PGS.TS. Trần Xuân Bách, Trường Đại học Y Hà Nội, vừa vinh dự trở thành một trong hai học giả nhận Giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu (Shining Star Achievement in Research Award) ở lần trao giải đầu tiên.

Năm nay, Giải thưởng Kết nối Toàn cầu Noam Chomskytrao 1 Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu Trọn đời; 2 Giải thưởng Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu; và 2 Chứng nhận Học giả Ngôi sao Mới nổi.

Trong đó, Giải thưởng Ngôi sao Toả sáng công nhận những đóng góp học thuật xuyên quốc gia có sức ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực. Đóng góp này có thể là bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế, sách, chương sách hoặc các dạng thức cộng tác học thuật khác.


Không chỉ có những thành tích cá nhân nổi bật, PGS.TS Trần Xuân Bách còn là một thành viên tích cực của các mạng lưới kết nối tri thức trong nước lẫn thế giới.Nguồn: EdLab Asia

PGS.TS. Trần Xuân Bách vinh dự là một trong hai học giả được trao giải thưởng ở hạng mục Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong Nghiên cứu 2020. Học giả thứ 2 nhận giải thưởng này là PGS. TS Trần Thị Lý (Khoa Giáo dục, Đại học Deakin, Úc).

PGS.TS. Trần Xuân Bách hiện là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 2019, anh được bổ nhiệm Giáo sư (kiêm nhiệm) tại Đại học John Hopkins. Tính đến nay, anh đã có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, bao gồm The Lancet, Bulletin of the World Health Organization, JMIR, AIDS and Behaviors,... Đồng thời, anh tham gia phát triển nhiều mạng lưới nghiên cứu các vấn đề sức khỏe toàn cầu và chính sách kiểm soát bệnh tật.

Không chỉ có những thành tích cá nhân nổi bật, PGS. Trần Xuân Bách còn là một thành viên tích cực của các mạng lưới kết nối tri thức trong nước lẫn thế giới.


PGS.TS Trần Xuân Báchđảm nhận vai trò Tổng thư ký của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu từ năm 2018. Nguồn: EdLab Asia

Năm 2018, anh được bầu làm thành viên của Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy), một mạng lưới kết nối các nhà khoa học trẻ nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, khuyến khích, hỗ trợ người trẻ làm khoa học, đặc biệt là người trẻ đến từ các quốc gia đang phát triển. Cũng trong năm này, anh đảm nhận vai trò Tổng thư ký của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đây là mạng lưới kết nối, tạo cơ hội cho các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước cùng chung tay đóng góp các sáng kiến phục vụ đất nước. Thông qua mạng lưới, hàng chục nhóm nghiên cứu đã được thành lập; hàng trăm đề xuất, sáng kiến đã được mạng lưới làm cầu nối giới thiệu tới các nhà lãnh đạo quốc gia.

Trong buổi lễ ra mắt Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2018, PGS. TS. Trần Xuân Bách đã phát biểu: “...mỗi trí thức trẻ đều mang một sứ mệnh đi tiên phong, là đại sứ của tinh thần thanh niên xung kích trong khoa học và công nghệ, để lan tỏa, mở rộng đội hình, nuôi dưỡng, bồi đắp các ý tưởng, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, cộng hưởng để phát triển.”

Việc nhận giải thưởng Ngôi sao Tỏa sáng vừa là một sự ghi nhận quốc tế về những đóng góp của PGS. Trần Xuân Bách trong nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, vừa là một bước tiến để anh tiếp tục thực hiện “sứ mệnh đi tiên phong” trong lan toả tinh thần kết nối, hợp tác để cùng nhau phát triển của mình cho trí thức trẻ trong nước lẫn trên toàn thế giới.

Giải thưởng thúc đẩy nghiên cứu xuyên quốc gia

Noam Chomsky là một trong những học giả lớn, được coi là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại và là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất còn sống. Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách về ngôn ngữ học, chính trị, chiến tranh, truyền thông đại chúng, trong đó những tác phẩm có ảnh hưởng lớn như “Manufacturing Consent”, “Language and Mind”, “Requiem for the American Dream”.

Không những là một tác giả có những đóng góp học thuật nổi bật, Noam Chomsky còn được biết đến như một trong những trí thức tiêu biểu dấn thân phụng sự xã hội. Những năm 1960, ông là một học giả tích cực tham gia vận động phản đối chiến tranh Việt Nam. Ông từng gặp nhiều cấm cản vì các hoạt động chỉ trích tổng thống Richard Nixon, nổi bật là bài luận “Trách nhiệm của trí thức” (The responsibility of intellectuals) năm 1967. Năm 1970, Noam Chomsky đã có chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi nhận được vô số lời mời từ Hà Nội.

Trong chuyến thăm này, ông đã gặp gỡ các lãnh đạo chính trị, người dân, tham gia trò chuyện và thảo luận về các vấn đề khoa học với các nhà khoa học Việt Nam, và được mời đứng giảng một buổi tại Đại học Bách khoa Hà Nội về các nghiên cứu ông đang thực hiện trong lĩnh vực ngôn ngữ học.

Sau những trải nghiệm ở Hà Nội, Chomsky đã vô cùng ấn tượng với giới khoa học Việt Nam trước những khao khát tri thức của họ giữa tình cảnh chiến tranh. Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở M.I.T sau chuyến đi, Chomsky đã nói rằng: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và hứng thú với việc những người ở trường đại học không muốn nói về cuộc chiến tranh, họ muốn nói về khoa học.” Ông cũng đánh giá cao những công trình của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực toán học và ngôn ngữ học, và cảm phục vì trong bối cảnh thiếu thốn về nguồn lực và những tiếp cận với các tài liệu mới nhất trên thế giới, các nhà khoa học Việt Nam vẫn có thể thực hiện các nghiên cứu với tài liệu còn thô sơ nhưng phương pháp thì vô cùng hiện đại.

Trước những đóng góp học thuật và xã hội to lớn của Noam Chomsky, đầu tháng 10 năm nay, Mạng lưới STAR Scholars đã ngỏ lời xin phép sử dụng tên ông để thành lập Giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky (A. Noam Chomsky Global Connections Award) nhằm tôn vinh sức mạnh kết nối con người và vinh danh những cá nhân có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia.

Lễ công bố Giải thưởng lần đầu tiên diễn ra trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị STAR 2020 tại Đại học Mở Nepal, Kathmandu, vào lúc 7 giờ sáng ngày 9/12, theo giờ Việt Nam, cùng với việc chúc mừng sinh nhật GS. Noam Chomsky và vinh danh những cống hiến của ông.

Mạng lưới STAR Scholars - trong đó STAR là viết tắt của The Society of Transnational Academic Researchers (Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm xuyên quốc gia) - là một diễn đàn quốc tế của các học giả cam kết thúc đẩy các nghiên cứu xuyên quốc gia, các nghiên cứu hợp tác giữa các học giả đến từ hai nước khác nhau trở lên (ví dụ: thông qua việc có công bố khoa học chung, hay có quan hệ đối tác nghiên cứu,…). Được thành lập vào tháng 1/2016, đến nay đội ngũ lãnh đạo của Mạng lưới gồm 15 người, chủ yếu là các học giả Mỹ; ngoài ra, còn có 9 đại diện (Country Director và Country Associate Director) ở Nhật, Nam Phi, Bangladesh, Tây Ban Nha, Việt Nam, Ấn Độ, Úc, Ghana.

Hằng năm, Mạng lưới STAR Scholars đều tổ chức một hội nghị thường niên tại một quốc gia khác nhau trên thế giới.