Là người nỗ lực tiên phong để ngăn chặn dịch bệnh từ động vật lây lan sang con người, James H. Steele được vinh danh là “cha đẻ của ngành y tế công cộng thú y”.

James Harlan Steele sinh ngày 3/4/1913 ở Chicago, bang Illinois, Mỹ, giữa thời kì hỗn loạn sau Thế chiến thứ nhất. Ông là con của James Hahn Steele với người vợ trước là Lydia Norquist. Ông theo học tại các trường địa phương và ghi danh các lớp học của Trường YMCA (Hội thanh niên Cơ Đốc). Trong những năm 20 tuổi, ông đi bán bảo hiểm để trợ giúp gia đình và sau đó chuyển tới bang Michigan.

James Harlan Steele (1913-2013).

Steele đến với ngành thú y một cách tình cờ. Lúc cân nhắc con đường sự nghiệp hồi trẻ, bạn bè hướng ông tới công việc thợ sơn nhà. Nhưng nhờ người vợ đầu, bà Aina Oberg (qua đời vào năm 1969), khuyến khích, ông đã kiên trì và tốt nghiệp Đại học bang Michigan với bằng Bác sĩ Thú y (1941). Một năm sau đó, ông trở thành một trong các bác sĩ thú y đầu tiên nhận bằng Thạc sĩ ngành Y tế công cộng ở Đại học Harvard (1942).

Vào ngày 1/11/1943, Bác sĩ Steele được bổ nhiệm làm Chuyên gia dịch tễ tại Cơ quan y tế công cộng Mỹ (USPHS), chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh thực phẩm và sữa, đồng thời đánh giá các mối đe dọa từ động vật trên các đảo Puerto Rico và Virgin. Sau đó, ông nghiên cứu về bệnh brucella, bệnh lao ở bò, bệnh dại và bệnh viêm não ở ngựa Venezuela.

Sau Thế chiến thứ hai, Steele có cuộc gặp gỡ với Phụ tá Tổng y chức Joseph Mountin, con người huyền thoại sáng lập ra Trung tâm Bệnh truyền nhiễm (ngày nay có tên Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch; CDC), và điều này đã thay đổi sự nghiệp của ông. Trước tình hình bệnh lây nhiễm từ động vật sang người phổ biến cùng tình trạng thiếu thốn thông tin, Mountin khuyến khích Steele tìm ra cách kiểm soát bệnh dịch.

Trung tâm bệnh truyền nhiễm được thành lập vào năm 1946.

Vào tháng 11/1945, Steele trình bày một báo cáo chi tiết với tiêu đề “Thú y công cộng” (VPH). Trong bài, ông nêu rõ nguy cơ của bệnh truyền từ động vật sang người, cùng lợi ích của việc sử dụng các bác sĩ thú y để nghiên cứu và phản ứng với các mầm gây bệnh. Chẳng hạn, bệnh từ sữa gây tử vong cho 400/1000 trẻ sơ sinh ở New York vào năm 1880. Vào năm 1908, sữa gây ra nhiều đợt bùng phát về bệnh thương hàn và bạch hầu ở nhiều thành phố khác. Nghiên cứu cho biết 16% số hộp sữa được lấy mẫu chứa trực khuẩn lao, và ở các thành phố, 50% số sữa cũng nhiễm khuẩn đó. Tình trạng này dẫn tới Tổng Y chức Walter Wyman tiến hành kiểm tra vấn đề sữa trên toàn quốc, đưa tới một cuộc cải cách cho ngành sữa và hỗ trợ cho chương trình của Cục Chăn nuôi để kiểm soát bệnh lao ở bò. Đây là lần đầu tiên mà thế giới và các chuyên gia y tế lắng nghe và hiểu về chương trình này.

Dưới sự dìu dắt của Bác sĩ B.T. Simms, lúc đó là Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp, Steele dành hai năm làm việc tại Brazil, Maryland, Indiana và Michigan, điều tra các đợt bùng phát cùng hệ lụy tới sức khỏe con người từ các căn bệnh như bệnh tay chân miệng, bệnh brucella và bệnh salmonella. Báo cáo của ông về tiến độ của chương trình VPH vào tháng 3/1947 được đón nhận nồng nhiệt. Nhân đó, Steele đã thuyết phục Tổng y chức lập ra chức vụ Cán bộ thú y trong USPHS. Cùng năm, ông cùng đội ngũ chuyển tới Atlanta để công tác tại CDC, ngay sau khi trung tâm này thành lập. Không có lộ trình định sẵn, ông phải tự mày mò và lập ra chương trình thú y công cộng của CDC. Trọng tâm chủ yếu của ông là loại bỏ bệnh dại. Vào thời điểm đó, chó mèo hoang khiến căn bệnh này trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở Mỹ. Ông cùng đội ngũ đã phát triển được vaccine hiệu quả đầu tiên cùng các chương trình kiểm soát. Nhờ thế, khi căn bệnh bùng phát ở Memphis cùng nhiều thành phố lớn khác của Mỹ, CDC đã thành công dập được dịch. Ông tiếp tục khuyến khích thiết lập các chương trình thú y công cộng, tiêm chủng và phòng ngừa hàng loạt các căn bệnh như bệnh dại và bệnh sảy thai truyền nhiễm trên bò tại các sở y tế trên mọi tiểu bang của Mỹ. Cũng trong năm này, ông thành lập Ủy ban thú y công cộng Mỹ, sau này trở thành Trường Y tế Dự phòng Thú y Mỹ.

Vào tháng 2/1948, Tiến sĩ Steele được bổ nhiệm là Cán bộ thú y chính quy đầu tiên. Năm 1949, ông tới làm việc tại văn phòng của Tổng y chức và nhậm chức Cục trưởng Cục thú y một năm sau đó. Ông trở thành Phụ tá Tổng y chức đầu tiên của quốc gia về thú y năm 1968, phó trợ lý bộ trưởng về dịch vụ y tế và nhân sinh trong năm 1970.

Không chỉ giới hạn hoạt động trong nước, ông còn tới thăm hàng chục quốc gia để khởi động các chương trình thú y công cộng, đồng thời nghiên cứu và theo dõi những căn bệnh đặc thù đe dọa con người và động vật, như sốt Q, sốt vẹt, các bệnh do thực phẩm, cúm gia cầm, sốt thung lũng Rift tại Nigeria... Khuôn khổ chương trình Thú y công cộng của ông là khuôn mẫu cho nhiều chương trình mà sau này các tổ chức như WHO, FAO, v.v, thực hiện.

Steele cũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp thú y công cộng vào Tổ chức y tế liên Mỹ (PAHO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 1950, ông tham dự cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Chuyên gia WHO, vào năm 1965, ông làm chủ tọa cuộc họp thứ hai. Những cuộc họp này quy tụ các chuyên gia lỗi lạc nhất trên thế giới về các bệnh truyền từ động vật sang người, đồng thời nhấn mạnh về nhu cầu hợp tác quốc tế và các mục tiêu chung. Ông làm việc mật thiết với PAHO và WHO trong suốt sự nghiệp của mình.

Steele có mối quan hệ tốt đẹp với Bác sĩ Alexander Langmuir, người thành lập chương trình đào tạo Cơ quan tình báo dịch tễ (EIS) của CDC vào năm 1951. Năm 1953, Langmuir yêu cầu Steele tuyển bác sĩ thú y về làm việc trong tất cả lĩnh vực dịch tễ học (bệnh từ động vật và không từ động vật) của Chương trình EIS. Đây là khởi đầu cho một lĩnh vực đầy cơ hội mới đối với các bác sĩ thú y trong lĩnh vực y tế công cộng. Ngày nay, bác sĩ thú y phối hợp với mọi lĩnh vực hoạt động của PHS. Ông có tầm nhìn vượt xa khỏi lĩnh vực trước mắt: vào năm 1964, ông đăng một bài báo có tiêu đề “Các trách nhiệm kinh tế xã hội của ngành thú y”.

Năm 1971, khi nghỉ hưu khỏi PHS, ông trở thành giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Texas tại Houston. Ông là một giáo viên, cây bút và người hướng dẫn tích cực. Ông biên soạn Bộ cẩm nang về Bệnh truyền từ động vật sang người CRC, tuyển tập toàn diện đầu tiên bàn về bệnh tật xuất hiện trên cả con người và con vật. Cuốn sách này vẫn là yếu tố chủ đạo trong chương trình giảng dạy trên khắp thế giới.

Steele còn là người đề xuất Sáng kiến Một Sức khỏe (One Health) với thông điệp: sức khỏe con người và động vật có mối quan hệ mật thiết với nhau. Không chỉ đề xướng, ông còn thực hành nó trong suốt 7 thập kỷ và truyền lại cho các thế hệ bác sĩ thú y sau này.

Ông qua đời ngày 10/11/2013, tại Houston; hưởng thọ 100 tuổi

Nguồn: ncbi.nlm.nih.gov