Để tài sản trí tuệ ấy ra khỏi ngăn bàn trường đại học và trở thành sản phẩm hữu ích trong cuộc sống, đồng thời khơi dậy tinh thần doanh nhân trong các nhà khoa học là lý do Lab2Market ra đời.
Đi vào chỗ khó
Tháng 5/2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì trên các nền tảng trực tuyến và tại đại bản doanh của BK Holding, Lab2Market mùa đầu tiên đã được khởi động.
Ở ĐH Bách khoa Hà Nội khi ấy hội tụ quỹ đầu tư BK Fund với lượng vốn khoảng 35 tỷ đồng, không gian làm việc chung BKHub chuyên nghiệp, và một đội ngũ mentor giàu kinh nghiệm với hơn một thập kỷ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp BK Holding. Cấu phần còn thiếu trong hệ sinh thái đó là một vườn ươm những nghiên cứu, sáng chế của nhà khoa học.
“Vườn ươm khởi nghiệp đã có nhiều nhưng dành riêng cho nhà khoa học với các nghiên cứu sáng chế thì chưa. Lab2Market là chương trình ươm tạo đầu tiên ở Việt Nam với sứ mệnh trở thành cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để mở ra cơ hội thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học theo chuẩn quốc tế. – Jen Vũ Hường - Giám đốc phát triển chương trình Lab2Market nói.
Đặt chân vào lĩnh vực được nhiều người ví như “đâm đầu vào núi đá” này, TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holding thừa nhận đó là một hành trình đầy khó khăn:“Cần giải quyết được ba cái thiếu: thiếu tư duy, thiếu tổ chức trung gian và thiếu tiền”.
Không thể phủ nhận về năng lực của các nhà khoa học cứu đầu ngành với những sản phẩm chưa từng có trên thị trường, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng lớn trên thế giới. Làm sao để biến mỗi nghiên cứu ấy thành một doanh nghiệp spin-off và mỗi nhà khoa học trở thành doanh nhân như cách mà PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã thành công với sơn Kova là điều Lab2Market trăn trở.
Trường đại học – nơi vốn gắn liền với giảng dạy, nghiên cứu thì mấy ai nghĩ đến việc đi lệch khỏi đường ray vốn có để khởi nghiệp từ các nghiên cứu. Trước đó, chưa trường đại học nào có bộ phận chịu trách nhiệm giúp nhà khoa học đưa nghiên cứu ra thị trường hay kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp. Có chăng chỉ là các phòng quản lý khoa học công nghệ nhưng không “chính vai”. Cuối cùng là nhà khoa học và trường đại học đều thiếu tiền đầu tư nguồn vốn mồi cho giai đoạn đầu.Nếu sản phẩm đình đám thì gọi vốn không khó nhưng đa phần mới dừng lại ở sản phẩm mẫu hoặc quy mô pilot, chưa có nhiều tiếng tăm. Thứ họ có chỉ là các bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành. Đó là chưa kể tới việc, các nhà khoa học thiếu đủ thứ khác để khởi nghiệp như kỹ năng “pitching” trước nhà đầu tư, lên kế hoạch tài chính, năng lực điều hành doanh nghiệp, gọi vốn,….
TS. Nguyễn Quốc Hưng – đại diện nhóm nghiên cứu Sơn chống nóng RARE cũng từng chia sẻ với Khoa học và Phát triển rằng, mục tiêu của anh là đưa loại sơn này ra thị trường càng nhanh càng tốt nhưng chưa biết phải làm thế nào. Anh cần được hỗ trợ để kết nối với mạng lưới các doanh nhân ngành sơn, xây dựng kế hoạch kinh doanh, cách thương mại hóa sản phẩm. “Tôi chỉ chuyên về kỹ thuật thôi. Tham gia Techfest 2021 cũng là lần đầu tiên tôi tham gia – TS. Hưng nói. Chuyện của TS. Hưng cũng giống nhiều nhà khoa học khác, vốn chỉ quen với phòng lab.
Sau khi khởi động vào tháng 5/2021, bất chấp dịch bệnh căng thẳng, Lab2Market đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thực hiện các buổi đào tạo chia sẻ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.
“Mục tiêu là nhà khoa học có thể hưởng lợi lâu dài từ chính nghiên cứu của họ, chứ không phải chuyện đi một bước rồi thôi. Tầm nhìn xa hơn, tôi muốn các nhóm nghiên cứu tự thương mại hóa được sáng chế mới không cần phụ thuộc vào bên nào” – bà Jen Vũ Hường bày tỏ kỳ vọng.
Để làm được điều đó, Lab2Market mang đến chương trình đào tạo bài bản. Từ hơn 100 nhóm đăng ký ban đầu, Lab2Market tiến hành phỏng vấn để chọn ra 12 nhóm vào giai đoạn ươm tạo.
“Không thể có một công thức cho tất cả. Mỗi nhóm có đặc trưng, mong muốn riêng và thực trạng khác nhau nên phải đo ni đóng giày” – Jen Vũ Hường nói.
Để ra được công thức, Lab2Market sử dụng công cụ đo lường mà BK Holding và SiwssEP xây dựng về đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ba lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo, tài chính và chuỗi giá trị. Từ đó, họ có cái nhìn rõ ràng hơn về điểm mạnh, điểm yếu của mỗi nhóm. Cùng với đó là những cuộc phỏng vấn sâu của các mentor.
“Ví dụ như nhóm Sơn chống nóng RARE yếu về đội ngũ và cần một đội nhóm mạnh hơn để triển khai chiến lược khác. Trong khi đó, nhóm N2TP – startup ứng dụng công nghệ AI & Big data đưa ra các giải pháp hỗ trợ bệnh viện và nhà lâm sàng trong cá thể hóa điều trị cho từng bệnh nhân đã hoàn chỉnh về bộ máy nhân sự, sản phẩm, mô hình kinh doanh thì ưu tiên cần vốn để tăng tốc mở rộng quy mô…” – Jen Vũ Hường nói.
Trong thời gian ươm tạo, các nhóm chỉ có 30% thời lượng giống nhau là tham gia hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ, định giá, mô hình kinh doanh, thuyết trình gọi vốn, thấu hiểu tâm lý nhà đầu tư. Theo mô tả của giám đốc Lab2Market, việc này giống như xây móng của một tòa tháp, phải chắc mới đi được xa. 70% thời lượng còn lại, các nhóm được chia theo cụm mentor để tư vấn riêng. Nhóm muốn mở rộng thị trường sẽ có chiến lược khác với nhóm muốn thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc nhóm muốn chuyển giao công nghệ hoàn toàn cho các tập đoàn.
“Mentor phải hiểu rõ tình trạng sức khỏe mới mong bốc đúng bài thuốc nên việc mentor ăn ngủ cùng nhóm diễn ra thường xuyên. Có người nằm mơ cũng thấy Lab2Market” - Jen Vũ Hường hào hứng nói.
Vượt qua thung lũng chết
Nỗ lực ấy đã giúp Lab2Market mùa đầu tiên đạt được nhiều kết quả “đủ để trở thành động lực cho mùa tiếp theo” – như cách nói của Jen Vũ Hường.Từ 12 nhóm trong vòng ươm tạo, đã có 50% ra thị trường ở bước cơ bản với những đơn hàng đầu tiên, 1 nhóm nhận đầu tư, 4 nhóm đang trong quá trình thương thảo đầu tư, 3 nhóm thành lập doanh nghiệp spin off và đang tăng vốn, 3 nhóm còn lại đang hình thành doanh nghiệp.
“Lab2Market đã đi qua được thung lũng chết” – ông Trần Trí Dũng - Quản lý chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ Swiss EP hài hước nói. Để đi qua thung lũng chết chóc của một năm đầu trong hành trình khởi nghiệp, bà Jen Vũ Hương đúc rút ba cái cần nếu áp dụng mô hình tương tự ở trường đại học khác. Đó là cần sự hợp tác của các bên, cần sự phản biện ở nhiều góc độ và cần sự cam kết của cả mentor lẫn các nhóm nghiên cứu.
Trong hệ sinh thái của ĐH Bách khoa Hà Nội, Lab2Market được tổ chức bởi BK Holding, quỹ đầu tư BK Fund giải quyết các vấn đề về đầu ra cho nhóm nghiên cứu sau ươm tạo. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia NSSC và NATEC – Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để Lab2Market tiếp cận được nhiều trường đại học và nhóm nghiên cứu hơn.Bởi “nếu chỉ ươm tạo các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp spin off trong trường ĐH Bách khoa là không đủ. Có nhiều lĩnh vực mà chuyên gia của trường ĐH Bách khoa không đủ mạnh để giải quyết và rất cần chuyên gia liên ngành đến từ các trường khác như ĐH Dược, ĐH Kinh tế quốc dân,.... cùng giải quyết” – bà Jen Vũ Hường nói.
Bốn đơn vị BK Holdings, BK Fund, NSSC, Swiss EP đã cùng nhau ký kết hợp tác để đưa sáng chế ra thị trường trong nước và quốc tế.
Lab2Market cũng mang tới cho các nhóm phản biện đa chiều từ chuyên gia sở hữu trí tuệ, industry mentor – cố vấn ngành dọc từng lĩnh vực,…Hơn ai hết, mọi người đều hiểu rằng, “ngôn ngữ của thị trường và phòng lab là khác nhau”, việc tìm được vị trí cho từng sản phẩm trong chuỗi giá trị không hề dễ dàng.
Trong suốt hành trình một năm với những hoạt động diễn ra dày đặc, Lab2Market đã có được sự cam kết đi đến cùng của cả mentor lẫn nhóm nghiên cứu. Cần nhớ, đây chỉ là công việc bên ngoài, bởi nhà khoa học còn nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, mentor còn công việc kinh doanh, đào tạo, cố vấn của mình.
Kết thúc mùa một, BK Fund đã ký thỏa thuận thúc đẩy đầu tư cho ba nhóm nghiên cứu là Sơn bức xạ làm mát bề mặt ngoài trời RARE; Hệ thống đo Từ Thông phát hiện khuyết tật trong sắt thép, và CTCP Khoa học công nghệ Dược Việt - mỗi dự án được đầu tư khoảng 40.000-120.000 USD.
“Chúng tôi đã sẵn sàng đóng gói toàn bộ hoạt động để chuyển giao và nhân rộng mô hình của Lab2Market cho các trường đại học khác. Có thể chúng tôi mất tới 10 năm mới có được một hệ sinh thái thì các trường với cơ chế chính sách và cách làm đã có sẽ chỉ mất một vài năm” - ông Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ với Khoa học và Phát triển về hướng đi mới.
Trong bối cảnh, khởi nghiệp ở các trường đại học vẫn đang diễn ra lẻ tẻ, đơn sơ, mới dừng lại ở các cuộc thi khởi nghiệp hầu hết mang tính phong trào thì một “kiện hàng được đóng gói đẹp đẽ, với đầy đủ cách thức bước đi, kinh nghiệm cho từng khâu…” như Lab2Market hẳn sẽ mang lại nhiều lợi ích.
“Chúng tôi cũng mong Lab2Market sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học và các trường đại học để những nghiên cứu sáng chế ra khỏi ngăn kéo và sống cuộc đời mà nó đáng phải sống” - bà Jen Vũ Hường nói.