GS-TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: Loan Lê
Thực ra, ngay cả cái mà chúng ta gọi là giá trị truyền thống cũng không phải “nguyên dạng” như thuở ban đầu, mà đã đổi thay suốt nhiều thế kỷ để thích ứng với mỗi thời đại.
Chỉ nói riêng về đồ chơi, ngày nay người sản xuất đón bắt được ý thích trẻ con, làm từ dạng đồ chơi sơ khai đến điện tử hóa. Khó lòng chê trách hay bắt họ phải làm cái nọ, không làm cái kia, bởi cốt cách nhân văn trong việc lựa chọn đồ chơi vẫn thuộc về gia đình. Không nên mua đồ chơi quá cầu kỳ cho trẻ mà nên hướng tới các giá trị nhân văn nhiều hơn.
Mấy chục năm trước, trong một đêm đi thuyền trên sông Hương cùng các giáo sư Đại học Tokyo, tôi nói Việt Nam muốn trở nên hiện đại như Nhật Bản. Giáo sư người Nhật nói: “Ông không thấy cảnh trăng trên sông Hương đẹp đến thế này sao? Dân Tokyo không bao giờ nhìn thấy trăng bởi đèn sáng quá”.
Từ chuyện đó, có thể thấy chúng ta không lấy quá khứ để thay thế cuộc sống hiện đại thì mới giữ được giá trị của nó, không thể cực đoan vừa muốn hiện đại vừa buộc phải giữ nguyên bản truyền thống.
Vậy làm sao để giá trị của trung thu truyền thống có chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại, khi con người có nhu cầu hưởng thụ những tiện nghi từ khoa học, công nghệ?
Chúng ta phải để giá trị truyền thống bổ sung cho hiện tại, giúp con người hưởng thụ khoa học nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên. Không thể ngăn cản việc nhận những lợi ích của công nghệ, nhưng nếu chỉ đơn thuần làm vậy thì sẽ xa dần thiên nhiên, mất dần tính nhân văn. Cuộc sống sẽ không hoàn chỉnh mà chỉ thấy sự cô đơn giữa những xô bồ.
Chúng ta phải tìm ra khoảng lặng có tính bổ sung cho nhau, tìm ra sự dung hòa giữa hai giá trị đó và chỉ ra rằng con người cần cả hai giá trị đó. Nếu muốn giữ gìn bản sắc của ngày trung thu truyền thống, chúng ta nên chú trọng đến khoa học xã hội và nhân văn, để hiểu giá trị của ngày hội này một cách sâu sắc, thấu đáo. Đây là giải pháp hữu hiệu, phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền.