Chiếc máy quét cầm tay có thể dò được các thiết bị gian lận công nghệ cao trong phòng thi, kể cả những thiết bị siêu nhỏ hoặc không hoạt động.

Thiết bị được chế tạo theo nguyên lý hoạt động của cảm biến tiệm cận điện cảm và module công tắc từ lưỡi gà, cảm biến từ trường, cảm biến hồng ngoại nhằm dò tìm và nhận biết các thiết bị gian lận công nghệ cao. Khi học sinh mang theo tài liệu hoặc các thiết bị nghi ngờ gian lận, cổng quét sẽ phát ra tín hiệu.

Thiết bị có thể dò tìm và phát hiện sự xuất hiện của tai nghe siêu nhỏ, các thiết bị đi kèm, ngay cả khi chúng không hoạt động. Đồng thời, xác định và tính toán giá trị biến thiên từ trường giữa từ trường tại vị trí cần kiểm tra và từ trường trái đất. Giá trị biến thiên này sẽ được hiển thị trên màn hình dò tìm, truyền thông hiển thị giá trị và vẽ sơ đồ giá trị từ trường biến thiên trên máy tính.

Ngoài ra, nó có thểlàm nhiễu đường truyền của các thiết bị gian lận vànhận biết được các thiết bị không giây như sóng GSM, Bluetooth...

Thiết bị này được Ngô Đức Huy và Võ Trần Công, học sinh lớp 8 trường TH - HCS - THPT Việt - Úc, thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên Dương Ngọc Cường.

"Tụi em mất khá nhiều thời gian để thực hiện, rất vui vì thiết bị của mình được đánh giá có tính ứng dụng cao hơn các giải pháp đang áp dụng lâu nay như camera hay giám thị quan sát", Huy cho hay.

hoc-sinh-che-tao-thiet-bi-chong-gian-lan-thi-cu

Học sinh trình bày đề tài chống gian lận trong thi cử. Ảnh: Nguyễn Loan.

Nghiên cứu áp lực tâm lý thi cử

Liên tục phải chịu áp lực từ thi cử, Phan Ngọc Hân và Nguyễn Nhật An - trường THPT Gia Định - đã thực hiện nghiên cứu về vấn đề này. Đề tài đưa ra thực trạng về chứng trầm cảm ở học sinh THPT hiện nay xuất phát từ việc ngày càng có nhiều biến đổi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi trong cuộc sống, trong các mối quan hệ với bạn bè như uống rượu bia, đánh nhau...

Để thực hiện, Hân và An đã lấy ý kiến 150 học sinh THPT. Qua khảo sát, Hân cho rằng học sinh hiểu biết rất ít về trầm cảm và mối nguy hiểm của căn bệnh. Ngoài lý do thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì, nguyên nhân lớn nhất hiện nay khiến nhiều học sinh bị trầm cảm do gia đình quá kỳ vọng vào con em mình. Còn nhà trường thì đặt nặng vấn đề điểm số, áp lực học hành.

"Bọn em chịu rất nhiều áp lực, còn ba mẹ lúc nào cũng muốn được điểm tuyệt đối, học sinh giỏi hoặc thi đậu trường này trường kia. Không được nghỉ ngơi, bọn em thậm chí phải ăn uống vội vàng để kịp giờ học chính khóa và học thêm", Hân nói và cho rằng khi bị trầm cảm nhiều bạn đã sống tách biệt hẳn với bạn bè, thậm chí có bạn nghĩ đến chuyện tự tử.

Hân và An mong muốn qua đề tài này phụ huynh và nhà trường không còn đặt nặng thành tích học tập, còn học sinh cần được tuyên truyền nhiều hơn về kiến thức trầm cảm cũng như các biểu hiện bệnh tâm lý. Các em cũng đề xuất mỗi trường nên có phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả để phát hiện và can thiệp kịp thời những học sinh có biểu hiện tiêu cực.

Tìm giải pháp cho tình trạng xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Trước việc phố đi bộ còn thiếu cây xanh, tình trạng xả rác bừa bãi và bán hàng rong chèo kéo khách du lịch còn phổ biến,Vũ Ngọc Mai - học sinh trường trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP HCM) - thực hiện đề tài Phố đi bộ Nguyễn Huệ - từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị.

Mai cùng bạn chung lớp Nhâm Lê Quỳnh An bắt tay nghiên cứu đề tài mong tìm ra giải pháp khắc phục. Khảo sát trên 300 người (trong đó có 230 người dân TP và 70 du khách trong và ngoài nước), đa số đều cho rằng đây là nơi đi dạo, hóng mát miễn phí; biểu tượng mới của sự phát triển đô thị; không gian gắn kết mọi người... Nhiều người tỏ ra chưa hài lòng khi khu phố này thiếu cây xanh, ghế ngồi, nhà vệ sinh và hệ thống thùng rác công cộng...

Tuy nhiên, có đến 77% người dân thành phố và 75% du khách cho rằng nhiều người thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, môi trường chung. 44% du khách còn cho rằng việc bày bán hàng rong ở phố đi bộ gây mất mỹ quan đô thị.

Mai và An cho rằng muốn giải quyết vấn đề hàng rong cần đáp ứng nhu cầu của người dân bằng cách lắp đặt các máy bán hàng tự động. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa và các điểm trình diễn nghệ thuật trong từng góc phố. Cần có các trạm thông tin du lịch thông minh, quầy hướng dẫn du lịch...

Đây là những đề tài của học sinh TP HCM lọt vào vòng chung kết khoa học kỹ thuật do Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM tổ chức. Trong đó, đề tài Phố đi bộ Nguyễn Huệ từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị là một trong những đề tài đạt giải nhất cấp thành phố.

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tiến - Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi - năm nay có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, tập trung vào những vấn đề gần gũi, thiết thực và thời sự hơn. "Có thể sản phẩm của các em chỉ là những ý tưởng ban đầu, những mô hình nhỏ, nhưng ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng độc đáo, sáng tạo, tính chủ động và linh hoạt của học sinh chứ không nặng về đầu tư kỹ thuật và vật chất", ông Tiến cho hay.