Không thể kể hết số vụ vi phạm về bản quyền trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới nói chung và tại Hollywood nói riêng, mặc dù chính ngành công nghiệp này phải dựa vào việc bảo vệ bản quyền để tồn tại.

Vậy lời khuyên nào dành cho những tác giả chân chính trong cuộc chiến bản quyền cam go?

Chuyện nhân bản ý tưởng ở Hollywood

Tháng 6/2017, Lex Lybrand - nhà làm phim tại Austin - vô cùng ngạc nhiên khi thấy tập phim “The patent troll” (Chơi khăm liên quan tới bằng sáng chế - PV) trong seri phim Silicon Valley của kênh HBO giống một cách kinh ngạc với bộ phim “The Trolls” (Những vụ chơi khăm) mà ông đang thực hiện.

Phim “The Trolls” kể về một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Texas đã bị mất tất cả vì một vụ chơi khăm liên quan tới sáng chế còn trong tập phim “The patent troll”, một ứng dụng của các nhân vật chính trong phim bị đe dọa bởi một vụ chơi khăm nhằm vào sáng chế. Tập phim này do Andrew Law - người cũng đang viết kịch bản cho một vài show diễn ăn khách, trong đó có chương trình “Late Night with Seth Meyer” (Đêm muộn cùng Seth Meyer) - chắp bút.

“The Trolls” được Lybrand viết kịch bản vào năm 2014, bấm máy năm 2015 và công chiếu lần đầu tại Austin vào tháng 3/2016. Theo Lybrand, “The Trolls” tuy chưa được giới thiệu với HBO nhưng trước đó một vài năm, chính Lybrand đã nói chuyện với nhân viên HBO về ý tưởng bộ phim này.

Poster phim Avatar của đạo diễn James Cameron - bộ phim vướng rất nhiều vụ kiện liên quan tới bản quyền. Nguồn: Pinterest

“Tôi đã có buổi nói chuyện với họ về bộ phim của mình. Show “Last week tonight” là một phần trong những trò chơi khăm về bản quyền (patent trolls) và tôi đã liên hệ với những người thực hiện chương trình về việc cấp phép đoạn clip trong đó cho bộ phim của tôi. Nhưng vì giá bản quyền quá cao nên tôi đã dùng hình ảnh hoạt họa để thay thế. Cuộc nói chuyện với HBO diễn ra vào tháng 4/2015, như vậy họ đã biết đến bộ phim của tôi hơn 2 năm”.

Trường hợp của Lybrand không phải là hiếm ở kinh đô điện ảnh Hollywood - nơi tạo ra những bộ phim có doanh thu hàng tỷ USD, hay đoạt hàng loạt giải thưởng danh giá như Oscar.

“Kịch gia - đặc biệt là kịch gia của những phim có thành công lớn về mặt thương mại - thường đối mặt với những tố cáo vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, hầu hết những người tố cáo thường thua cuộc” - Jed Wakefield - luật sư chuyên về các vụ kiện liên quan tới sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mảng nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, quyền công khai cũng như về việc cấp phép, chuyển giao công nghệ… cho hãng luật Fenwick&West, Mỹ - nói.

Ông này cũng cho biết, đạo diễn nổi tiếng James Cameron từng bị cáo buộc ăn cắp ý tưởng truyện tranh hay các bộ phim khác cho 2 siêu phẩm của mình là Avatar và Terminator. Tuy nhiên, tòa án phán quyết Cameron vô tội.


Làm gì để bảo vệ bản quyền kịch bản?

Luật sư Wakefield đưa ra vài lời khuyên dành cho các kịch gia trong trường hợp muốn bảo vệ bản quyền tác giả: “Các tác giả nên giữ bản ghi âm hoặc ghi chép của mình một cách riêng rẽ và đăng ký bảo hộ cho tác phẩm. Bất kỳ tác giả nào trước khi yêu cầu xem hoặc chỉnh sửa kịch bản của người khác đều phải suy nghĩ thật kỹ và trả lại cho chủ những tài liệu chưa đọc. Các cá nhân và doanh nghiệp cũng không nên tham gia một thỏa thuận bí mật nào đó nếu không có lý do chính đáng để làm vậy”.

Luật sư Wakefield giải thích: “Rất nhiều bộ phim Hollywood lấy cảm hứng từ tác phẩm của người khác hoặc thậm chí đi xa hơn mà không quan tâm tới Luật Tác quyền. Luật này không bảo hộ những cảnh hoặc yếu tố âm mưu phổ biến cho một thể loại phim”.

Vị luật sư lấy ví dụ: Một tác giả kiện đạo diễn phim “Fort Apache, The Bronx” vi phạm bản quyền một cuốn sách. Cả cuốn sách và phim đều bắt đầu bằng một vụ ám sát người da đen, tiếp theo là cảnh sát da trắng với súng trong tay đang truy đuổi gắt gao.

Hai tác phẩm đều có cảnh mô tả các vụ đánh nhau, say rượu, xe đâm nhau, gái mại dâm, chuột cống; đều có nhân vật trung tâm là các cảnh sát người Ireland thế hệ thứ 3-4, sinh sống ở Queens (Mỹ), thường uống rượu; đều miêu tả những cảnh sát bất mãn và có cảnh truy đuổi tội phạm bất thành. Tuy nhiên, cuối cùng, toà cho rằng những tình tiết giống nhau đó không phải là bằng chứng để yêu cầu xem xét một vụ vi phạm bản quyền, bởi chúng thuộc vào dạng tài liệu không thể đảm bảo bản quyền.

Cuối cùng, luật sư Wakefield kết luận: “Không có một sự phân biệt rõ ràng giữa việc sử dụng cái gì đó làm nguồn cảm hứng, hoặc là để copy theo nó”. Ông cũng khẳng định tuy các ý tưởng thông thường không thể được đảm bảo bản quyền nhưng những biểu đạt gốc (cụm từ, khung cảnh, hình ảnh - PV) thì có thể.