Đại học và Viện nghiên cứu Wageningen, Hà Lan, mới thông báo cho phép các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng miễn phí các công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR – Cas9 do họ giữ bằng sáng chế, phục vụ các ứng dụng phi thương mại trong thực phẩm và nông nghiệp.
Đây là bước tiến quan trọng, hướng tới việc phổ cập một lĩnh vực công nghệ có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, giúp các nhà nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được CRISPR – Cas9.
Wageningen là một trong số các tổ chức nghiên cứu trên toàn cầu nắm giữ các bằng sáng chế về CRISPR - kỹ thuật cho phép thực hiện các thay đổi chính xác đối với bộ gen tại các điểm cụ thể. Các tổ chức khác, bao gồm Viện Broad ở Cambridge, Massachusetts và Đại học California, Berkeley - đơn vị có danh mục bằng sáng chế lớn nhất trong lĩnh vực này, cũng cho phép các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng miễn phí một số tài sản trí tuệ (IP) liên quan đến CRISPR.
Thư viện tại Đại học Wageningen ở Hà Lan. Trường đại học này mới đây đã cho phép truy cập miễn phí vào các bằng sáng chế CRISPR của họ cho mục đích sử dụng phi thương mại.
CRISPR là lĩnh vực đang phát triển ngày càng lớn. Chỉ riêng Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ đã có khoảng 6.000 bằng sáng chế CRISPR hoặc đơn đăng ký sáng chế, với 200 đơn được bổ sung mỗi tháng, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Mỹ.
Và không giống với các lĩnh vực khác, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu được tài trợ công đang chiếm ưu thế về số lượng bằng sáng chế CRISPR, chứ không phải các doanh nghiệp tư nhân. Tính đến năm 2017, chỉ có 1/3 số bằng sáng chế CRISPR thuộc về khu vực tư nhân, theo phân tích của Agnès Ricroch, nhà di truyền học thực vật tại Viện AgroParisTech và các đồng nghiệp. Có nghĩa là trong lĩnh vực này, các trường đại học đang ở một vị thế có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ trên toàn cầu.
Trong nhiều thế kỷ, bằng sáng chế đã giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà phát minh khỏi các đối thủ cạnh tranh, ngăn các bên sao chép và thu lợi nhuận từ ý tưởng của người khác. Bằng sáng chế cũng khuyến khích đầu tư để phát triển hoặc thương mại hóa một ý tưởng, bởi vì chúng các nhà đầu tư yên tâm rằng công nghệ của họ không thể dễ dàng bị sao chép.
Tuy nhiên, các công ty cũng tìm cách sử dụng bằng sáng chế để cản trở cạnh tranh. Hơn nữa, khi áp dụng không phù hợp, bằng sáng chế có thể gây hại. Ví dụ, trong thời kỳ đại dịch, các bằng sáng chế về vaccine có thể làm chậm hoặc giảm khả năng cung cấp vaccine trên toàn cầu. Đó là lý do tại sao hơn 100 quốc gia và nhiều tổ chức đang kêu gọi các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới tạm thời từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.
Đã đến lúc tất cả các trường đại học có bằng sáng chế CRISPR, cùng với các nhà tài trợ công và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, xem xét cách họ có thể hợp lực để các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới có thể dễ dàng truy cập miễn phí các sáng chế liên quan đến CRISPR để phục vụ nghiên cứu, dựa trên các quy tắc rõ ràng và minh bạch.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp