Các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã giảm đáng kể từ khi đạt đỉnh vào đầu tháng 1/2021. Liệu đây có phải là điểm khởi đầu cho việc kết thúc đại dịch hay không?

Nhân viên tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, thu thập gạc để xét nghiệm nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Mayank Makhija/ Getty

Còn nhiều bất trắc

Ngày 11/1, thống kê ghi nhận gần 740.000 trường hợp nhiễm Covid-19 mới được báo cáo trên toàn cầu, theo sau hai tuần là kỷ lục hơn 14.400 trường hợp tử vong chỉ trong một ngày. Từ đỉnh điểm đó, các con số giảm liên tục cho đến ngày 20/2, khi chỉ khoảng 360.000 trường hợp mắc mới và chưa đến 9.500 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, có rất nhiều biến thể mới đe dọa tác dụng của vaccine và khả năng miễn dịch tự nhiên hiện có. Nghĩa là còn quá sớm để chắc chắn về bất cứ điều gì.

Ramanan Laxminarayan, một nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ lạc quan cho rằng đại dịch đã lên đến đỉnh điểm vào tháng một vừa qua. Và điều tồi tệ nhất đã lùi lại phía sau chúng ta.

Nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng vẫn còn nhiều điểm mù trong hiểu biết của chúng ta về số lượng ca của đại dịch và khả năng tái nhiễm, sự biến đổi, thích ứng không thể đoán trước của virus cũng như hành vi của con người. Nhất là khi các ca nhiễm toàn cầu đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại kể từ cuối tháng hai và số ca mắc mới hừng ngày vẫn đang dao động khoảng 438.000ca/ngày.

Giảm do miễn dịch tự nhiên hay phong tỏa?

Các nhà nghiên cứu cho rằng số ca bệnh toàn cầu khó có thể đạt đến đỉnh điểm của tháng một vừa qua một lần nữa. Một là do ở nhiều nơi, tỉ lệ lây nhiễm đã “đạt ngưỡng” tự nhiên, khi có phần lớn dân số bị nhiễm, hai là do chính sách phong tỏa vẫn đang phát huy hiệu quả. Nhưng chưa ai biết khi dỡ bỏ các chính sách phong tỏa, hạn chế đi lại thì điều gì sẽ xảy ra.

Ví dụ, ở Ấn Độ, một cuộc khảo sát toàn quốc chưa được công bố với số mẫu hơn 28.000 người vào cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 đã ước tính có tới 22% những người từ 10 tuổi trở lên đã bị nhiễm bệnh. Manoj Murhekar, một nhà dịch tễ học và giám đốc Viện Dịch tễ học Quốc gia ở Chennai, một trong những nhà nghiên cứu đằng sau công trình này, cho biết ở trong các siêu đô thị như New Delhi và Mumbai thì con số này vượt quá 40%.

Ông cho rằng điều này có nghĩa là Ấn Độ có thể sẽ không trở lại mức đỉnh điểm với khoảng 100.000 trường hợp mới hằng ngày như tháng chín. Nhưng số còn lại - hơn ba phần tư dân số vẫn dễ bị nhiễm bệnh, có nghĩa là người Ấn Độ “không được chủ quan ‘khinh địch’”, Murhekar cho biết thêm.

Ở những nơi khác trên thế giới, dân số không đạt đến mức miễn nhiễm tự nhiên như ở các siêu đô thị của Ấn Độ. Sự sụt giảm các ca nhiễm kể từ cuối tháng một là do các lệnh đóng cửa và sự giãn cách xã hội chứ không phải do lây nhiễm tự nhiên. Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Vương quốc Anh và các khu vực châu Âu, nơi có kế hoạch mở cửa trở lại, kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm mới.

Tình hình còn tồi tệ hơn ở nhiều quốc gia đang phát triển, nơi mà thông tin về số ca nhiễm bệnh còn rất “lỗ mỗ”. Joseph Lewnard, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Berkeley, cho biết nếu châu Phi không kiểm soát tốt, để rồi nếm trải tình trạng ca nhiễm gia tăng tương tự Ấn Độ và Hoa Kỳ, thì “chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua đỉnh toàn cầu”.

Một ẩn số khác là khả năng miễn dịch - từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh - sẽ tồn tại trong bao lâu. Nếu việc bảo vệ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sẽ có thể có những đợt bùng phát lớn hơn trong những tháng và năm tới.

Chạy đua với thời gian

Cho đến nay người ta chưa hiểu gì nhiều về các biến thể mới của virus. Thậm chí có nguy cơ biến thể gây nên một làn sóng mới ở một số quốc gia châu Âu, tương tự như những gì Vương quốc Anh đã trải qua vào cuối năm ngoái. Điều này có thể đã xảy ra ở các quốc gia như Ý, nơi số ca nhiễm đang gia tăng một lần nữa.

Ở những nơi khác, làn sóng dịch bệnh biến thể đang xảy ra rồi. Có một số dấu hiệu cho thấy biến thể P.1, hiện đang quét qua Brazil, có thể trốn tránh khả năng miễn dịch đã có từ trước (khi mắc virus Sars –CoV-2 "thuần chủng"). Biến thể này khởi phát ở thành phố Manaus, Brazil, và mặc dù trước đó 76% dân số nơi này đã nhiễm Covid (thuần chủng), thì đầu năm 2021, số ca bệnh bắt đầu tăng nhanh trở lại vượt quá con số đỉnh điểm vào tháng tư năm 2020. “Manaus đang nói với chúng ta rằng một làn sóng thứ hai có thể xảy ra,” Ester Sabino, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học São Paolo ở Brazil.

Các ca nhiễm tiếp tục gia tăng trên khắp Brazil và biến thể P.1 bắt đầu lan ra các nước khác và điều này có thể báo trước một quỹ đạo đáng ngại cho các khu vực khác trên toàn cầu. Chúng ta vẫn đang trong cuộc chạy đua với thời gian. Liệu chúng ta có thể tiêm chủng đủ nhanh để có thể tránh được làn sóng bệnh dịch, từ những biến thể dễ lây nhiễm hơn này hay không? Đó vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời.

Nature, Doi: 10.1038/d41586-021-00705-9