Đây là đề xuất của GS. Trần Văn Thọ, hiện đang công tác tại Nhật Bản, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/3 và đã được Thủ tướng nhanh chóng tán thành và đề nghị giúp triển khai trong thời gian sớm nhất. Tuyên bố chính thức triển khai dự án được đưa ra vào ngày 30/3.
Hiện nay số lượng máy thở và máy trợ thở trong nước đều thiếu hụt, trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Trước bối cảnh này, GS. Trần Văn Thọ đã thảo luận với GS. Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty Metran (Nhật Bản) chuyên sản xuất máy móc y tế cho người bị bệnh về đường hô hấp, để bàn về tính khả thi của đề án này.
GS. Trần Văn Thọ cho biết, rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp và GS. Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.
GS. Trần Ngọc Phúc sinh năm 1948 tại Huế, hiện đang sinh sống tại Nhật. Ông được coi là người phát minh ra máy hô hấp nhân tạo cao tần số (HFO) mang tên Hummingbird dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng. Máy HFO chính là các máy thở trị giá hàng chục nghìn USD mà các hệ thống bệnh viện ở các nước như Mỹ và châu Âu đang cần. Các thiết bị loại này sử dụng khi bệnh nhân không có khả năng tự thở.
Bên cạnh máy thở đắt tiền và phức tạp, còn có các loại máy trợ thở giúp cho người hô hấp khó khăn thở tốt hơn. Máy trợ thở thường được chỉ định dùng với những người có hội chứng ngừng thở khi ngủ, trẻ em suy hô hấp… Đây cũng là loại máy mà hai giáo sư ở Nhật Bản sẽ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, để giúp đất nước ứng phó với nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước kịch bản dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp.
Hai giáo sư cho biết họ sẽ hỗ trợ nhà máy trong nước sản xuất 2.000 máy trợ thở mang tên JFLO không xâm lấn, không đặt ống nội khí quản. Trong vòng 3 tháng tới số lượng sản xuất sẽ tăng lên 10.000 máy. Công ty Metran sẽ cùng với phía Việt Nam triển khai sản xuất ngay trong tháng 4 tới.
Máy JFLO kích thước nhỏ, chỉ nặng 1,5kg (bằng 1/10 so với những thiết bị trợ thở thông thường trong bệnh viện), có sẵn pin, linh hoạt di chuyển, do vậy thuận tiện cho việc cấp cứu trong xe cứu thương hay khi người bệnh di chuyển sinh hoạt. Loại máy này chỉ có 1 chế độ là thở áp lực dương liên tục (CPAP) – tức tạo áp lực dương kể cả khi hít vào lẫn thở ra, giúp các phế nang không xẹp cuối kỳ thở ra, tăng trao đổi khí, giảm công hô hấp.
GS. Trần Văn Thọ cũng nhận xét rằng, trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này, nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu.