Ngày 21/11, tàu Orion bay cách bề mặt Mặt Trăng chỉ 130 km. Trong 50 năm qua, chưa có khoang tàu vũ trụ nào có thể chở người bay gần Mặt Trăng như vậy.

Orion, thuộc nhiệm vụ Artemis I, do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hợp tác phát triển. Ngày 16/11, tàu được phóng trên tên lửa Hệ thống Phóng Không gian mới của NASA, trong chuyến hành trình kéo dài 26 ngày quanh Mặt trăng. Tàuđã lướt qua Căn cứ yên tĩnh, địa điểm hạ cánh của nhiệm vụ Apollo 11. Ở đó, vào tháng 7/1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng.

Đây là chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên của Orion để kiểm tra khả năng chịu đựng áp lực của không gian sâu. Tàu mang theo 3 hình nộm với hệ thống cảm biến để ghi lại hành trình. Các hình nộm sẽ được kiểm tra lại khi về đến Trái đất, nhưng cho đến nay, tàu đã hoạt động tốt như kỳ vọng.

Ảnh chụp Trái đất từ tàu Orion.

Các kỹ sư phụ trách Orion đang tìm cách khắc phục một số trục trặc nhỏ, chẳng hạn như sự cố thỉnh thoảng xảy ra với hệ thống định vị sao của tàu. Có khả năng hệ thống đã bị hỏng do bức xạ không gian. Hệ thống điện truyền năng lượng từ bốn tấm pin năng lượng mặt trời của Orion tới khoang chính cũng gặp một số sự cố gián đoạn.

Lướt qua Mặt trăng là chặng đầu tiên trong hành trình của Orion. Vào ngày 25/11, tàu sẽ bước vào chặng thứ hai, đi đến một điểm cách Trái đất 432.000 km.

Mặt trăng trông như một mảng mờ màu xám trong các hình ảnh được chụp từ tàu vũ trụ Orion, đã bay sát bề mặt Mặt trăng.

Hình ảnh từ hành trình của Orion đến nay cho thấy đôi khi Trái đất xuất hiện dưới dạng một chấm màu xanh nhạt ở phía xa hoặc Mặt trăng dưới dạng màu xám nhạt. NASA đã công bố những bức ảnh bên trong khoang chính, nơi một hình nộm ngồi quan sát bảng điều khiển. Giám đốc chuyến bay Judd Frieling cho biết sẽ sớm công bố thêm nhiều video và hình ảnh phát trực tiếp từ Orion bất cứ khi nào băng thông liên lạc cho phép.

Artemis I là nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình Artemis mà NASA dự định thực hiện, bao gồm việc đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng. Dự kiến trong nhiệm vụ tiếp theo, Artemis II, Orion sẽ chở 4 phi hành gia bay vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào năm 2024. Và Artemis III sẽ đưa phi hành gia xuống cực nam của Mặt trăng.

Bên trong viên nang Orion, một ma-nơ-canh được gọi là 'moonikin' quan sát các bảng điều khiển.

Trong chuyến bay lần này, Orion còn thả 10 vệ tinh nhỏ (cubesat) vào không gian. Trong số đó, tàu đổ bộ Mặt trăng của Nhật Bản có tên OMOTENASHI bị mất liên lạc và được Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản tuyên bố là mất tích.

Ngoài Orion, một tàu vũ trụ nhỏ có tên CAPSTONE - do NASA, ESA và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) phát triển - được phóng vào tháng 6 cũng đã đi vào quỹ đạo quanh Mặt trăng vào ngày 13/11. Tàu này đang bay theo một đường elip qua các cực của Mặt trăng, quỹ đạo sẽ được sử dụng bởi trạm vũ trụ Cổng Mặt trăng của NASA trong tương lai.

Nguồn: