Muôn đời nay, những người làm nông nghiệp ven con sông lớn như Mekong được hưởng dòng nước mát lành, cuồn cuộn phù sa mà không hề biết rằng, chính việc “tích cóp” những hạt phù sa, bùn cát màu mỡ ấy ở lòng sông đã nuôi sống hệ sinh thái nơi đây và giúp họ phần nào thoát khỏi hạn mặn. Nay, nguồn bổ sung ấy đã bị các đập thượng nguồn giữ lại…

Dù đang bước vào mùa mưa, với hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài gây mưa nhiều song mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay cao hay thấp vẫn còn là một câu hỏi khó. Bởi lẽ, lũ ở ĐBSCL chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thượng nguồn, lượng mưa tại chỗ chỉ chiếm phần rất nhỏ. Tình trạng này sẽ ngày càng phức tạp hơn khi “Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong do nằm cuối nguồn và là nước duy nhất trong lưu vực không có đập thủy điện trên dòng chính. Các công trình này sẽ khiến nguồn nước đổ vào Việt Nam ngày càng giảm, kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến gia tăng xâm nhập mặn” – theo cảnh báo của các chuyên gia trong hội thảo “Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mekong” do PanNature tổ chức từ năm 2011.

Mực nước hạ thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân ở vùng ĐBSCL. Nguồn: cand.com.vn
Mực nước hạ thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân ở vùng ĐBSCL. Nguồn: cand.com.vn

Tuy nhiên, cách thức những đập thủy điện thượng nguồn ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào thì ít người rõ bởi “chưa có nhiều nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của các đập thủy điện tới chế độ dòng chảy, phù sa, xâm nhập mặn và xói lở đáy sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”, TS. Đoàn Văn Bình ở trường ĐH Việt Đức cho biết. “Các nghiên cứu của nước ngoài thường chỉ đánh giá tới trạm Kratie ở Campuchia thôi, một số khác thì làm về đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai bằng cách sử dụng các mô hình mô phỏng, chứ ít có đánh giá về quá khứ hay hiện tại”.

Với mong muốn “đóng góp thêm vào những gì còn thiếu”, TS. Đoàn Văn Bình đã chọn hướng nghiên cứu về ảnh hưởng của các đập thủy điện tới dòng chảy sông Cửu Long từ năm 2016 khi làm nghiên cứu sinh ở ĐH Kyoto (Nhật Bản). “Hầu hết lượng nước ở sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn ngoài biên giới, cho nên tôi rất muốn tìm hiểu về vấn đề này. Chúng ta phải biết rõ những gì đang xảy ra thì mới tìm được giải pháp phù hợp”, anh nói.

Hạ thấp dòng chảy vì xói mòn lòng sông

Có nhiều cách để người ta “đo lường” ảnh hưởng của các con đập tới con sông, trong đó “cách tốt nhất là nghiên cứu chế động dòng chảy, bùn cát ở quãng sông phía trước đập - chế độ hoàn toàn tự nhiên, so với quãng phía sau đập như thế nào”, TS. Đoàn Văn Bình cho biết. Theo hướng này, các nhà nghiên cứu sẽ cần đến số liệu về đập (dung tích hồ, độ cao, chế độ vận hành hồ chứa,...) và các số liệu về lưu lượng, mực nước sông, phù sa, hình thái đáy sông,... Tuy nhiên, việc có được các thông số về đập thủy điện của Trung Quốc - một trong những quốc gia xây dựng nhiều đập lớn nhất trên sông Mekong, gần như bất khả thi. “Vấn đề khó nhất khi nghiên cứu ảnh hưởng của các đập tới đồng bằng sông Cửu Long chính là số liệu”, anh nhận xét.

Do vậy, TS. Đoàn Văn Bình và các cộng sự quyết định thay đổi cách tiếp cận, “không thể so vị trí trước và sau đập, mà phải so sánh những thay đổi của sông Cửu Long trong quãng thời gian trước khi xây đập và sau khi xây đập”. Nhóm nghiên cứu đã phân tích lưu lượng và mực nước hàng ngày, hàng tháng, hàng năm dọc theo sông Tiền và sông Hậu - hai nhánh chính của sông Mekong khi chảy qua Việt Nam trong giai đoạn 1980-2018 cùng các dữ liệu về tải lượng phù sa hàng năm, độ sâu của sông và nồng độ mặn hàng ngày. Riêng tải lượng phù sa, nguồn dinh dưỡng cho con sông được xem xét kỹ lưỡng hơn với khoảng thời gian dài hơn - 55 năm (1961-2015).

TS. Đoàn Văn Bình trong chuyến khảo sát dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Ảnh: nvcc
TS. Đoàn Văn Bình trong chuyến khảo sát dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Ảnh: NVCC

Việc thu thập các dữ liệu trong gần nửa thế kỷ vốn không dễ dàng, nhưng là điều cần thiết để có được kết quả đáng tin cậy. “Chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp thống kê nên số liệu càng dày thì càng chính xác. Mốc thời gian bắt đầu từ năm 1980 là vì các đập lớn, đặc biệt là đập Mạn Loan ở phía Trung Quốc vận hành từ những năm 1992, cho nên bắt buộc phải có số liệu trước năm 1992 ít nhất là 10-15 năm thì khi so sánh mới mang tính đại diện”, anh giải thích. Để có được các số liệu này, nhóm nghiên cứu phải tìm kiếm nhiều nguồn khác nhau. Ngoài việc xin hoặc mua về, họ còn trực tiếp khảo sát gần 600km sông Cửu Long trong suốt hơn 1 tháng. “Một điều may mắn là chúng tôi có đủ nhân lực và kinh phí để thực hiện các công việc này – thông qua việc phối hợp với các thầy cô ở trường ĐH Thủy lợi TP HCM và ĐH Việt Đức, cùng tài trợ của ĐH Kyoto và Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản - Việt Nam về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (JASTIP)”, anh cho biết. Dự án cũng đặt 5 máy đo tự động bùn cát và độ mặn ở một số điểm tại Tân Châu, Châu Đốc (An Giang), Mỹ Thuận (Vĩnh Long) và Cần Thơ, dữ liệu sẽ được ghi 30 phút/lần. “Thông thường dữ liệu bùn cát chỉ cần đo 2 lần 1 ngày, chúng tôi đo 30 phút/lần nên bộ số liệu thu được khá chất lượng”, anh cho biết.

Niềm vui của các nhà nghiên cứu khi có được dữ liệu đầu vào tốt đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự lo lắng trước kết quả đầu ra: “Bằng nhiều phương pháp thống kê khác nhau, chúng tôi tính toán thấy lượng bùn cát ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 74,1% so với giai đoạn trước khi có đập (trước năm 1992). Điều đáng chú ý là sáu đập trên dòng chính ở thượng lưu sông Mekong (đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Tiểu Loan, Cảnh Hồng, Công Quả Kiều và Nọa Trác Độ đều của Trung Quốc) đã gây ra gần một nửa sự sụt giảm này (40,2%)”, TS. Đoàn Văn Bình cho biết. Tuy nhiên, đập thủy điện không phải là nguyên nhân duy nhất, hoạt động khai thác cát cũng đóng góp khoảng 14,5%.

Do thiếu bùn cát, đáy sông Cửu Long đã bị xói mòn nhanh chóng. Tỉ lệ xói mòn trung bình hàng năm đã tăng hơn ba lần, từ 0,16m/năm (giai đoạn 1998-2014) lên 0,5m (2014-2017). Đáy sông đã bị hạ thấp đến mức, dù lượng nước tăng nhờ mưa hay đập xả nước, thì mực nước sông Cửu Long vẫn giảm đi. “Vào mùa khô ở giai đoạn sau khi có đập, lưu lượng nước trung bình trong tháng 6 tại Tân Châu (sông Tiền) tăng 2% và Châu Đốc (sông Hậu) tăng 4% nhưng mực nước trung bình vẫn lần lượt giảm 12% và 3%”, TS. Bình cho biết. Nếu không có biện pháp kịp thời, theo dự báo của nhóm nghiên cứu, mức độ xói mòn đáy sông Cửu Long đến năm 2026 có thể tăng 17%.

Đây cũng là tình trạng chung mà một số con sông lớn ở Việt Nam, tiêu biểu là sông Hồng đang phải đối mặt. Trong những năm gần đây, đáy sông Hồng bị hạ thấp, một phần do nạn khai thác cát trộm. Dù không lo hạn mặn như sông Cửu Long nhưng mực nước hạ thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động canh tác nông nghiệp nơi đây: “Vào mùa cạn, các hồ chứa đã xả nước tối đa cho người làm nông đổ ải nhưng vẫn không đạt được mực nước 2,2m như đã quy định”, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải báo cáo trong Phiên họp Hội đồng An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà 2020 tại Bộ KH&CN. Việc khắc phục vấn đề này có thể dẫn đến những bài toán phức tạp và tốn kém của ngành thủy lợi, chẳng hạn như tính toán tối ưu lượng xả nước trên sông đồng thời tiến hành nâng cấp trạm bơm ở ven các con sông.

Liệu có giải pháp?

Việc áp dụng một cách tiếp cân mới và tìm ra những kết quả mới không chỉ làm thay đổi cái nhìn của các nhà nghiên cứu mà sẽ còn tác động đến cộng đồng, trước hết là cộng đồng khoa học. Không dễ thuyết phục họ bởi khi nhóm nghiên cứu gửi kết quả này đến các tạp chí quốc tế, “phản ứng đầu tiên của các nhà bình duyệt là nghi ngờ, vì hầu hết các nghiên cứu từ trước đến nay đều kết luận các đập thủy điện thượng nguồn không ảnh hưởng nhiều đến lượng bùn cát ở sông Mekong”, TS. Đoàn Văn Bình cho biết.

Quá trình giải quyết những câu hỏi của người bình duyệt tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng là cơ hội để anh và các cộng sự củng cố kết quả nghiên cứu. “Họ đặt ra những vấn đề rất hay, chẳng hạn như các đập thủy điện ở thượng nguồn cách xa đồng bằng sông Cửu Long hàng ngàn cây số, nếu chỉ phân tích mỗi vùng này thì không đủ sức thuyết phục. Do vậy, chúng tôi đã phân tích thêm các khu vực phía trên để xem có tương đồng với thay đổi này hay không”, anh kể lại. Kết quả một lần nữa khẳng định các đập thủy điện thượng nguồn là nguyên nhân chính gây suy giảm bùn cát ở sông Mekong nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng: “Lượng phù sa ở tất cả các trạm đo phía hạ lưu các đập thủy điện sông Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) đều giảm đáng kể, tuy nhiên lượng phù sa tại Jiuzhou, thượng nguồn sông Lan Thương lại tăng lên. Điều này cho thấy các đập đã chặn bùn cát lại, chứ không phải do suy giảm nguồn bùn cát ở thượng nguồn sông Mekong”.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong vẫn đang gia tăng, tình hình có lẽ sẽ càng bi đát hơn. Việc nhận diện những gì đang và sẽ xảy ra là bước khởi đầu để TS. Đoàn Văn Bình và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, góp phần tìm ra những “lối thoát” cho tương lai: “Giai đoạn tới chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu giải pháp, chẳng hạn với hiện tượng giảm mực nước dẫn đến tăng hạn mặn và xói lở bờ sông, mỗi vùng cụ thể phải có giải pháp như thế nào, chỗ nào cần giảm khai thác cát, chỗ nào nên ứng dụng các biện pháp ‘thuận thiên’,... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các đập thủy điện thượng nguồn chia sẻ dữ liệu để các quốc gia hạ nguồn có kế hoạch ứng phó, đồng thời nên xả bớt bùn cát. Điều này cũng có lợi cho họ, vì bùn cát lắng đọng nhiều sẽ làm giảm dung tích các hồ chứa”, anh cho biết.