Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Tết Trung thu là nghi lễ nông nghiệp, là dịp người nông dân xưa ngắm trăng tiên đoán mùa màng.

Vào dịp trung thu, người dân ngắm trăng để tiên đoán mùa màng.

GS-TS Nguyễn Xuân Kính - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - cho biết, Tết Trung thu là sản phẩm của cư dân nông nghiệp. Ngày trước, đây là lễ tiết chủ yếu dành cho nông thôn. Trong đêm rằm, trẻ con phá cỗ ở đình và chơi các trò múa sư tử, rước đèn.

Theo TS Đỗ Lan Phương, trung thu nằm trong hệ thống các lễ tiết trong năm của người Việt. Đây là dịp trăng sáng nhất, gợi liên tưởng đến sự viên mãn của con người trước vụ mùa bội thu và chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. “Nguồn gốc của tết trung thu là nghi lễ nông nghiệp. Người nông dân ngắm trăng, đoán thời tiết sang năm như thế nào để sản xuất” - GS-TS Ngô Đức Thịnh nói.

Mỗi dịp trung thu, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đều tổ chức các hoạt động, chò trời dân gian cho các em thiếu nhi. Ảnh: Châu Long

Còn nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, với kinh nghiệm thực sinh, người cổ đại có lẽ đã có chứng nghiệm về ảnh hưởng của mùa trăng tròn đối với vạn vật, kể cả sinh lý bệnh học con người. Rằm tháng tám là ngày trăng tròn nhất, người ta hướng đến nó là điều dễ hiểu.

Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia Đông Á khác cũng đón Tết Trung thu như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, văn bản xưa nhất liên quan đến trung thu là tấm bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Hà Nam, khắc bằng chữ Hán năm 1221.

Văn bia nói về việc Vua Trần Nhân Tông tổ chức trung thu tại Thăng Long để báo hiếu, tri ân cha mẹ. Đó là một buổi lễ cung đình hoành tráng với giả sơn 5 ngọn theo kiến trúc Phật giáo, có múa rối nước, rối cạn, có biểu diễn âm nhạc, có rước phướn, rước đèn, mâm cỗ tiếp sứ giả và quan trường...

Nhà văn Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” miêu tả trung thu ở Hà Nội với cỗ cúng gia tiên có bánh mặt trăng và đồ chơi, đồ mã bằng giấy (voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng), ông nghè đất... Trẻ con chơi trung thu từng đám, treo đèn bày cỗ, rước đèn, hát trống quân, đánh trống, thanh la vang phố phường. Đặc biệt, trẻ con vui chơi hát xướng, người lớn giả trai giả gái hát đối đáp.