Với nguyên tắc hoàn toàn không hạn định số lượng, chỉ xét chất lượng, áp dụng cách bỏ phiếu thể hiện chính kiến công khai, 16 công trình được Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V lựa chọn được đánh giá xứng đáng là diện mạo KH&CN quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Trước khi được tôn vinh bằng hai giải thưởng lớn này, các công trình đều đã thể hiện ý nghĩa thực tiễn và hiệu ứng xã hội rộng lớn của mình.
Trong số đó, có thể kể đến cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS-TS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - làm chủ nhiệm đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Kết quả của cụm công trình này giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị cho nhiều loại ung thư. Nhờ đó, hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư đã có được phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả và an toàn, được thụ hưởng công nghệ chẩn đoán, điều trị hiện đại với chi phí phù hợp ngay tại Việt Nam.
Cách khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến sắp tới gồm GS-TS Nguyễn Gia Bình, TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, PGS-TS Bùi Thị Mai An, TS Hoàng Đức Thảo, GS-TS Mai Trọng Khoa (từ trái sang phải)
Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” do GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chủ trì, đã tạo ra bước đột phá trong việc tăng tỷ lệ được cứu sống cho các bệnh nhân nặng, chẳng hạn giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân suy gan cấp nặng từ 90% xuống còn 50%.
Cụm công trình “Nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa" của các nhà khoa học Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng trong điều trị, giải quyết vấn đề thiếu máu từng là vấn nạn của ngành y, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; giảm nguy cơ các bệnh lây lan qua truyền máu…
Còn công trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" của TS Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc công ty Busadco, được đánh giá là đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, được ứng dụng hiệu quả cao trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình về ứng phó biến với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...
Rất dễ nhận thấy, với các công trình trên, thành tựu nghiên cứu đã thực sự đi vào đời sống và ảnh hưởng sâu đậm, tạo ra bước ngoặt trong việc phát triển ngành, lĩnh vực mà nó phục vụ, thậm chí làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, mà các công trình về y - dược, xây dựng hạ tầng kể trên là ví dụ sinh động. Đó chính là điều mà nền khoa học Việt Nam đang nỗ lực hướng tới.
Để tôn vinh các nhà khoa học, hiểu rõ hơn giá trị của các công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đối với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, Báo Khoa học và Phát triển tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các tác giả được xét tặng giải thưởng, gồm GS-TS Mai Trọng Khoa, GS-TS Nguyễn Gia Bình, TS Hoàng Đức Thảo, TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Giải thưởng Nhà nước 2010, chủ nhiệm cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam trong việc hỗ trợ chữa ung bướu; PGS-TS Bùi Thị Mai An - đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị”, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016. Buổi giao lưu sẽ diễn ra từ 9h đến 11h ngày 27/10 tại tòa soạn Báo Khoa học & Phát triển, 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Mời độc giả đặt câu hỏi tại phần Viết bình luận phía dưới bài viết này.