GS.TS. Trần Thị Lý hiện đang là giảng viên tại Khoa Giáo dục, Đại học Deakin, Úc và là Nhà nghiên cứu Tiềm năng (Future Fellow) tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc. Hướng nghiên cứu của chị tập trung vào quốc tế hoá giáo dục, sinh viên quốc tế, sự dịch chuyển của sinh viên (đặc biệt là nhóm sinh viên Ấn Độ - Thái Bình Dương), việc làm của sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp và giáo dục đại học Việt Nam.
Những dự án nghiên cứu xuyên quốc gia
Theo báo cáo của Mạng lưới các nhà nghiên cứu Khoa học Xã hội Việt Nam
năm 2019, GS. Lý là tác giả nữ có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất (dựa
trên dữ liệu Scopus). Hồ sơ công bố của GS. Lý đặc biệt nổi bật với các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia. Trong 20 năm công tác, chị đã hợp tác với hơn 70 học giả và các nhà nghiên cứu Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Mỹ, Anh và Hà Lan trong các dự án nghiên cứu, xin tài trợ, hợp tác xuất bản và hợp tác trình bày tại các hội thảo quốc tế. Một trong những dự án hợp tác này là Exploring Hybrid Universities in East Asia (tạm dịch: Khám phá các trường đại học hỗn hợp tại Đông Nam Á).
GS.TS Trần Thị Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Cái tên Trần Thị Lý không chỉ xuất hiện trên những tạp chí khoa học hàng đầu như Journal of Studies in International Education, Higher Education, mà còn lan toả tới cả các nền tảng truyền thông khoa học hàng đầu như
University World News, The Conversation, Times Higher Education, góp phần giới thiệu các kết quả nghiên cứu tới công chúng. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài viết trên
The Conversation về tình trạng khó khăn của sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp và ở lại Úc theo diện visa tạm thời trong đại dịch COVID-19. Bài viết đã thu hút hơn 210.000 lượt đọc và là một trong những phân tích đầu tiên về cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo mà nhóm sinh viên này phải đối mặt.
Với cơ sở nghiên cứu và lý thuyết vững chắc của mình, chị đã tích cực ứng dụng những hiểu biết đó vào việc cung cấp các cố vấn chính sách cho chính phủ và các tổ chức về các chiếc lược thúc đẩy sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế và giáo dục quốc tế. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề, hỗ trợ họ trên con đường sự nghiệp giáo dục quốc tế.
Hướng về Việt Nam Mặc dù công tác chính tại Úc, nhưng những nỗ lực to lớn của GS.TS. Trần Thị Lý trong hợp tác quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học luôn có phần nhiều hướng về Việt Nam. Hiện tại, chị đang thực hiện hai dự án do chính phủ Úc tài trợ liên quan đến Việt Nam. Trong đó, một dự án tập trung vào phân tích tác động của hiện tượng thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Úc ở Việt Nam, Nhật và Trung Quốc qua chương trình New Colombo Plan, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế hóa giáo dục, trao đổi sinh viên, kinh tế và ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Úc. Dự án thứ hai tập trung vào nghiên cứu nhu cầu đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, dựa trên cơ sở này cung cấp các khuyến nghị và giải pháp hỗ trợ sinh viên ở các trường đại học khu vực này nâng cao năng lực tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Cộng tác học thuật luôn đóng vai trò trung tâm trong sự nghiệp của GS. Lý. Khi được hỏi về tầm quan trọng của việc này, chị chia sẻ: “Thúc đẩy kết nối tri thức và nghiên cứu xuyên quốc gia cũng như bồi dưỡng năng lực nghiên cứu xuyên quốc gia cho các nghiên cứu sinh và nhà khoa học trẻ là một phần quan trọng trong công việc của mình. Cộng tác học thuật xuyên quốc gia thường mở ra cơ hội để nuôi dưỡng năng lực nghiên cứu cho cán bộ nghiên cứu trẻ, tuần hoàn chất xám, bồi đắp ý tưởng đột phá trong nghiên cứu khoa học và sự hợp tác liên ngành (ví dụ ngành giáo dục và chính trị hay y tế cộng đồng), liên bộ (ví dụ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại giao). Cộng tác học thuật không chỉ tạo ra sự kết nối của cá nhân với cá nhân hay cá nhân với đất nước mà là nền tảng tiềm năng cho sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các nền kinh tế và các quốc gia.”