Theo sau các giải thưởng khác?Tại Lễ trao giải VinFuture 2023 vừa qua, một số người đã lập tức nhận ra trong số bốn người đoạt Giải thưởng chính, có hai nhà khoa học là GS. Stanley Whittingham (Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Hoa Kỳ) và GS. Akira Yoshino (Tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo, Nhật Bản) từng được trao giải Nobel Hóa học vào năm 2019 vì những thành tựu góp phần phát triển pin Lithium-ion.
Điều này khiến một số người không khỏi băn khoăn, bởi việc VinFuture vinh danh các nhà khoa học từng chiến thắng ở nhiều giải thưởng quốc tế khác, thậm chí còn được vinh danh từ nhiều năm trước, khiến đây giống như nơi tôn vinh các phát minh vĩ đại hơn là khuyến khích các dự án mới.
Bản thân các nhà khoa học khác nhận Giải thưởng chính lẫn giải thưởng phụ đều là những cái tên quen thuộc tại các giải thưởng khoa học lớn nhỏ. Chẳng hạn, GS Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc) - người cũng nhận Giải thưởng chính năm nay - từng nhận Giải Millennium Technology 2022 và Giải thưởng Sáng kiến Kỹ thuật từ Nữ Hoàng Anh Queen Elizabeth; GS. Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) - nhà khoa học nhận giải thưởng Đặc biệt năm nay - từng nhận Giải Nobel Hòa bình được trao cho Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu vào năm 2007.
Điều này một phần bắt nguồn từ việc VinFuture không đưa ra yêu cầu về giải thưởng từng có. Chẳng hạn, nhiều giải thưởng giới hạn ứng viên phải là người chưa từng nhận được giải thưởng nào, hay ứng viên không thể được đề cử nếu chưa từng giành giải thưởng uy tín trước đó. “Điều đó có nghĩa là Giải thưởng VinFuture được tự do tìm kiếm để vinh danh các tài năng xuất chúng, bất kể tài năng đó đến từ đâu trên thế giới, đặc biệt nếu họ là phụ nữ hay công dân của các quốc gia có ít lợi thế hơn các nước phương Tây giàu có”, GS Albert P. Pisano, Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture lý giải. Ông cho rằng đó là một điểm khác biệt quan trọng giữa VinFuture với nhiều giải thưởng khác, “khi các nhà khoa học được đề cử cho Giải thưởng VinFuture, họ thực sự được đánh giá dựa trên những đóng góp có ích cho nhân loại.”
Không chỉ gói gọn trong Việt Nam, VinFuture cũng đã mở ra cánh cửa hợp tác giữa các nhà khoa học từng nhận giải thưởng với những quốc gia đang có nhu cầu ứng dụng công trình của họ.
|
Sự cởi mở đó cũng là lý do góp phần khiến số đề cử tăng liên tục. Năm nay Hội đồng giải thưởng đã nhận được 1.389 hồ sơ đề cử, tăng gần gấp rưỡi so với mùa giải trước. “Tiếng lành đồn xa, rất nhiều đề cử đã được gửi về và chất lượng ngày càng đi lên. Điều đó đồng nghĩa việc cân nhắc và lựa chọn cũng ‘đau đầu’ hơn”, GS. Pisano kể. Dẫu vậy, ông chia sẻ đó cũng là điều mà ông mong muốn, bởi “một giải thưởng thành công là một giải thưởng khiến Hội đồng Sơ khảo ‘luôn chân luôn tay’. Tôi cho rằng sự vất vả này là xứng đáng”.
Không bị giới hạn ở những giải thưởng đã từng có, điều này giúp VinFuture không phải lúc nào cũng là người đến sau.
Chỉ mới cách đây độ hai tháng, Hội đồng Nobel đã quyết định trao Giải Nobel Y sinh cho hai nhà khoa học là Katalin Karikó và Drew Weissman vì những khám phá của họ giúp phát triển vaccine mRNA hiệu quả chống lại COVID-19. TS. Karikó và BS. Weissman cùng làm việc tại ĐH Pennsylvania ở Philadelphia, cả hai đã tiến từng bước trên con đường phát triển vaccine bằng việc tìm cách phân phối vật liệu di truyền mARN vào các tế bào mà không cần kích hoạt một phản hồi miễn dịch không mong muốn.
Những phát hiện đột phá của họ đã thay đổi căn bản hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine - trong vòng chưa đầy một năm, ngăn chặn hàng chục triệu ca tử vong và giúp thế giới phục hồi sau đại dịch thảm khốc nhất trong một thế kỷ qua.
Khi ấy, nhiều tờ báo và người dùng mạng xã hội đã đưa thêm thông tin rằng đó là hai nhà khoa học từng đoạt Giải thưởng chính của VinFuture mùa đầu tiên. Và theo GS. Pisano, “việc có chung nhận định (với giải Nobel) cho thấy quy trình lựa chọn đề cử của Giải thưởng VinFuture rõ ràng rất hiệu quả”, ông hào hứng.
Không chỉ trao trước, mà bản thân việc trao thưởng cũng có phần khác biệt khi Giải thưởng Nobel chỉ trao cho TS. Katalin Karikó và BS. Drew Weissman, còn giải thưởng VinFuture còn trao cho cả đồng nghiệp của họ - GS. Pieter Cullis - nhờ công trình tạo ra hạt nano lipid bao bọc mRNA. Dựa trên khám phá của Karikó và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.
“Tôi đã hy vọng giải thưởng sẽ được trao cho cả ba chúng tôi, nhưng vì một lý do nào đó Hội đồng Nobel chỉ quyết định trao giải cho công trình sửa đổi mRNA ít gây phản ứng miễn dịch mà TS. Katalin Karikó và GS. Andrew Weissman tham gia thực hiện. Phạm vi khá cụ thể và họ đã không xét đến ‘phương tiện vận chuyển’ mRNA là hạt nano lipid, mặc dù yếu tố này cũng quan trọng không kém”, GS. Cullis chia sẻ. “Tôi cũng không lý giải được tại sao Hội đồng Nobel lại có quyết định như vậy. Ngược lại, Hội đồng VinFuture đã có đánh giá toàn diện hơn khi công nhận vai trò của cả ba thành viên.”
Đó cũng là điều mà GS. Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đã từng lưu ý khi trả lời báo giới về việc liệu VinFuture có đang “ăn theo” những giải thưởng danh giá lâu đời hay không. “VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể mãi mãi không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ nhưng nếu kết nối chúng lại với nhau, đột phá có thể xảy ra”. Và theo ông, chính “lăng kính” này làm nên sự đặc biệt của VinFuture so với bất kỳ giải thưởng nào khác.
Kết nối các nhà khoa họcBên lề lễ trao giải, VinFuture đã tổ chức các tọa đàm trao đổi ý kiến khoa học giữa nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Trực tiếp tham gia các hoạt động khoa học do VinFuture tổ chức, điều mà PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết đây là cơ hội hiếm hoi để anh được gặp gỡ những chuyên gia lão làng trong giới nghiên cứu toàn cầu.
Anh cho hay nếu không phải là thành viên của các mạng lưới khoa học quốc tế thì rất khó để có thể tiếp cận những trí tuệ khoa học hàng đầu, nhất là chủ nhân các giải thưởng danh giá như Nobel, Turning, Millennium Technology… “Với sự định hướng - và xa hơn là hợp tác - từ các nhà khoa học lỗi lạc, các trung tâm khoa học đầu ngành; nhà khoa học Việt có thể sẽ bắt kịp những xu thế mới, từ đó đi đúng hướng hơn, với tốc độ nhanh hơn và đi xa hơn thay vì tự thân vận động. Đặc biệt, với sự hợp tác liên ngành, nhiều nghiên cứu tiềm năng có thể sớm tạo ra trái ngọt”, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Lê Mỹ Loan Phụng (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho rằng các vấn đề mà VinFuture chú trọng và tập trung thúc đẩy trong thời gian qua như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới và lưu trữ năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, nước sạch và vệ sinh môi trường… là những lĩnh vực cần quan tâm. Là người đã dành nhiều năm để nghiên cứu công nghệ pin sạc, chị chia sẻ rằng khoa học trong nước đang theo đuổi những lĩnh vực phù hợp với Việt Nam nhưng nhiều khi lại bỏ quên những xu hướng nghiên cứu mà thế giới tập trung phát triển.
“Việc VinFuture nhấn mạnh vào các ngành mũi nhọn sẽ giúp định hướng cho nhà khoa học Việt cần nghiên cứu gì để tạo ra sức bật và sự thay đổi lớn cho Việt Nam”, PGS. Phụng lý giải.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế về nghiên cứu là câu chuyện lâu dài, không dễ để triển khai trong một sớm một chiều, nhất là khi vẫn còn khoảng cách nhất định giữa khoa học trong nước và quốc tế. Hiện tại, điều đầu tiên mà VinFuture mang lại cho các nhà khoa học Việt chính là sự khích lệ và nguồn cảm hứng trong nghiên cứu, đồng thời giúp những người có cùng mối quan tâm kết nối với nhau.
Với TS. Van Schepler-Luu (Trưởng Bộ môn Bệnh thực vật và Tính kháng của cây ký chủ, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI), lần trở về Việt Nam tháng 12/2022 tham gia tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức là một chuyến đi ý nghĩa.
Bên lề sự kiện, mạng lưới BioNET-Vietnam đã chính thức ra đời, quy tụ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực “chữa bệnh” cho cây lúa. Từ lâu, TS. Schepler-Luu đã ấp ủ ý tưởng thành lập một mạng lưới quốc tế trong lĩnh vực này, nhưng phải tới khi VinFuture hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, ý tưởng này mới có thể trở thành hiện thực. “VinFuture đã trở thành nơi thiết lập mối quan hệ hợp tác đầy triển vọng và thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và khoa học nói chung”, TS. Van Schepler-Luu đánh giá.
Không chỉ gói gọn trong Việt Nam, VinFuture cũng đã mở ra cánh cửa hợp tác giữa các nhà khoa học từng nhận giải thưởng với những quốc gia đang có nhu cầu ứng dụng công trình của họ.
Năm 2022, VinFuture mùa thứ hai đã trao Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển cho GS. Hóa học Thalappil Pradeep với hệ thống lọc có sử dụng các hạt nano kim loại để loại bỏ asen và các kim loại nặng khác khỏi nước ngầm. Khía cạnh thú vị của công nghệ này là các vật liệu tiên tiến được tạo ra bằng các phương pháp đơn giản và thân thiện môi trường với chi phí rất thấp. Công nghệ mang tên AMRIT hiện đang được triển khai tại các khu vực bị nhiễm asen của Ấn Độ, đem lại khả năng tiếp cận nước sạch cho khoảng 1,3 triệu người. Đặc biệt, hệ thống lọc của GS. Thalappil Pradeep có thể phát huy hiệu quả mà không cần sử dụng nguồn điện.
“Trước đây, tốc độ triển khai dự án ở các quốc gia đang phát triển khá chậm”, ông chia sẻ. “Tôi đã nghiên cứu về vấn đề này khoảng 20 năm, và phải mất một thời gian dài mới thấy được hiệu quả. Phần lớn mọi người muốn áp dụng ở cấp độ hộ gia đình nên nếu muốn tạo ra tác động mang tính cộng đồng sẽ đòi hỏi thời gian.”
Sau VinFuture, tiến trình đã được đẩy nhanh hơn, quy mô ứng dụng cũng mở rộng hơn. “Tôi đã gửi một số thiết bị lọc nước sang Campuchia để thử nghiệm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dự án đó đã rất thành công. Tại Philippines, chúng tôi đã xác định được một số địa điểm có thể triển khai công nghệ này bằng cách phân tích chi tiết về chất lượng nước. Chile nói riêng và Nam Mỹ nói chung cũng đang chứng kiến việc ứng dụng công nghệ này ở quy mô lớn.” Hiện tại, nhóm nghiên cứu của ông cũng đang kết nối với Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines để triển khai công nghệ cho người dân nước này.
Với giáo sư Thalappil Pradeep, giải thưởng mà ông đã đạt được không những tạo động lực to lớn cho cá nhân ông và đội ngũ mà còn giúp nâng cao uy tín về công nghệ tạo ra 1 lít nước sạch chỉ với 7 VNĐ của họ trong cộng đồng khoa học quốc tế. Ông cho rằng, những giải thưởng như VinFuture đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý nhiều hơn của công chúng đến những nghiên cứu có thể vẫn chưa được biết đến.