Đáng lẽ câu chuyện của ông với Việt Nam có thể kết thúc khi ông nhận quyết định nghỉ hưu của Đại học Paris V năm 1998, và kết thúc nhiệm vụ của trong Chương trình châu Âu - Việt Nam vào năm 2004.
Tuy nhiên, như ông kể, “năm 2005 tôi đã đến Việt Nam một lần nữa, lần đầu tiên như một du khách, và tôi đã đến thăm người bạn cũ Hoàng Thủy Nguyên, khi đó đã thôi chức giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ và nghỉ hưu. Ông nói với tôi rằng một trường đại học y tế nhỏ của khu vực Đông Bắc Việt Nam đó là Đại học Thái Bình muốn được giúp đỡ về giảng dạy y tế công cộng, để làm cơ sở cho việc nâng cấp ngành Y tế công cộng của Việt Nam.
Ở Việt Nam, chương trình đào tạo y tế bao gồm hầu hết các khóa học về các chủ đề của Y tế cộng đồng, điều đó rất hợp lý vì các bác sĩ ở nông thôn hoặc ở các thành phố nhỏ cũng phải làm rất nhiều việc của Y tế cộng đồng, chẳng hạn như quản lý một trạm y tế thôn bản, thúc đẩy giáo dục sức khoẻ, các hoạt động phòng bệnh bao gồm hoạt động vệ sinh thông thường, cùng các nhiệm vụ khác nữa. Song nội dung của các khóa học này chất lượng rất kém, trình độ giáo viên của các trường còn kém hơn. Các giảng viên áp dụng cách đọc thành lời các tài liệu viết sẵn mà không bao giờ suy nghĩ về nó.
GS Klaus Krickeberg với chương trình Dịch tễ học cho VN, 2009.
Vì vậy để thực hiện công việc này, ông đã kết hợp với Đại học Bielefeld, và một viện y tế của Lào thực hiện một chương trình trong 10 năm, với trọng tâm là:
- Cải thiện việc giảng dạy ngành Y tế công cộng, và nâng cao mặt bằng khoa học của giảng viên.
- Biên soạn và xuất bản Tủ sách “Giáo khoa cơ bản về Y tế công cộng” để làm những tài liệu quan trọng cho giảng viên.
Ông đã thực hiện một chương trình nhằm nâng cấp ngành Y tế công cộng với hai nội dung chính:
Ông đã tổ chức hội thảo hằng năm về những vấn đề của Việt Nam với các báo cáo khoa học, và các phiên thảo luận về nhiều khía cạnh trong Y tế công cộng, và thăm thực địa, thảo luận về một số chủ đề, như về cấu trúc của một bài giảng, phân tích đánh giá các giáo trình sẵn có và cùng với các giảng viên Việt Nam viết bài mới về nhiều chủ đề.
Trong giáo trình mới, các ví dụ, ứng dụng và nghiên cứu tình huống chủ yếu được lấy từ hệ thống y tế Việt Nam; các tình huống của nước ngoài đều được so sánh với những tình huống tương tự của Việt Nam. Tất cả các cuốn sách đều được viết dạng song ngữ riêng rẽ thành hai bản tiếng Việt và tiếng Anh, được in trong cùng một quyển, nếu có thể.
Để tạo một kênh cho tất cả các cuốn sách này và để cho thấy rõ ràng chúng tạo thành một khối tài liệu thống nhất, ông đã lập một bộ sách trong Nhà xuất bản Y học Hà Nội, được gọi là “Tài liệu (Tủ sách) giáo khoa cơ bản trong y tế cộng đồng”, do ông và hai đồng nghiệp Phan Vũ Diễm Hằng và Nguyễn Văn Sơn làm chủ biên.
Quyển đầu tiên của ông và hai các cộng tác viên Phạm Thị Mỹ Hạnh và Phạm Văn Trọng được xuất bản riêng thành hai bản tiếng Việt, là Dịch tễ học – Chìa khóa của dự phòng, và bản tiếng Anh “Epidemiology- Key to Prevention”, được xuất bản tại NXB Springer, New York, trong bộ “Thống kê trong Sinh học và Y tế” mà ông đã lập ra từ nhiều thập kỷ trước.
Đến nay, Tủ sách về Y tế công cộng này đã có tất cả sáu quyển: Dịch tễ học – Chìa khóa của dự phòng, Giáo dục sức khỏe, Khoa học dân số và y tế công cộng, Toán học và thống kê trong khoa học y tế, Sức khỏe môi trường - Các nguyên lý cơ bản. Chuẩn bị: Dinh dưỡng – Cái nhìn từ Dịch tễ học. Đây sẽ là một tủ sách giáo khoa quan trọng, được viết rất khoa học, hiện đại, vừa có tính hàn lâm, vừa có tính ứng dụng, để phục vụ cho giáo dục, nghiên cứu và thực hành trong tương lai. Không thể có ngành y tế công cộng hiện đại, nếu không có một tủ sách giáo khoa hiện đại như thế.
Trong các hoạt động này, ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò của toán học và tư duy chặt chẽ của nó:
- Toán học có vai trò thiết yếu trong hầu hết các thành phần của Y tế công cộng, bắt đầu từ các yếu tố cơ bản nhất và không thể thiếu của Y tế cộng đồng như được giảng dạy cho sinh viên y khoa bình thường.
- Tư duy chặt chẽ và sáng sủa theo phương pháp toán học là không thể thiếu để cải thiện hiệu quả giảng dạy và thực hành Y tế cộng đồng.
- Các nhà toán học cần phải được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong Hệ thống y tế.
- Các nhà quản lý y tế, giảng viên đại học y, cán bộ ngành y tế và nghiên cứu y học nói chung nhất thiết phải nhận thức rõ ràng về vai trò của toán học trong Y tế cộng đồng. Điều đó đã trở thành phổ biến ở nhiều nước nhưng chưa được quán triệt tại Việt Nam.
“Tham vọng” của GS Krickeberg là đưa ngành Y tế công cộng Việt Nam, về nhân sự, cấu trúc, trình độ khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy, tính chuyên nghiệp, năng lực ứng dụng toán học, óc tổ chức, sự vận hành bộ máy, lên mặt bằng thế giới, hay tương đương, và nâng vị thế của y tế công cộng trong ý thức của cộng đồng khoa học và dân chúng, cũng như cải thiện vị thế và điều kiện làm việc của các giảng viên.
Những người Việt công tác với ông đều rất trân quý ông, xem ông còn hơn là một người bạn của Việt Nam. Trong những năm 1980, lúc ông làm việc tại Viện Vệ sinh và Dịch tễ ở Hà Nội, một trợ lý của giám đốc, khi cùng gửi xe đạp với ông trong Viện vào một buổi sáng, đã buột miệng thốt lên với ông: “Ki-kơ-rơ-béc là người Việt Nam”. Câu nói này bộc lộ đúng tình cảm mà các cộng tác viên đã dành cho ông.
GS Klaus Krickeberg rất yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Căn hộ của ông tại Paris được trang trí với bàn ghế bằng mây tre mang từ Việt Nam. Ông thích một cuộc sống đơn giản, thích lịch sử phong phú của Việt Nam; hay tìm đến những nơi vắng vẻ trong những ngày nghỉ ở Việt Nam. Ông luôn luôn có sự thông cảm và kiên nhẫn với Việt Nam. Xét ở một số khía cạnh nào đó, có thể nói “Ông còn Việt Nam hơn cả nhiều người Việt Nam trong chúng ta”.
Trong một buổi trò chuyện, ông đã bày tỏ lo lắng cho sự phát triển của Việt Nam. Ông nói: “Điều tôi không thích ở Việt Nam hôm nay chính là những cái “không− Việt Nam” (un-vietnamese) đang lan tràn khắp nơi, sự thắng thế của tâm lý buôn bán, sự phá hỏng cảnh quan, sự phô trương giàu có, sự bắt chước những cái kiểu Mỹ gớm ghiếc, cách ăn uống không lành mạnh, quá nhiều tivi...”.