AI (trí tuệ nhân tạo) hay robot là nỗi ám ảnh của điện ảnh Hollywood suốt từ thời kỳ đầu cho đến hiện tại, và bóng dáng của nó vẫn luôn luôn nằm trong các chủ đề về tương lai loài người trong phim ảnh.

Robot phản chiếu xã hội mà người làm phim đang sống, là tầm nhìn của người làm phim hòng phơi bày ra những vấn đề cộm cán của xã hội loài người, từ chiến tranh, nỗi sợ hãi, tham vọng và những ám ảnh về tận thế.

Bộ phim đầu tiên của điện ảnh mà đến với khán giả bằng một con robot hoàn thiện, và nói lên thông điệp đầy cảnh báo nhưng đậm chất huyền bí, chứ không thực sự liên quan đến những yếu tố khoa học là Metropolis – bộ phim theo chủ nghĩa ấn tượng của đạo diễn Fritz Lang sản xuất năm 1927. Nó khởi đầu, đánh động và cấy vào điện ảnh một chủ đề xuyên suốt về tham vọng của loài người, và tác hại của tham vọng đó trong việc tạo cho xã hội một diện mạo kém trong sáng và thiếu những giá trị tích cực. Tất nhiên, bên cạnh đó, là ước mơ có thể dùng robot để giải phóng sức lao động của con người.

Mượn hình ảnh robot để tạo ra diện mạo hậu tận thế

Có lẽ bộ phim kinh điển nhất về robot vừa mang tính giải trí cao, vừa là lời cảnh báo về việc con người đã quá phụ thuộc vào robot chính là hai phần phim Terminator của đạo diễn James Cameron. Với hình ảnh xuất sắc của hai con robot T-800 và T-1000, James Cameron đã tạo ra một thế hệ robot khủng bố trong một thế giới mà người máy chiếm quyền kiểm soát và đang tìm cách tiêu diệt xã hội loài người. Chủ đề này sau đó được khai thác triệt để trong những bộ phim như Westworld (phim truyền hình của đài HBO); The Matrix của chị em nhà Wachowski; I, robot của đạo diễn Alex Proyas.

Với hình ảnh xuất sắc của hai con robot T-800 và T-1000, James Cameron đã tạo ra một thế hệ robot khủng bố trong một thế giới mà người máy chiếm quyền kiểm soát và đang tìm cách tiêu diệt xã hội loài người.

Bộ phim ra mắt năm 2015 có tên Ex-Machina của đạo diễn Alex Garland, là nền tảng cho việc những nhà khoa học vì quá tham vọng tạo tác ra những tuyệt tác robot giống con người nhất có thể. Để rồi, khi robot có trí tuệ, nó sẽ tìm cách để tự giải phóng bản thể, như con người đi tìm tự do. Có lẽ đó cũng chính là tương lai loài người, khi gần đây người máy thông minh Sophia của Hanson Robotics, được công nhận là công dân robot đầu tiên trên thế giới tại Arập Saudi. Câu hỏi được đặt ra là, nếu robot thông minh đòi tự do, con người sẽ phải làm gì?

Những con robot đáng thương muốn trở thành người

Bên cạnh màu sắc tăm tối thiên về hành động để vẽ ra một tương lai ảm đạm, u ám, điện ảnh Hollywood cũng có truyền thống dùng robot để cảnh tỉnh xã hội loài người. Những nhà khoa học điên tạo ra robot, cấy vào đó ý thức, nhưng không xem chúng là con người, mà chỉ là tạo vật. Điều đó tạo ra cho câu chuyện phim nỗi ám ảnh đầy nhân bản về tình yêu, sự khoan dung.

Bộ phim đầu tiên của điện ảnh mà đến với khán giả bằng một con robot hoàn thiện, và nói lên thông điệp đầy cảnh báo nhưng đậm chất huyền bí, chứ không thực sự liên quan đến những yếu tố khoa học là Metropolis.

Tác phẩm điện ảnh điển hình của những robot muốn trở thành người là A.I của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg. Bằng vào tài năng của mình trong việc tạo dựng nên các tuyệt tác lấy được nước mắt người xem, A.I khiến chúng ta trân trọng hơn robot – những sản phẩm nhân tạo nhưng mang trí tuệ cao, mong cầu được công nhận làm con người. Một bộ phim như Bicentennial Man, đạo diễn Frankenstein đặt ra cho ta câu hỏi: chúng ta tạo ra robot và cho nó một trái tim, vậy chúng có quyền được sống như con người không? Câu hỏi này đau đáu trong tác phẩm kinh điển Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott: “Liệu con người có bị tiêu diệt vì sai lầm”, khi mà những người nhân bản chỉ cần mắc sai lầm là bị tiêu diệt.

Robot – người bạn thân thiết của con người

Bên cạnh đó, mong ước có người máy ở bên cạnh, làm bạn cùng con người, chắc chắn là ước mơ từ thời niên thiếu của rất nhiều người. Robot giúp làm bài tập (mèo máy Doraemon), làm bạn, và cả làm... người tình.

Trong Iron Giant, một con robot khổng lồ rơi xuống trái đất từ không gian, đã được một cậu bé phát hiện và trở thành bạn đồng hành của mình. Cả hai cùng chống lại chính phủ đang tìm cách tiêu diệt con robot trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Đây là một chủ đề cũng được điện ảnh Hollywood khai thác rộng rãi. Bộ phim hoạt hình The Iron Giant sản xuất năm 1999 là một bộ phim như vậy. Một con robot khổng lồ rơi xuống trái đất từ không gian, đã được một cậu bé phát hiện và trở thành bạn đồng hành của mình. Cả hai cùng chống lại chính phủ đang tìm cách tiêu diệt con robot trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. The Iron Giant vừa là nỗi sợ hãi sau chiến tranh của con người, vừa là sự nghi kỵ trong thời kỳ mà vũ khí hạt nhân có thể kích hoạt bất cứ lúc nào. Nhưng trên hết, nó là một bộ phim giàu tình cảm giữa robot và người, một mối quan hệ mà George Lucas trong tác phẩm Star Wars đã đặt nền móng với con robot dễ thương R2-D2.

Her trong phim Her là một hệ điều hành mà những kẻ cô đơn trong xã hội tìm đến như tìm một người trò chuyện, một người yêu, để rồi cuối cùng bộ phim bóc mẽ ra rằng, Her chỉ là một trí tuệ nhân tạo.

Nhưng có lẽ ám ảnh nhất chính là trí thông minh nhân tạo trong bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze, là dự đoán gần tương đồng nhất với tương lai của loài người. Her là một hệ điều hành mà những kẻ cô đơn trong xã hội tìm đến như tìm một người trò chuyện, một người yêu, để rồi cuối cùng bộ phim bóc mẽ ra rằng, Her chỉ là một trí tuệ nhân tạo mà trong một lúc có thể nói chuyện, có thể yêu hàng ngàn người trên khắp hành tinh đang sử dụng hệ điều hành đó. Her chính là bộ mặt của xã hội hậu hiện đại, với điện thoại thông minh và những ứng dụng vô tận giúp con người trở nên lười biếng.