Nguồn gốc virus, các đột biến liên quan và cách phòng dịch là các câu hỏi mà giói nghiên cứu đang tìm cách trả lời.
Đã ba tuần kể từ khi trường hợp mắc bệnh đậu khỉ đầu tiên được ghi nhận ở Vương quốc Anh. Kể từ đó, hơn
400 trường hợp được xác nhận hoặc nghi nhiễm đã xuất hiện ở ít nhất 20 quốc gia không phải châu Phi. Đây là đợt bùng phát bệnh đậu khỉ ngoài châu Phi lớn chưa từng có.
Dưới đây là các câu hỏi quan trọng nhất về đợt bùng phát dịch bệnh này, theo tổng hợp của trang tin Nature.
Virus đậu khỉ là một loại virus DNA sợi đôi, lây nhiễm vào các tế bào và sau đó nhân lên bên trong tế bào chất của chúng.
Dịch bắt đầu bùng phát như thế nào?
Các nhà nghiên cứu đã giải trình tự bộ gen virus thu được từ bệnh nhân ở Bỉ, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Mỹ. Kết quả đáng lưu ý nhất cho đến nay là các trình tự thu được gần giống với một chủng virus đậu khỉ ở Tây Phi. Chủng này ít gây chết người hơn so với chủng virus đậu khỉ ở Trung Phi, có tỷ lệ tử vong dưới 1% ở những người nghèo vùng nông thôn. (Chủng virus đậu khỉ ở Trung Phi có tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10%.)
Đã có một số manh mối về cách dịch bùng phát. Các trình tự virus thu được cho đến nay gần như giống hệt nhau, cho thấy rằng các đợt bùng phát bên ngoài châu Phi đều có thể đã bắt nguồn từ một trường hợp duy nhất.
Ngoài việc giống nhau, các trình tự thu được đều giống với trình tự virus từ một loạt các ca bệnh đậu khỉ vào năm 2018 và 2019 do du lịch đến Tây Phi. Như vậy, có thể bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát lần này cũng đã nhiễm bệnh khi đến Tây Phi và tiếp xúc với động vật hoặc người mang virus ở đó.
Ngoài ra, cũng có thể virus đã lưu hành ở người hoặc động vật bên ngoài châu Phi, nhưng không bị phát hiện, từ sau các đợt bùng phát trước đây. Tuy nhiên, giả thuyết này ít có khả năng xảy ra hơn vì virus đậu khỉ thường gây ra các tổn thương dễ thấy trên cơ thể người.
Virus đậu khỉ đã đột biến để gây ra đợt bùng phát mới?
Rất khó để biết liệu có một biến đổi di truyền nào đã làm nền tảng cho đợt lây lan ngoài châu Phi này hay không. Ngay cả với hai chủng virus đậu khỉ đã biết, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác gen nào chịu trách nhiệm cho độc lực cao hơn và khả năng lây truyền của chủng trung Phi so với chủng Tây Phi, mặc dù đã biết hai chủng này có sự khác biệt từ 17 năm nay.
Nguyên nhân là bộ gen virus đậu khỉ rất lớn so với bộ gen của nhiều loại virus khác - lớn gấp 6 lần bộ gen của SARS-CoV-2. Có nghĩa là virus này khó phân tích hơn ít nhất sáu lần. Trong khi đó, có rất ít nguồn lực dành cho việc giám sát bộ gen virus đậu khỉ ở châu Phi. Vì vậy, các nhà nghiên cứu có rất ít trình tự gen virus đậu khỉ để đem ra so sánh với trình tự của virus đậu khỉ đang bùng phát và tìm ra các điểm khác biệt.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria cho biết nhiều nhà khoa học châu Phi tỏ ra bức xúc vì rất khó kêu gọi tài trợ và xuất bản các nghiên cứu về bệnh đậu khỉ trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ đến bây giờ, khi virus lan ra ngoài châu Phi, các cơ quan chức năng trên toàn thế giới mới có vẻ quan tâm hơn.
Để hiểu cách thức tiến hóa của virus, việc giải mã trình tự virus ở động vật cũng rất hữu ích. Virus này đã được biết là lây nhiễm sang động vật - chủ yếu là các loài gặm nhấm như sóc và chuột - nhưng các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra ổ chứa virus trong quần thể động vật ở các khu vực bị ảnh hưởng của châu Phi.
Có thể kiềm chế các đợt bùng phát không?
Một số quốc gia đã bắt đầu mua sắm vaccine đậu mùa bởi nó có thể bảo vệ con người khỏi bệnh đậu khỉ nếu tiêm trong vòng bốn ngày kể từ khi tiếp xúc. Một số quốc gia đang chuẩn bị sẵn sàng thực hiện "chủng ngừa khoanh vùng" cho những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đậu khỉ.
Mỹ có kế hoạch tiêm vaccine đậu mùa cho một số nhân viên y tế đang điều trị cho những người nhiễm bệnh. Một số nhà nghiên cứu cho biết cũng có thể cân nhắc tiêm chủng cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, ngoài nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh.
Nếu có thể kiềm chế được bệnh đậu mùa ở người trong đợt bùng phát này, còn một nguy cơ khác là virus lây lan ở động vật. Nếu virus hình thành ổ chứa trong quần thể động vật, có nguy cơ lây nhiễm trở lại sang người. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu đã chỉ ra khả năng này, nhưng cho rằng xác suất xảy ra là "rất thấp".
Mặc dù rủi ro là thấp, vẫn cần có các biện pháp phòng ngừa. Nếu xuất hiện ổ chứa virus ở động vật thì sẽ khó nhận biết cho đến khi quá muộn, bởi vì động vật bị nhiễm đậu khỉ thường không biểu hiện các triệu chứng dễ thấy như ở người. Do đó, các quan chức y tế châu Âu đặc biệt khuyến cáo nên cách ly và theo dõi trong cơ sở y tế các vật nuôi thuộc loài gặm nhấm như chuột đồng và chuột lang do những người đã được xác nhận mắc bệnh đậu khỉ nuôi.
Nguồn: