Các nhà khoa học đã lần đầu tiên giải trình tự thành công bộ gen của một nạn nhân của thảm họa phun trào núi lửa Vesuvius trên thành phố cổ đại Pompeii, làm sáng tỏ thêm về sức khỏe và sự đa dạng của những người sống trong đế chế La Mã vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm thứ Năm, một nhóm nghiên cứu do Gabriele Scorrano, giáo sư địa chất học tại Đại học Copenhagen dẫn đầu, đã trích xuất DNA từ hai nạn nhân, một người đàn ông và một phụ nữ, tìm thấy trong Ngôi nhà của người thợ thủ công ở Pompeii - một dinh thự được khai quật lần đầu tiên vào năm 1914.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Mặc dù các chuyên gia đã giải mã trình tự DNA của cả hai nạn nhân, nhưng họ chỉ có thể giải trình tự toàn bộ bộ gen từ hài cốt của người đàn ông do trình tự thu được từ người phụ nữ có nhiều khoảng trống.

Trước khi có nghiên cứu này, chỉ những đoạn ngắn DNA ty thể từ hài cốt người và động vật được tìm thấy ở Pompeii đã được giải trình tự.

Người đàn ông ở độ tuổi từ 35 đến 40 khi bị giết trong trận phun trào dữ dội của núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên. So sánh DNA của anh ấy với mã di truyền thu được từ 1.030 người cổ đại, cũng như 471 cá thể Âu-Á hiện đại ở phương tây, cho thấy DNA của anh ấy có nhiều điểm tương đồng nhất với những người hiện đại từ miền trung nước Ý và những người sống trong thời kỳ La Mã cổ đại. Phân tích DNA ty thể và nhiễm sắc thể Y cũng xác định được ở người đàn ông này các nhóm gen thường được tìm thấy ở Sardinia, nhưng không phải ở những người sống ở Ý trong thời đế quốc, cho thấy có thể có mức độ đa dạng di truyền cao trên bán đảo Ý vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Phân tích sâu hơn về bộ xương của người đàn ông cũng xác định các tổn thương ở một trong các đốt sống và trình tự DNA cho thấy anh ta có thể đã mắc bệnh lao trước khi chết.

Bộ xương còn lại trong nghiên cứu là một phụ nữ trên 50 tuổi và được cho là đã bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm xương khớp.

"Đây có thể là lí do họ ngồi trong nhà chờ đợi thảm họa, thay vì trốn chạy như các nạn nhân khác đã được tìm thấy ở các không gian mở," Serena Viva, nhà nhân chủng học tại Đại học ở Salento, người trong nhóm nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học suy đoán có thể khôi phục thành công DNA cổ đại từ hài cốt của con người vì các vật liệu pyroclastic được giải phóng trong quá trình phun trào có thể bảo vệ hài cốt khỏi các yếu tố môi trường làm suy giảm DNA, chẳng hạn như oxy trong khí quyển.

Tàn tích Pompeii được phát hiện vào thế kỷ 16, với cuộc khai quật đầu tiên bắt đầu vào năm 1748. Khoảng 1.500 trong số 2.000 nạn nhân ước tính đã được tìm thấy qua nhiều thế kỷ. Cuộc khai quật vào năm 2020 phát hiện một biệt thự ở vùng ngoại ô của thành phố cổ đại, trong đó có hài cốt của hai người đàn ông, được cho là chủ nhân và một nô lệ.

Các nhà khoa học cho biết phát hiện này khẳng định khả năng lấy lại DNA cổ đại từ các nạn nhân khác của Pompeii để cung cấp thêm thông tin chi tiết về lịch sử di truyền của họ.

Viva nói: “Trong tương lai, nhiều bộ gen khác từ Pompeii có thể được nghiên cứu. Các nạn nhân của Pompeii đã trải qua một thảm họa thiên nhiên. Nghiên cứu này xác nhận rằng công nghệ mới về phân tích gen cho phép chúng tôi giải trình tự các bộ gen trên vật liệu bị hư hỏng."

Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/may/26/pompeii-victim-genome-successfully-sequenced-first-time