Kết quả một thử nghiệm lớn, công bố ngày 1/9, đã đặt dấu chấm hết cho những cuộc tranh luận về khẩu trang: khẩu trang y tế có khả năng bảo vệ cao, nhưng khẩu trang vải thì không đáp ứng kỳ vọng.
Khẩu trang bảo vệ chống lại COVID-19. Đó là kết luận của một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên - tiêu chuẩn vàng của thử nghiệm, ở Bangladesh, nhất quán với các phát hiện của hàng trăm nghiên cứu quan sát thực tế và trong phòng thí nghiệm trước đây.
Những người phản đối đeo khẩu trang thường viện dẫn việc thiếu các thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên - có nghĩa là chia người tham gia một cách ngẫu nhiên vào nhóm có biện pháp can thiệp (đeo khẩu trang) và nhóm đối chứng (không đeo). Nhưng phát hiện mới lần này, công bố ngày 1/9, dựa trên một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với gần 350.000 người tham gia từ các ngôi làng vùng nông thôn Bangladesh.
Kết quả thử nghiệm cho thấy khẩu trang y tế làm giảm sự lây truyền của SARS-CoV-2 ở các làng sử dụng khẩu trang (nhóm can thiệp) so với các làng ít sử dụng (nhóm đối chứng), nhưng khẩu trang vải thì không.
“Kết quả này nên là dấu chấm hết cho cuộc tranh luận về khẩu trang," Ashley Styczynski, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, California và là đồng tác giả của bản thảo mô tả thử nghiệm, nói. Deepak Bhatt, nhà nghiên cứu y khoa tại Trường Y Harvard, Boston, Massachusetts, người đã nghiên cứu về việc đeo khẩu trang, cho biết nghiên cứu mới “đưa ra kết luận chắc chắn và nghiêm ngặt về mặt khoa học”.
Một người lái xe kéo và hành khách đeo khẩu trang ở Bangladesh.
Styczynski và các đồng nghiệp khởi động thử nghiệm bằng một chiến lược kêu gọi đeo khẩu trang ở một số ngôi làng. Tỷ lệ sử dụng khẩu trang tăng gấp ba lần, từ 13% ở các làng đối chứng (không có chiến lược kêu gọi) lên 42% ở các làng có chiến dịch kêu gọi sử dụng khẩu trang. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh số trường hợp mắc COVID-19 giữa các làng đối chứng và các làng sử dụng nhiều khẩu trang.
Số trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng ở các làng sử dụng nhiều khẩu trang thấp hơn so với các làng đối chứng. Mức thấp hơn khá khiêm tốn, 9%, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mức giảm nguy cơ thực tế có thể lớn hơn nhiều vì nghiên cứu không xét nghiệm để tìm các ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Khẩu trang vải không hiệu quả
Nghiên cứu cho thấy khẩu trang y tế giảm 11% nguy cơ nhiễm bệnh, trong khi khẩu trang vải chỉ giảm 5%. Phát hiện này nhất quán với kết quả do nhóm nghiên cứu thu được từ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm: sau 10 lần giặt, khẩu trang y tế vẫn lọc được 76% các hạt trôi nổi trong không khí mang virus, trong khi đó khẩu trang vải 3 lớp có hiệu suất lọc chỉ 37% kể cả trước khi giặt hoặc sử dụng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân nên chuyển sang sử dụng khẩu trang y tế, theo Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco. Trước đây, chỉ có duy nhất một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên về đeo khẩu trang từng được công bố, và thử nghiệm đó đánh giá mối quan hệ giữa tình trạng nhiễm bệnh của một cá nhân và việc đeo khẩu trang (do cá nhân đó tự báo cáo có đeo hay không). Gandhi cho biết, bằng cách chọn mẫu ngẫu nhiên giữa các ngôi làng, nghiên cứu mới đã đánh giá được tác động của việc tuân thủ khẩu trang đến tình trạng lây nhiễm ở cấp cộng đồng.
Khẩu trang sẽ vẫn là một tuyến phòng thủ đặc biệt quan trọng ở Bangladesh và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác, nơi có rất ít hoặc không có vaccine.
Nguồn: