Một cách tự nhiên, các làng công nghệ này ngày một gắn kết với các địa phương để tham gia giải quyết bài toán của họ, mặt khác thúc đẩy hoạt động xuyên suốt cả năm mà không chờ đến ngày khai mạc Techfest.
Làng công nghệ: Một cánh tay củaTechfest
Techfest quốc gia tạo cơ hội có một không hai để gặp gỡ với những người đang góp phần định hình nên tương lai đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Sự kiện thường niên kéo dài từ 2-3 ngày vào tháng cuối cùng của năm quy tụ các cộng đồng công nghệ, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư và các nhà lãnh đạo cấp cao nhất từ Chính phủ hoặc địa phương.
Người tham gia sẽ được trải nghiệm những sản phẩm công nghệ độc đáo tại các gian triển lãm, đi sâu vào những xu hướng công nghệ và chính sách mới nhất trong từng lĩnh tại các phiên hội thảo chuyên đề, và có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín thông qua Phiên kết nối đầu tư hoặc Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp.
Đối với một hệ sinh thái khởi nghiệp, các hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, sự kiện kết nối, thậm chí ngay cả tiệc tùng cũng đều là yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì sự vận động của cộng đồng. Không có những sự kiện kết nối như vậy, sẽ không hệ sinh thái nào có thể tồn tại được lâu dài. Xét về những khía cạnh đó thì Techfest hiện là một trong những cộng đồng gặp gỡ tích cực nhất Việt Nam. Mỗi năm, sự kiện Techfest quốc gia thu hút từ 5000-8000 lượt người tham gia, kể cả các đối tác nước ngoài. Báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, số lượng startup và các nhà đầu tư đến Techfest mỗi năm đang tăng với tốc độ hai con số. Tổng giá trị quan tâm đầu tư tại Techfest đạt từ 10-15 triệu USD.
Để tạo nên một sự kiện Techfest thành công như vậy không thể không kể đến vai trò dẫn dắt của các làng công nghệ (Tech Village). Đó là những cộng đồng “mềm” tập trung vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn lực cho một lĩnh vực cụ thể. Mỗi làng công nghệ đều có một vài trưởng làng hoặc đồng trưởng làng, một thư ký và một ban cố vấn từ 3-6 người. Họ là các doanh nhân, chuyên gia, thậm chí là giảng viên, có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực công nghệ của mình.
Những người này tình nguyện dành thời gian, công sức và sẵn sàng chia sẻ các mối quan hệ để thúc đẩy khởi nghiệp lên tầm cao mới. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, người nhận nhiệm vụ khởi xướng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đã ngợi ca mô hình làng công nghệ là “một kênh dẫn dắt nguồn lực cộng đồng cực kỳ hiệu quả”. Nhờ vậy, Ban tổ chức Techfest (Bộ KH&CN) có thể yên tâm trao quyền cho các trưởng làng để tập trung vào phần mạnh nhất của mình là đối thoại chính sách.
Về bản chất, các làng công nghệ là một cánh tay nối dài của Techfest. Thông thường, họ thực hiện ba hoạt động chính để tạo thành các “khối ghép hình” cho sự kiện Techfest quốc gia, đó là: tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp của làng công nghệ để chọn ra những startup xuất sắc nhất đề cử cho Techfest quốc gia; xây dựng nội dung và mời diễn giả uy tín để tổ chức các hội thảo chuyên sâu cho cộng đồng; và hỗ trợ các startup trong cộng đồng kết nối với những bên liên quan, bao gồm cả chuyên gia, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ.
Sự phát triển đa dạng hoạt động của các làng công nghệ cũng gắn liền với sự thay đổi về tư duy thời gian của Techfest quốc gia. Nếu như thời kỳ đầu, các hoạt động chính của Techfest chỉ được gói gọn trong vài ngày, thì dần dần chúng được mở rộng thành các hoạt động kéo dài trong vài tuần, thậm chí là vài tháng. Các làng công nghệ vì thế cũng có nhiều thời gian để chuẩn bị và kết nối tốt hơn. Họ có thể triển khai những sáng kiến mới, chẳng hạn như thực hiện báo cáo tổng quan về thị trường ngành công nghệ (Edtech, Fintech…); tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, viện trường, địa phương; hoặc kêu gọi các dự án hợp tác với những tập đoàn lớn. Hiện nay, hoạt động của các làng công nghệ Techfest có thể trải dài từ tháng 3-4 đến tháng 12 hằng năm.
Số lượng các làng công nghệ cũng có sự thay đổi vượt bậc, tương ứng với những xu hướng khởi nghiệp mới đang dần ló rạng ở Việt Nam. Nếu như cách đây tám năm, Techfest chỉ có sáu làng công nghệ là công nghệ nông nghiệp (AgriTech), công nghệ giáo dục (Edtech), công nghệ y tế (MedTech), công nghệ du lịch và ẩm thức (Tourism, Food & Beverage), công nghệ tiên phong (Frontier & FinTech) và công nghệ tạo tác động xã hội (Impact) thì đến năm 2021, các làng công nghệ nở rộ với con số lên tới 34 làng.
Một số làng mới xuất hiện như công nghệ vũ trụ ảo (Metaverse), công nghệ năng lượng xanh (Grenergy), công nghệ sinh thái (Ecotech), công nghệ marketing (Martech), dược liệu sạch (Green Medicine), nghệ thuật sáng tạo (TechArt), chăm sóc sắc đẹp (BeautyTech)… Tất cả cho thấy, khởi nghiệp Việt Nam đang bắt đầu đáp ứng được những nhu cầu ngày một đa dạng của xã hội và cảm nhận được những “điểm trống” mà giải pháp công nghệ có thể góp phần giải quyết.
Kết nối với hệ sinh thái địa phương
Khi nói đến Techfest, hiện nay không chỉ có một sự kiện Techfest quốc gia mà còn có những sự kiện Techfest vùng, Techfest địa phương và Techfest Việt Nam tổ chức ở nước ngoài. Theo thời gian, mô hình Techfest đã được chuyển giao rộng rãi trên khắp các tỉnh thành, kèm với đó là sự tham dự của các làng công nghệ vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở địa phương.
Làng nông nghiệp thông minh đang thí điểm mô hình xử lý chất thải nuôi ngao ở xã Giao Xuân. Ảnh: Mai Chiến/NNHC
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC), một trong những đơn vị phụ trách triển khai Techfest, lý giải rằng nếu như Techfest quốc gia sử dụng những nguồn lực của quốc gia, quốc tế và đặt ra các vấn đề cần giải quyết ở quy mô rộng thì tại địa phương, các hoạt động của Techfest sẽ gắn rất chặt với bối cảnh cộng đồng, doanh nghiệp và bài toán của địa phương. “Chẳng hạn, cùng thảo luận về biến đổi khí hậu nhưng các giải pháp chống biến đổi khí hậu ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam có thể rất khác nhau. Khi địa phương càng đưa ra các bài toán cụ thể và tham dự vào đó thì Techfest càng có thể tìm ra được các chuyên gia, doanh nghiệp phù hợp”, ông Quất nói.
Đó là lý do mà trong vài năm gần đây một số làng công nghệ đang tìm cách gắn kết mình hơn với các hoạt động địa phương. Lấy Làng nông nghiệp thông minh làm ví dụ. Trưởng làng Nguyễn Thị Thu, giám đốc HTX Tâm An ở Hà Nội, là người sáng lập ra hệ thống sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi. Thấu hiểu về sự thiếu thốn mạng lưới cố vấn trong lĩnh vực này, từ năm ngoái, Làng nông nghiệp thông minh đã mở một chương trình đào tạo nhằm tạo ra những đội ngũ cố vấn bản địa.
“Đây là điều rất thách thức nhưng cần thiết”, chị Thu chia sẻ tại lễ phát động Techfest 2023 tuần trước, “Thông thường, các chuyên gia Hà Nội có thể đến địa phương để hỗ trợ trong vài ngày, nhưng khi họ về thì các địa phương không biết bám vào đâu. Cần phải có những mạng lưới cố vấn tại chỗ, và chính các anh chị đại diện cho sở ban ngành nên tham gia vào đó. Vì không ai yêu quê hương và hiểu địa phương bằng chính người dân nơi đây nên nếu được trang bị các công cụ về đổi mới sáng tạo thì họ sẽ sẵn sàng trở thành cánh tay đắc lực cho hệ sinh thái địa phương và góp phần gia tăng nhân lực cho mạng lưới cố vấn quốc gia trong lĩnh vực này”.
Gian hàng triển lãm tại Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023. Ảnh: Ngô Hà/KHPT
Năm ngoái, Làng nông nghiệp thông minh đã triển khai chương trình đào tạo cố vấn cho hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, với số lượng nông dân được tiếp cận các nội dung đào tạo lên tới 20.000 người. Năm nay, chị Thu dự kiến sẽ đem chương trình lên bốn tỉnh mới. Song song với đó, họ sẽ triển khai chuỗi 20 hội thảo online giữa các địa phương và trường đại học để các doanh nghiệp, HTX bản địa có thể tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ mà các viện trường đang tạo ra.
Những hoạt động hỗ trợ thông qua đào tạo này có thể đem đến những sáng kiến cực kì hữu ích. Chẳng hạn, khi thảo luận về các giải pháp công nghệ sinh học có khả năng xử lý chất thải nông nghiệp, nông dân tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã bắt tay với các nhà khoa học và Làng nông nghiệp thông minh để thí điểm mô hình biến nước thải chăn nuôi ngao thành phân bón. Khu vực này đang phải đổi mặt với vấn nạn ô nhiễm bờ biển nghiêm trọng do hoạt động của con người. Sau một thời gian thí điểm, nước thải đã được đem đi kiểm nghiệm và chứng minh đạt chỉ tiêu làm phân bón.
Giờ đây, họ đang xoay sang xử lý một loại chất thải khác là vỏ ngao. Nhờ việc áp dụng công nghệ biến vỏ ngao thành bột thức ăn chăn nuôi, các trang trại ở Giao Xuân có thể giảm được gần 3000 tấn rác thải vỏ ngao đổ ra biển mỗi tháng. Hiện đại diện Làng nông nghiệp thông minh đang cố gắng kết nối với một đối tác quốc tế để xuất khẩu bột thức ăn chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc. “Có thể là trong năm 2023 hoặc chậm nhất là 2024”, chị Thu tiết lộ.
Một số làng công nghệ khác cũng đang đi sâu vào những bài toán cụ thể của từng địa phương. Ở miền Trung, ông Võ Đức Anh, trưởng Làng Metaverse cho biết, năm nay họ vẫn tiếp tục phát triển những lĩnh vực đã đạt thành tựu trong năm 2022 là áp dụng số hóa và thực tại ảo vào trong hoạt động du lịch, bảo tồn di sản văn hóa. Công nghệ này đang được sử dụng ở Đà Nẵng, Quang Nam và một số tỉnh, mang lại tác động tích cực cho kinh tế-xã hội địa phương. Làng Metaverse tiết lộ, họ cũng có kế hoạch mở thêm một mô hình nhà máy ảo 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sản xuất ở địa phương.
Còn ở miền Nam, chị Phạm Thị Hồng Phượng, trưởng Làng công nghệ sinh thái Ecotech đang chuẩn bị khởi động một dự án sản xuất vải từ bẹ chuối và xơ dứa. Chị muốn biến ngành dệt may chủ lực trong khu vực trở nên thân thiện hơn với các mục tiêu COP26. “Chúng tôi sẽ đi theo xu hướng nhuộm tự nhiên. Tất cả các loại tơ sợi chỉ cần có thành phần xenlulozơ là có thể chuyển hóa thành vải và sợi dệt được, chứ không phải chỉ làm hàng thủ công mỹ nghệ như trước kia”, chị Phượng nói. Tháng tám này, Làng công nghệ sinh thái sẽ tổ chức một hội thảo lớn nhằm lựa chọn các nhà đầu tư và vùng nguyên liệu cho sản xuất đại trà.
Các làng công nghệ đều chia sẻ, các hoạt động địa phương của họ dù ít dù nhiều đều không thể tách rời khỏi chuỗi đối thoại nhiều bên. Trong những buổi ngồi lại với các tác nhân đa dạng tại địa phương, họ phải khám phá ra được đâu là những bài toán gốc rễ đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nơi này và làm cách nào mà những sáng kiến về đổi mới sáng tạo có thể được đưa vào để giải quyết bài toán. Với họ, đưa ra bài toán đúng là bước đầu tiên để có được câu trả lời đúng.