Mới đây, GS Noam Chomsky đã cho phép Mạng lưới STAR Scholars thành lập Giải thưởng Kết nối Toàn cầu mang tên ông nhằm tôn vinh sức mạnh của việc kết nối con người.


A. Noam Chomsky (1928) là nhà ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận chính trị, và nhà hoạt động người Mỹ. Ông hiện là giáo sư danh dự hồi hưu ở Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: Mạng lưới STAR Scholars.
A. Noam Chomsky (1928) là nhà ngôn ngữ học, nhà triết học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận chính trị, và nhà hoạt động người Mỹ. Ông hiện là giáo sư danh dự hồi hưu ở Viện Công nghệ Massachusetts. Ảnh: Mạng lưới STAR Scholars.


Các ứng viên cho Giải thưởng Kết nối Toàn cầu A. Noam Chomsky (A. Noam Chomsky Global Connections Award) được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới và dành cho cá nhân ở mọi lĩnh vực.

Giải thưởng sẽ trao giải lần đầu tại Hội thảo Thường niên 2020 của Mạng lưới STAR Scholars, diễn ra vào ngày mùng 8/12/2020 tại Trường ĐH Mở Nepal ở Kathmandu. Giáo sư Chomsky sẽ có bài phát biểu trong buổi lễ bế mạc hội thảo.

Có 3 hạng mục trao giải như sau:

Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu Trọn đời (North Star Medal of Lifetime Achievement): Là sự công nhận của Mạng lưới Star Scholars dành cho những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu xuyên quốc gia; vinh danh những học giả có những cống hiến, tiên phong và đóng góp suốt đời, đóng vai trò như một “ngôi sao Bắc Đẩu” dẫn đường cho cộng tác học thuật trong nghiên cứu.

Điều kiện đề cử ở hạng mục này là ứng viên phải chứng minh được lịch sử làm công tác lãnh đạo giáo dục kéo dài tối thiểu 15 năm, thể hiện thông qua các công việc giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn khoa học. Ngoài ra, ứng viên phải có một hồ sơ xuất bản sâu rộng, thể hiện được sự cam kết lâu dài trong việc thúc đẩy kết nối nghiên cứu xuyên quốc gia giữa các học giả trên khắp thế giới.

Giải thưởng Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu (Shining Star Achievement in Research Award): Công nhận những đóng góp học thuật có ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực, đóng góp này có thể là bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế, sách, chương sách hoặc các dạng thức cộng tác học thuật khác. Mỗi năm, Mạng lưới Star Scholars vinh danh tối đa 2 thành tựu nghiên cứu xuyên quốc gia tiêu biểu.

Chứng nhận Học giả Ngôi sao mới nổi (Rising Star Emerging Scholar Certificate): Mỗi năm, Mạng lưới Star Scholars công nhận tối đa 2 học giả tiềm năng có những cam kết đáng kể với việc nghiên cứu xuyên quốc gia. Một giải thưởng sẽ được trao cho một học giả (đã hoàn thành bậc học cuối cùng) ở bất kỳ lĩnh vực mà thể hiện được tiềm năng dẫn đầu của mình trong việc thúc đẩy nghiên cứu xuyên quốc gia. Giải thưởng còn lại sẽ được trao cho một học viên sau đại học, thể hiện được những tiềm năng hứa hẹn trong việc thúc đẩy các nghiên cứu xuyên quốc gia thông qua công bố khoa học, lãnh đạo hoặc các đóng góp liên quan khác.

Điều kiện đề cử bao gồm thời gian kể từ khi ứng viên hoàn thành bậc học cuối cùng cho tới hiện tại ít hơn 5 năm; và ứng viên phải chứng minh được tiềm năng học thuật và sự cam kết với nghiên cứu xuyên quốc gia thông qua các bằng chứng về công việc giảng dạy, nghiên cứu, và/hoặc hướng dẫn khoa học.

Đề cử và tự đề cử

Mọi thành viên của Mạng lưới Star Scholars đều được mời gửi đề cử (những người quan tâm có thể đăng ký làm thành viên của Mạng lưới STAR Scholars theo hướng dẫn tại đây). Việc tự đề cử cũng được chấp nhận, tuy vậy, cá nhân tự đề cử phải chứng minh được tư cách thành viên của mạng lưới. Các ứng viên có thể trình bày các công bố thuộc mọi lĩnh vực và ngôn ngữ, nhưng phải thể hiện được sự cam kết với việc thúc đẩy nghiên cứu xuyên quốc gia.

Mọi đề cử phải bao gồm những thông tin sau:

1. Thông tin của người đề cử (bao gồm: tên, email, số điện thoại, chức danh, nơi công tác).

2. Thông tin của ứng viên (bao gồm: tên, email, số điện thoại, chức danh, nơi công tác).

3. Nêu rõ hạng mục giải thưởng muốn tham dự.

4. Một bản tường thuật ngắn gọn (dưới 250 chữ) mô tả sự cam kết của (các) ứng viên đối với nghiên cứu xuyên quốc gia.

5. Một mô tả ngắn gọn (dưới 500 chữ) về các đóng góp của (các) ứng viên đối với nghiên cứu xuyên quốc gia và lý do họ xứng đáng nhận Giải thưởng Kết nối Toàn cầu.

6. Bản đề cử có thể đính kèm tối đa 5 tập tin (không bắt buộc), trong đó có: Sơ yếu lý lịch của (các) ứng viên); Thư đề cử; Một ví đụ về các đóng góp của (các) ứng viên; Bất kỳ tài liệu bổ sung nào có thể thể hiện được sự cam kết của ứng viên đối với nghiên cứu xuyên quốc gia.

7. Đề cử cho Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu Trọn đời phải bao gồm một thư làm nổi bật được sự nghiệp của ứng viên và những đóng góp cho nghiên cứu xuyên quốc gia.

Mỗi năm, Mạng lưới Star Scholars bổ nhiệm một Ủy ban Tuyển chọn Giải thưởng để giám sát các hạng mục giải thưởng, quá trình đề cử, tiêu chí nộp đơn và tuyển chọn trao giải.

Thời hạn nhận đề cử cho năm nay là 04:00 (theo giờ Việt Nam) ngày 30/10/2020. Nộp trực tuyến đơn đề cử và tập đính kèm tại đây.

Mạng lưới STAR Scholars - trong đó STAR là viết tắt của The Society of Transnational Academic Researchers (Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm xuyên quốc gia) - là một diễn đàn quốc tế của các học giả cam kết thúc đẩy các nghiên cứu xuyên quốc gia, các nghiên cứu hợp tác giữa các học giả đến từ hai nước khác nhau trở lên (ví dụ: thông qua việc có công bố khoa học chung, hay có quan hệ đối tác nghiên cứu,…). Được thành lập vào tháng 1/2016, đến nay đội ngũ lãnh đạo của Mạng lưới gồm 15 người, chủ yếu là các học giả Mỹ; ngoài ra, còn có 9 đại diện (Country Director và Country Associate Director) ở Nhật, Nam Phi, Bangladesh, Tây Ban Nha, Việt Nam, Ấn Độ, Úc, Ghana.

Tham khảo:

Edlab Asia