kiện vệ sinh cho con người.

Tuy vậy chúng ta vẫn cần nhiều đổi mới sáng tạo để có thể giải quyết rốt ráo các vấn đề như bệnh sốt rét hay béo phì. Đây sẽ là động lực thúc đẩy việc tạo ra nhiều công trình mang tính đột phá trong tương lai, ví dụ, phần mềm sẽ có khả năng phát hiện ra khi nào bạn rơi vào trạng thái suy sụp, kết nối với bạn bè, đem lại nhiều lời khuyên phù hợp để có giấc ngủ hay khẩu phần dinh dưỡng tốt hơn, giúp con người sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số kết quả cập nhật về những gì đã làm được và những gì chưa làm được thông qua hoạt động của quỹ đầu tư cho khoa học của chúng ta:

Triển vọng và khó khăn trong nghiên cứu Alzheimer

Tôi thấy có hai xu hướng trong nghiên cứu về Alzheimer năm 2018.

Một là các nhà nghiên cứu tập trung vào việc làm thế nào để chặn đứng được căn bệnh này. Thế hệ đầu tiên của các lý thuyết này là nhấn mạnh vào hai loại protein có tên gọi là amyloid và tau, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn trong bộ não khi gây cản trở và “hạ thủ” các tế bào não. Ý tưởng của các nhà khoa học là ngăn cản sự hình thành nên những rối loạn này. Dù hi vọng cách tiếp cận này hiệu quả nhưng chúng ta vẫn cần có nhiều bằng chứng về tính hiệu quả của nó.

Sơ đồ biểu thị não của người mắc bệnh Alzheimer. Nguồn: Cannabis.info
Sơ đồ biểu thị não của người mắc bệnh Alzheimer. Nguồn: Cannabis.info

Trong năm qua, các nhà nghiên cứu đã chú ý vào nhóm giả thuyết thứ hai: theo một lý thuyết là não của bệnh nhân bị tổn hại bởi các bào quan - những đơn vị cung cấp năng lượng của chúng, đã bị hao hụt.

Hai là cộng đồng nghiên cứu về Alzheimer đã tập trung vào việc tạo ra ngày càng nhiều dữ liệu bệnh tật và tăng cường khả năng truy cập nó. Chúng tôi đang làm việc với các nhà nghiên cứu để làm cho việc truy cập dữ liệu ngày càng trở nên dễ dàng hơn, để việc chia sẻ thông tin về nghiên cứu của họ ngày một rộng hơn, nhờ vậy chúng ta có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề, ví dụ như bệnh Alzheimer tiến triển như thế nào?

Có một tín hiệu vui là trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Mỹ đã tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các nghiên cứu về Alzheimer, từ 400 triệu USD/năm đến hơn 2 tỷ USD/năm. Đây là sự thúc đẩy lớn để đem đến khả năng chẩn đoán bệnh tốt hơn.

Vấn đề duy nhất mà tôi chưa thấy một cách rõ ràng là làm thế nào để có thể thu hút được người bị mắc bệnh ở giai đoạn đầu đủ để nghiên cứu về quá trình tiến triển của bệnh. Có thể phải mất tới nhiều năm để có đủ bệnh nhân cần thiết. Nếu tìm ra được cách để tiền sàng lọc những người tham gia, chúng ta có thể bắt đầu những ca điều trị mới một các nhanh chóng hơn.

Nhưng có rất nhiều xung lượng trong nhiều lĩnh vực liên quan như các công cụ khoa học, những phương thức chẩn đoán bệnh tốt hơn, việc truy cập vào dữ liệu được cải thiện hơn - những vấn đề chúng ta đã giải quyết tốt, nên tôi tự tin là có thể tiến triển một cách bền vững trong một, hai thập kỷ tới.

Loại vaccine bệnh bại liệt mới

Tôi nghĩ là chúng ta có thể tiến lại gần hơn khả năng diệt trừ bệnh bại liệt. Thật không may là trong năm 2018 chúng ta có nhiều trường hợp mắc bệnh bại liệt hơn năm 2017 (29 so với 22).

Trên thực tế có những khó khăn trong việc đưa vaccine tới những nơi bất ổn về chính trị hoặc có chiến sự. Các gia đình phải di chuyển để sống sót, do đó thật khó để có thể theo dõi bọn trẻ và đảm bảo bọn chúng đều được uống vaccine hoặc điều kiện vệ sinh nơi ở không được đảm bảo khiến virus có thể lan rộng. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao Afghanistan và Pakistan chưa diệt trừ được bệnh bại liệt .

Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho căn bệnh này, trò chuyện với những nhà đầu tư khác để họ tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư cho các nghiên cứu về bệnh bại liệt, ngay cả khi sẽ phải mất thêm nhiều thời gian mới có thể diệt trừ vĩnh viễn bệnh tật. Nguy cơ rủi ro bệnh tật sẽ quay trở lại nếu chúng ta không làm được điều đó.

Tôi cũng nhắc nhở họ về điều khác biệt mà đổi mới sáng tạo đang làm được. Hiện giờ chúng ta đã có thể xét nghiệm các mẫu nước thải để xác dịnh virus và nguồn gốc gây bệnh trước khi dịch bệnh bùng phát. Và cộng đồng y tế toàn cầu đang thực hiện những cách làm sáng tạo để có thể hoạt động trong khu vực có chiến sự hoặc chặn đứng bệnh dịch ở Somalia và Syrie trong những năm gần đây.

Cuối cùng, tôi hi vọng về một loại vaccine uống đang được kiểm nghiệm ở Bỉ và Panama. Có thể loại vaccine mới này sẽ sớm có mặt vào năm 2020. Bất chấp còn nhiều thách thức nhưng tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm có khả năng kiểm soát được bệnh bại liệt.

Năng lượng tái tạo và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Ô nhiễm toàn cầu về khí thải nhà kính tăng lên trong năm 2018. Với tôi, điều này càng cho thấy chỉ có một cách duy nhất để ngăn các kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất có thể xảy ra, đó là tạo ra một số đột phá trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Một số người nghĩ rằng chúng ta đã có đủ công cụ mà mình cần và chỉ cần cố “lèo lái” để giảm giá thành của những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời hay năng lượng gió là có thể giải quyết vấn đề.

Năng lượng Mặt trời và gió là những nguồn cung cấp điện không liên tục. Ảnh: MIT
Năng lượng Mặt trời và gió là những nguồn cung cấp điện không liên tục. Ảnh: MIT

Nhưng năng lượng Mặt trời và gió là những nguồn cung cấp điện không liên tục và chúng ta chưa có được những tấm pin siêu rẻ sớm để có thể lưu trữ được điện năng một cách hiệu quả khi Mặt trời không chiếu sáng và gió ngừng thổi. Bên cạnh đó, vấn đề điện năng mới chỉ giải quyết được 25% lượng ô nhiễm toàn cầu trong khi chúng ta cần giải quyết cả phần 75% khí thải gây ô nhiễm còn lại.

Tôi cũng muốn nhắc đến điện hạt nhân bởi nó là nguồn năng lượng duy nhất hiện nay không phát thải carbon và có thể được tạo ra suốt 24 giờ/ngày. Những điều khiến người ta lo ngại về lò phản ứng như nguy cơ tai nạn có thể được giải quyết thông qua đổi mới sáng tạo.
Hiện có một vài ý tưởng nhiều hứa hẹn trong năng lượng hạt nhân tiên tiến có thể sẽ đến nếu chúng ta vượt qua được các chướng ngại này.

Kiểm soát bệnh dịch

Năm 1918, bệnh cúm Tây Ban Nha đã trở thành nguyên nhân dẫn đến cái chết của 50 triệu người trên toàn thế giới.

Tôi hi vọng dịp tưởng niệm 100 năm bệnh dịch này sẽ châm ngòi cho thảo luận là liệu chúng ta có sẵn sàng chuẩn bị “nghênh chiến” một dịch bệnh toàn cầu tiếp theo. Ngày nay, một loại cúm dễ lây lan và chết chóc như bệnh cúm năm 1918 cũng có thể giết gần 33 triệu người trong vòng 6 tháng. Tin vui là hiện các nhà nghiên cứu đang trong quá trình tạo ra một loại vaccine có khả năng bảo vệ con người ở mọi chủng/biến thể của bệnh cúm này.

Để góp phần đem lại những nghiên cứu khoa học này (Quỹ của chúng tôi tài trợ cho một vài nghiên cứu trong số này), thế giới cần phát triển một hệ thống toàn cầu để kiểm soát bệnh dịch. Đây cũng là một vấn đề chính trị vì nó đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo chính phủ. Tôi tin rằng nghiên cứu này xứng đáng được quan tâm đến nhiều hơn.

Chỉnh sửa gene

Vào tháng 11 vừa qua, khi một nhà khoa học Trung Quốc loan báo là ông đã thay đổi các gene của hai đứa trẻ sơ sinh ngay từ khi chúng là các phôi. Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng nhà khoa học này đã đi quá xa, vượt qua những giới hạn của đạo đức y sinh nhưng có một số điều cho thấy từ công trình này là nó khuyến khích nhiều người tham gia tìm hiểu và thảo luận hơn về chỉnh sửa gene. Điều đó có thể sẽ đem đến những cuộc tranh luận được chú ý nhiều nhất và có tầm quan trọng nhất.

Nhưng những câu hỏi về đạo đức vẫn còn. Chỉnh sửa gene có thể tạo ra rất nhiều cơ hội điều trị bệnh tật nhưng công nghệ có thể dẫn đến sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt nếu nó chỉ dành cho một số người giàu.

Nhìn về phía trước

Hai lĩnh vực quan trọng mà công nghệ có khả năng tạo ra tác động lớn vào chất lượng cuộc sống của chúng ta nhưng cũng có khả năng đem lại những cân nhắc về xã hội và đạo đức phức tạp.

Một là sự cân bằng giữa tính riêng tư và đổi mới sáng tạo. Chúng ta sử dụng dữ liệu như thế nào để đưa được những hiểu biết sâu sắc mới vào giáo dục (giống như những ngôi trường có thể làm những gì tốt nhất có thể để dạy những học trò nghèo) hay y tế (giống như những bác sỹ có thể đem đến cho bệnh nhân những cách điều trị tốt nhất với giá có thể chấp nhận được) trong khi vẫn bảo vệ được tính riêng tư của mỗi người?

Hai là việc sử dụng công nghệ trong giáo dục. Phần mềm có thể cải thiện việc học tập của học sinh như thế nào? Nhiều năm qua chúng ta đã từng nghe những lời tuyên bố bốc đồng về tác động lớn lao mà công nghệ có thể đem lại cho giáo dục. Con người có quyền hoài nghi nhưng tôi nghĩ những điều đó cuối cùng sẽ đến.

MỸ THÔNG QUA ĐẠO LUẬT ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN

Do sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, dự án xây dựng một lò phản ứng thử nghiệm công nghệ mới dự kiến thực hiện tại Trung Quốc của TerraPower - công ty do ông góp vốn đầu tư, không triển khai được. Vì vậy, ông chuyển hướng đưa dự án thử nghiệm này về Mỹ nhưng vấp phải một số rào cản trong quy định về cấp phép xây dựng lò phản ứng của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC).

Để tháo gỡ khó khăn này, ông đã thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ bằng đề xuất: cá nhân ông sẽ đầu tư 1 tỷ USD và tăng thêm 1 tỷ USD nữa để có thể cùng với khoản đầu tư của liên bang thực hiện dự án. Ông đã gặp các thượng nghị sĩ chủ chốt của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong tháng 12/2018 và tháng 1/2019. Ông Jonah Goldman – một thành viên của Quỹ Gates, nhấn mạnh với The Washington Post là Gates không chỉ ủng hộ một mình TerraPower mà còn ủng hộ các nơi đầu tư cho công nghệ hạt nhân tiên tiến nhằm góp phần củng cố vị thế dẫn đầu về năng lượng hạt nhân của Mỹ, “nơi có những bộ óc xuất sắc nhất, hệ thống phòng thí nghiệm tốt nhất và những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro”.

Dường như cuộc vận động hành lang của Gates đã có kết quả. Vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua đạo luật Đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa năng lượng hạt nhân, đạo luật nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong thiết kế các lò phản ứng năng lượng với rất nhiều thay đổi trong quá trình cấp phép lò phản ứng hạt nhân. Theo luật mới, Cơ quan Pháp quy hạt nhân (NRC) sẽ có 270 ngày để phát triển và hoàn thiện một quá trình cấp phép cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại tiên tiến. NRC sẽ có hai năm để thực hiện các chiến lược tăng cường việc sử dụng các kỹ thuật đánh giá cấp phép trên cơ sở hiểu biết về rủi ro và hướng dẫn các lò phản ứng thương mại tiên tiến; phát triển và bổ sung các chiến lược về cấp phép lò phản ứng nghiên cứu và thực nghiệm.

Việc thông qua đạo luật này được bà Marilyn Kray, chủ tịch của Hội hạt nhân Mỹ, đánh giá là “một thắng lợi lớn” với quốc gia và cộng đồng hạt nhân: “Bằng việc sửa đổi những luật đã lạc hậu, luật mới sẽ thúc đẩy việc triển khai hệ thống hạt nhân Mỹ tiên tiến và chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ tới của công nghệ hạt nhân”.