Văn hóa vỉa hè mang dấu ấn từng gia đình và xã hội rất rõ. Cho dù vỉa hè của chúng ta xuất hiện từ thời Pháp thuộc, nhưng văn hóa vỉa hè của Việt Nam rất khác với Pháp và các nước khác.

 GS-TS Lê Hồng Lý - Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian.

Văn hóa vỉa hè mang dấu ấn từng gia đình và xã hội rất rõ. Cho dù vỉa hè của chúng ta xuất hiện từ thời Pháp thuộc, nhưng văn hóa vỉa hè của Việt Nam rất khác với Pháp và các nước khác.

Có thể so sánh với Đông Âu. Sau năm 1991, người dân ở đây rất hoang mang về kinh tế khi thời kỳ bao cấp chấm dứt. Hồi đó, người Việt ở Đông Âu rất thông thạo và năng động trong việc sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán mưu sinh.


Họ cho biết dân bản xứ thời kỳ này hầu như không biết gì về việc tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán. Việt Nam cũng từng trải qua thời kỳ bao cấp nhưng ngay trong giai đoạn đó, người dân đã rất thành thạo về thị trường và vỉa hè từ trước đến nay vẫn là nơi mà người mua và người bán tìm đến để kết nối, giao dịch với nhau.

Nói thêm về văn hóa vỉa hè, nếu quan sát kỹ sẽ thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa Hà Nội và TPHCM, giữa miền Nam và miền Bắc. Cũng đều thích ngồi quán sá vỉa hè nhưng người miền Bắc thường ngồi quây cụm lại, quay mặt vào nhau trò chuyện, còn người miền Nam thường cùng quay mặt nhìn ra đường.