“Khoa học và công nghệ phản ánh trí tuệ cao nhất của nhân loại, tạo nên tầm nhìn mới để vận dụng vào nghiên cứu trong bất cứ ngành nào. Ở góc độ nghiên cứu sử học, lịch sử văn hóa, nếu không biết vận dụng khoa học và công nghệ là tự giam mình trong lạc hậu”.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh

Giáo sư Phan Huy Lê - chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam và người được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ 2016 - chia sẻ.

Thưa Giáo sư, theo ông sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay có tác động như thế nào đến nghiên cứu lịch sử và văn hóa?

Có thể nói KH&CN có mối quan hệ mật thiết với sử học cũng như nghiên cứu khoa học xã hội. Sự ảnh hưởng này rất lớn trên cả hai phương diện. Thứ nhất, bản thân sự phát triển KH&CN là một bộ phận của lịch sử nhân loại, cho nên nó là đối tượng nghiên cứu của lịch sử nói chung và là bộ phận nghiên cứu của lịch sử văn hóa nói riêng.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu KH&CN phản ánh trí tuệ cao nhất của cộng đồng nhân loại, nó tạo nên tầm nhìn mới, từ đó tạo nên lý thuyết mới, xu thế mới, công cụ mới để vận dụng vào nghiên cứu của bất cứ ngành nào.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê. Ảnh: Bích Ngọc

Tôi muốn chứng minh điều này ở góc độ nghiên cứu sử học, lịch sử văn hóa, nếu không biết vận dụng KH&CN là tự trói mình trong cái lồng, giam hãm trong sự kém hiểu biết và lạc hậu. Có thể ví dụ trong nghiên cứu lịch sử tức là nghiên cứu theo không gian và thời gian, trong đó có không gian trong từng thời điểm lịch sử. Nếu chỉ có sử học, thông qua những lời miêu tả ngắn gọn không thể nào khôi phục lại được toàn bộ. Do vậy phải dựa trên những thành tựu tổng hợp của nhiều ngành khoa học tự nhiên, KH&CN để tái hiện lại không gian.

Ví dụ ta muốn nói về thời kỳ Đông Sơn, nhưng cuộc sống của người Đông Sơn như thế nào? Nếu chỉ thể hiện bằng tư liệu chữ viết là không đủ mà phải có điều kiện đất đai, môi trường sinh thái... Tất cả những dữ kiện này chỉ có được trên cơ sở nghiên cứu của một loạt ngành địa chất, địa lý, cổ địa lý... Như vậy, muốn khôi phục không gian lịch sử phải dựa vào thành tựu của KH&CN. Do đó, thời gian qua ngành lịch sử và cá nhân tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành địa chất, địa lý, môi trường sinh thái, khí hậu... để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu của mình.

Thực tế KH&CN ngày càng phát triển, vậy các nhà nghiên cứu sử học đang có những lợi thế gì so với thế hệ nghiên cứu trước đây, thưa Giáo sư?

Tôi chưa nói đến các thế hệ, mà chỉ nói trong cuộc đời nghiên cứu của tôi đã đủ thấy KH&CN hỗ trợ rất nhiều. Những năm tháng chiến tranh dĩ nhiên không có điều kiện để vận dụng, nhưng sau khi hòa bình lập lại, nhất là khi hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức mới giúp cho việc nghiên cứu nhanh, hiệu quả hơn và xác suất cao hơn rất nhiều.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê. Ảnh: Phượng Hằng

Tôi lấy ví dụ nhỏ về việc sử dụng một nguồn tư liệu mà người ta gọi là tư liệu đám đông - tức là không phải dựa vào một vài tư liệu mà dựa vào nhiều chương trình, tư liệu, thông tin như địa bạ chẳng hạn. Đây là cuốn tư liệu ghi lại hàng nghìn số liệu như danh sách ruộng đất của các làng xã, chủ sở hữu... Hiện Việt Nam có hàng vạn cuốn địa bạ, mỗi tỉnh cũng có hàng trăm cuốn. Nếu nhà khoa học không biết áp dụng KH&CN thì có lẽ làm cả đời không hết.

Tôi có một ông bạn là giáo sư rất mê địa bạ. Thời đó các nghiên cứu, tính toán chỉ trên giấy hoặc cùng lắm thì cũng bằng một chiếc bàn tính nhỏ. Vì vậy, chỉ nghiên cứu 5 địa bạ thời Tây Sơn mà ông ấy mất cả năm trời. Nhưng vừa qua tôi nghiên cứu địa bạ của cả tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nội nhưng chỉ mất vài tháng. Tôi đã làm bằng cách lập phiếu thu thập số liệu, sau đó nhờ một chuyên gia lập trình một phần mềm đặc biệt. Sau khi nhập dữ liệu vào, phần mềm chạy một vài phút là tôi có được một loạt số liệu định lượng rất rõ ràng với từng mô hình, biểu đồ cụ thể.

Như vậy có thể dễ thấy nếu không áp dụng KH&CN, làm 5 địa bạ mất hàng năm trời, nay nghiên cứu hàng trăm địa bạ nhưng chỉ mất vài tháng.

Từ thực tế này, theo ông ngành nghiên cứu lịch sử và văn hóa nói riêng và khoa học xã hội nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới cần đi theo hướng nào để phù hợp với thời đại KH&CN?

Đây là câu hỏi hay và cũng là vấn đề khá lớn. Theo tôi, để xác định được định hướng phải gắn liền với chính sách KH&CN của Đảng, xuất phát từ cơ sở nhận thức về KH&CN, cần đi sâu vào từng ngành hẹp và liên kết rất chặt giữa các ngành. Đây là đặc điểm của KH&CN hiện đại, cho nên bất cứ một ngành nào đó muốn tồn tại và phát triển thì không bao giờ được tách rời khỏi tổng thể và phải coi mình là bộ phận để gắn chặt với sự phát triển của KH&CN. Phải nắm bắt được sự phát triển chung của mọi ngành để tận dụng, phục vụ cho mục đích nghiên cứu của ngành mình.

Một số công trình nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê và sách viết về ông.
Ảnh: Bích Hà/TTXVN

Tuy nhiên, ngành khoa học xã hội có tính đặc thù riêng, vì vậy cần phải hiểu rõ tính đặc thù này trong cả công tác quản lý và chỉ đạo sự phát triển một cách thật thích đáng. Trên thực tế, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thấy hết được tính đặc thù của khoa học xã hội, nhân văn. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua các mẫu đăng ký, kiểm tra đề tài chủ yếu dựa vào tiêu chí của khoa học tự nhiên mà có nhiều điểm quy định không có trong khoa học xã hội. Điều đó cho thấy chúng ta chưa thấy hết cái chung và cái riêng của khoa học xã hội.

Thứ hai là, hiện nay chúng ta đã hội nhập, do vậy tính quốc tế và tính nhân loại cao và đương nhiên khi đó mục tiêu nghiên cứu sẽ mở rộng hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cũng không thể phủ nhận cộng đồng quốc gia dân tộc. Cho nên mỗi nhà khoa học ngoài việc hướng tới đích nghiên cứu của mình, luôn luôn phải nhớ nhiệm vụ quốc gia dân tộc đó. Một mặt hướng tới cái chung của nhân loại, nhưng cá nhân không đứng ngoài nhiệm vụ quốc gia dân tộc.

Thứ ba là trong nghiên cứu, một mặt chúng ta hướng tới mục tiêu rộng lớn nhưng cũng phải rất hiện thực, bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nếu chúng ta xây dựng đường lối khoa học trên nền tảng 3 điểm này tôi nghĩ rằng sẽ rất hiện thực, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, vừa thúc đẩy được khoa học, vừa phục vụ trực tiếp cho đất nước và cũng đóng góp cho giá trị chung của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư đánh giá thế nào về việc đào tạo tầng lớp kế cận nghiên cứu văn hóa và và lịch sử tại Việt Nam?

Nhìn vào đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa xã hội, tôi muốn nhấn mạnh về số lượng tăng rất nhanh, trình độ cũng nâng cao. Tôi rất mừng là chúng ta có đội ngũ đào tạo cả trong nước và ra nước ngoài đang ngày càng tăng lên. Nhiều luận án tiến sỹ được thực hiện tôi đánh giá rất cao và thấy rằng nhiều nhà khoa học trong nước có trình độ không thua kém quốc tế, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận đội ngũ kế cận số lượng nhiều nhưng chưa tinh.

Tất nhiên nhìn về tổng thể không vấn đề gì, nhưng một phần nào đó tính không liên tục là có. Tôi thấy lo và băn khoăn nhất là trình độ nói chung chưa được cao, ảnh hưởng rất lớn tới các công trình nghiên cứu. Hiện các công trình nghiên cứu sử học rất nhiều, nhưng lại rất ít những công trình nghiên cứu tầm cỡ đi sâu vào chất lượng. Đây là điều tôi suy nghĩ.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh