Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu ở Đại học Kinh tế Quốc dân sau khi tiến hành đánh giá hiện trạng và những điểm hạn chế của hệ thống quản lý rủi ro thiên tai (DRM) ở Việt Nam.

Với đường bờ biển dài 3.240 km, kết hợp với địa hình đa dạng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và phải đối mặt với rủi ro thiên tai cao, xếp thứ 91/191 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro INFORM năm 2019. Tính riêng năm 2022, nước ta đã hứng chịu hơn 1.000 trận thiên tai với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Việc đảm bảo thông tin cảnh báo sớm và công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời và xuyên suốt là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu vùng xa.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Báo cáo Groundswell 2021

Để đánh giá hiện trạng và những điểm hạn chế của hệ thống quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu ở Đại học Kinh tế Quốc dân đã sử dụng mô hình PSR (Áp lực- Nhà nước - Phản ứng), kết hợp với khung quản lý DRM của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để đánh giá hệ thống quản lý rủi ro ở Việt Nam trên năm khía cạnh: khung pháp lý, các tổ chức trong hệ thống, nguồn lực tài chính, sự gắn kết với các kế hoạch ở cấp trung ương và địa phương, giáo dục và cảnh báo thiên tai.

Kết quả cho thấy, điểm sáng là năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trong đó, Luật Phòng chống thiên tai và Chiến lược Quốc gia về Phòng ngừa, Ứng phó và Giảm nhẹ Thiên tai đến năm 2020 là những ví dụ điển hình cho thấy nỗ lực tăng cường năng lực quản lý rủi ro của chính phủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thiết lập một hệ thống quản lý rủi ro thiên tai được tổ chức khá bài bản từ trung ương đến địa phương gồm bốn cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Trong đó, ở cấp trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai - do Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam lãnh đạo - là cơ quan chính ra quyết định và chính sách. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (VINASARCOM) là cơ quan đầu mối của Chính phủ về tìm kiếm, cứu nạn, có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối các bộ, ngành, địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn thiên tai. Nguồn tài chính cho việc quản lý này đã được bố trí từ ngân sách trong và ngoài nguồn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng các chính sách lớn để lồng ghép việc quản lý rủi ro thiên tai vào các kế hoạch phát triển ở trung ương và địa phương. Hệ thống thông tin và cảnh báo thiên tai được thiết lập trên toàn quốc từ cấp trung ương đến địa phương (trong đó ở cấp trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và VINASARCOM điều phối các hoạt động cảnh báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai). Hệ thống này đang được hiện đại hóa với việc tích hợp chương trình giáo dục về thiên tai vào các chương trình đào tạo.

Trong những năm qua, hệ thống thông tin và cảnh báo đã có nhiều điểm tiến bộ: hệ thống pháp luật về khí tượng thủy văn từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của cả hệ thống dự báo quốc gia, từ quan trắc, truyền dẫn thông tin đến dự báo. thông báo, cảnh báo. Từ năm 2016, số lượng các loại hình thiên tai được dự báo tăng lên đáng kể - gồm: giông, lốc, mưa lớn diện rộng, lũ, ngập úng; lũ quét, sạt lở đất,...; mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn cũng được nâng cấp hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, hệ thống quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế đáng chú ý: thông tin về rủi ro thiên tai chưa đầy đủ và việc thực thi các quy định liên quan không hiệu quả. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt kinh phí sau thiên tai.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường năng lực của các cơ quan cũng như phải có cơ chế hợp tác, phát triển mạng lưới chia sẻ thông tin giữa các bên - gồm cơ quan quản lý thiên tai, địa phương, các ngành và xã hội dân sự nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định và xây dựng chính sách quản lý rủi ro. Ngoài ra, việc lập kế hoạch tài chính và xây dựng các cơ chế chia sẻ rủi ro như bảo hiểm thiên tai cũng rất quan trọng để bảo vệ người dân nghèo và sinh kế, cơ sở hạ tầng khỏi tác động của thiên tai.

Kết quả nghiên cứu được công bố trong bài báo “Disaster risk management system in Vietnam: progress and challenges” (2022) trên tạp chí Heliyon.