Công trình TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Ngoại Thần kinh, khoa Y, Trường Đại học Y Dược TPHCM dẫn đầu, phối hợp cùng các cộng sự tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thực hiện.
Đội ngũ tham gia gồm: TS.BS. Trần Ngọc Tài, TS.BS. Nguyễn Minh Anh, TS.BS. Lê Viết Thắng, ThS.BS. Đào Duy Phương, ThS.BS Nguyễn Thanh Lâm, ThS.BS Võ Thành Nghĩa, ThS.BS Nguyễn Anh Diễm Thúy và ThS.BS Lê Thái Bình Khang.
Đây là một trong ba công trình được vinh danh trong lĩnh vực y - dược của Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2023.
Phẫu thuật kích thích não sâu là kỹ thuật phẫu thuật sọ não nhằm cấy các điện cực được chế tạo tinh vi vào cấu trúc cụ thể nằm sâu trong não. Đây là một trong những phương pháp tiến bộ nhất trên thế giới được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson và nhiều rối loạn vận động khác.
Phẫu thuật kích thích não sâu lần đầu tiên được triển khai thành công tại Việt Nam vào năm 2012 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp. Bệnh viên Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là hai trung tâm đầu tiên áp dụng kỹ thuật hiện đại này.
Đề tài của TS. BS. Phạm Anh Tuấn và các cộng sự thực hiện đã đánh giá độ chính xác của kỹ thuật đặt điện cực, hiệu quả trị liệu cũng như giảm biến chứng phẫu thuật và các tác dụng phụ khi kích thích điện.
Nhóm tác giả khám phá ra rằng kỹ thuật này giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh Parkinson (chậm vận động, đơ cứng, run) trên bệnh nhân người Việt, cải thiện đáng kể các biến chứng loạn động và dao động vận động. Đa số người bệnh đã thực hiện phương pháp này trong khuôn khổ dự án cho kết quả hài lòng, độ an toàn cao, chưa ghi nhận biến chứng tử vong.
Nghiên cứu lưu ý, phẫu thuật kích thích não sâu không phải là một phương pháp chữa lành bệnh mà thiên về cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Thêm vào đó, phương pháp này sẽ ít giúp ích đối với các triệu chứng ngoài vận động (mất trí, trầm cảm, táo bón…) hoặc những biểu hiện như nói khó, đông cứng dáng đi, mất phản xạ tư thế…
"Nếu như trước đây, để được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, người bệnh phải ra nước ngoài phẫu thuật với chi phí rất cao, thì hiện nay việc triển khai phẫu thuật đặt điện cực kích tích não sâu tại Việt Nam giúp làm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, làm tăng khả năng tiếp cận của người bệnh", Bệnh viện Nguyễn Tri Phương viết trên thông cáo khi nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt hôm 20/12.
Hiện nay, các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng đang hỗ trợ bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức và đào tạo nhân sự cho bệnh viện Quân Y 103 triển khai kỹ thuật này.
Kỹ thuật kích thích não sâu được thực hiện như thế nào?
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kỹ thuật kích thích não sâu được thực hiện trong lúc bệnh nhân còn tỉnh, hợp tác thực hiện được y lệnh phẫu thuật và kéo dài từ 4 – 6h.
Quy trình thực hiện gồm các bước:
Bước 1: Bệnh nhân được cố định đầu bằng một khung lập thể (Stereotaxy) Bước 2: Chụp cộng hưởng từ và CT scan sọ não bệnh nhân và xử lý qua vi tính để xác định đúng vị trí các nhân trong não đã gây ra những triệu chứng bệnh Parkinson (nhân hạ đồi hay nhân cầu nhạt phần trong). Bước 3: Gắn điện cực thăm dò qua hướng dẫn của hình ảnh CT và MRI. Khi điện cực chạm đến vị trí của nhân não gây triệu chứng Parkinson, các tế bào thần kinh tại đó sẽ phát ra tín hiệu đặc biệt. Các tín hiệu này sẽ được xác định qua âm thanh, hình ảnh trên máy vi tính đặc hiệu. Bước 4: Bác sĩ thần kinh sẽ cử động tay chân của người bệnh để kiểm tra lại có đúng vị trí chưa. Khi đó người ta sẽ dùng test kích thích một dòng điện có cường độ rất thấp để kiểm soát hoạt động của các nhân gây ra triệu chứng Parkinson này. Khi đã xác định đúng vị trí rồi, các bác sĩ sẽ đặt một điện cực vĩnh viễn và sau đó nối dây điện cực này với một pin phát xung điện cũng tương tự như đặt máy tạo nhịp tim trong bệnh lý loạn nhịp tim. Bệnh nhân mang pin này ở dưới da vùng ngực với các thông số thích hợp để điều chỉnh triệu chứng trở lại bình thường. Các triệu chứng run, cứng đờ, chậm vận động… của bệnh nhân sẽ được cải thiện ngay lập tức khi pin hoạt động.
Thời gian hoạt động của pin là 4-5 năm tùy theo cường độ dòng điện nhiều hay ít đối với loại pin không sạc lại được nhưng đã cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân rất nhiều. Hiện nay có loại pin có thể sạc lại được do đó thời gian sử dụng có thể đến 10 năm.
Về chi phí: Chi phí cho phẫu thuật kích thích não sâu khoảng 600 đến 800 triệu đồng. Hiện nay quỹ Bảo hiểm y tế chưa chi trả hệ thống kích thích (gồm điện cực và pin). Phần lớn là chi phí của hệ thống dây dẫn, hệ thống pin phát xung điện. Tuy nhiên chi phí này chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và rẻ hơn nhiều so với khi thực hiện tại các nước Âu Mỹ. Hơn nữa, sau khi phẫu thuật còn phải điều chỉnh pin nên người bệnh không phải ra nước ngoài điều chỉnh.
|