Đó không phải là tựa của bài viết này, mà là tên của một cộng đồng mới được thành lập trên Facebook nhằm quy tụ các kỹ sư Việt Nam cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng và cả máy móc, tài chính… nhằm tạo ra những sản phẩm phòng chống dịch cúm.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc chúng tôi nhận được tin nhắn của Quỳnh, nữ điều phối viên các hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) gửi cho cộng đồng những người làm hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam: “Trong tình hình Covid19 như hiện tại, ứng dụng công nghệ in 3D để tạo ra các thiết bị, dụng cụ y tế, hay robot y tế là điều có thể thực hiện được. Việc này sẽ giúp có các thiết bị nhanh chóng, chất lượng đảm bảo. Ý tưởng là vô biên, thậm chí có thể là những thiết bị ta chưa bao giờ nghĩ tới. Đây là việc không mới ở Mỹ hay Châu Âu, tại VN thì trong TP HCM đã có ứng dụng in 3D làm robot khử trùng phòng bệnh. 1 StartUp mà UNDP hỗ trợ là Vulcan Augmentics- cung cấp tay chân robot in 3D cho người khuyết tật, hiện đang mong muốn được kết nối với các startup có hoạt động tương tự, hay các anh chị em trong lĩnh vực Medtech để thử nghiệm sản xuất các thiết bị sử dụng để chống Covid…”.
Và từ đó, chúng tôi tìm ra group Facebook mang tên “Lực Lượng Kỹ Sư Việt Chống nCov”, và tim đập chậm đi vài nhịp khi đọc những dòng giới thiệu do một thành viên sáng lập Rafael Masters - CEO của Vulcan Augmetics – một người-nước ngoài viết: “Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời trong ứng phó với dịch bệnh Covid 19. Nhưng “Cuộc chiến” chống COVID-19 đang bước sang giai đoạn 2: Hãy bắt đầu những chiến dịch mới. “Kỹ Sư Covid 19 Việt Nam” là cộng đồng kết nối các kỹ sư và nhà sản xuất tại Việt Nam. Với mục tiêu chung tay hỗ trợ công tác Y tế Việt Nam, cùng xây dựng dữ liệu các tiêu chuẩn thiết bị/sản phẩm, tìm kiếm nhu cầu của các bệnh viện trong công tác Y tế và thực hiện vận chuyển các thiết bị bổ sung trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Việt Nam luôn có những sáng kiến xuất sắc. Trước Corona, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Xa hơn nữa, trong chiến tranh chống Mỹ, bác sĩ Võ Tá Thông đã sử dụng nước dừa tươi để tiêm truyền tĩnh mạch cấp cứu thương binh. Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp kỹ thuật nhằm đánh bại đại dịch mà tài nguyên trong nước có thể đáp ứng sản xuất. Bạn có thể! Chúng ta có thể! Việt Nam quyết thắng đại dịch!”.
Và chỉ trong một thời gian siêu ngắn, chưa đến 2 ngày, nhóm đã có hơn 300 thành viên đăng ký, với những tình nguyện viên hết sức xông xáo: tôi có kinh nghiệm lập trình và xử lý máy cắt CNC, tôi có thể huy động được trang thiết bị và xưởng sản xuất của gia đình mình, em có thể làm website và nghiên cứu thị trường, tôi có thâm niên hơn mười năm về phần cứng… Hình như không có ai khoe tài ở đây, chỉ “la lên” với mong muốn góp một tay.
Và dự án đầu tiên của họ, là hướng về các y bác sĩ: “Đây là nơi kết nối các kỹ sư, các thợ chế tạo, thiết kế cơ khí với các đội ngũ ngành y tế nhằm mục đích sản xuất dụng cụ và thiết bị y tế cho các bệnh viện ở Việt Nam khi có nhu cầu. Chúng tôi đang trong quá trình lập ra một danh sách các loại dụng cụ quan trọng và thiết yếu nhất để chúng ta có thể cùng sản xuất một lượt và có thể gom lại để cung cấp cho bệnh viện các đơn hàng với số lượng lớn (điều này cũng giúp các bệnh viện dễ sử dụng hơn vì cùng một thiết kế và một cách sử dụng)”.
Câu hỏi đầu tiên được nêu lên: “Trong group mình có ai có quen biết với những người tham gia chống dịch để tìm hiểu nhu cầu của họ không nhỉ?”, chưa đầy một phút sau đã có một bạn trẻ vào trả lời: “Dạ có em, mấy tuần nay em đi hỗ trợ các bác sĩ xử lý cách ly bệnh nhân…”. Và câu chuyện cứ vậy mà tiếp nối, theo một vòng quay rất khác của cộng đồng, của hệ sinh thái, của những người muốn chung tay.
Họ lại chia sẻ cho nhau những tài liệu về các chương trình mã nguồn mở của các trang thiết bị y tế dùng trong chống dịch, cập nhật các thiết bị mới phát minh như “lồng khám bệnh” của bác sĩ người Đài Loan đang giúp cho các lực lượng y tế Mỹ rất nhiều, hay giản đơn hơn là bàn về các thiết bị tránh tiếp xúc trực tiếp với các vật có thể là trung gian truyền bệnh: thiết bị mở cửa cá nhân, thanh bấm thang máy, thiết bị giúp xả bồn cầu không có đụng chạm…
Và mỗi ngày, vào xem những người kỹ sư Việt đang hăm hở tìm thêm giải pháp, bàn luận về những sản phẩm có thể cùng sáng tạo, cùng sản xuất để chiến thắng dịch, thấy lạc quan hẳn.