Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra hành tinh giả định bí ẩn có thể là nguyên nhân khiến Mặt Trời và các hành tinh khác trong hệ nghiêng trục.

hanh-tinh-thu-9-co-the-lam-nghieng-truc-mat-troi

Hành tinh thứ 9 giả định có kích thước khổng lồở rìa hệ Mặt Trời. Ảnh: Caltech.

Giả thuyết về quỹ đạo bất thường của hành tinh thứ 9 có thể giúp lý giải nguyên nhân trục Mặt Trời bị nghiêng, International Business Times hôm qua đưa tin. Nhóm các nhà khoa học ở Viện Công nghệ California (Caltech) cho rằng với quỹ đạo có góc nghiêng, hành tinh thứ 9 tác động đến quỹ đạo của những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, khiến trục của chúng bị nghiêng 6 độ.

Giả thuyết về sự tồn tại của hành tinh thứ 9 có kích thước lớn gấp 10 lần Trái Đất được các nhà khoa học đề cập tới từ lâu nhưng chưa tìm ra bằng chứng xác nhận. Tuy nhiên, đầu năm nay, nhóm nghiên cứu Caltech nhận thấy vài thiên thể trong vành đai Kuiper với quỹ đạo bất thường, có thể chịu tác động lực hấp dẫn từ một hành tinh khổng lồ nằm ở rìa hệ Mặt Trời.

Dựa trên quỹ đạo thiên thể trong vành đai Kuiper, các nhà nghiên cứu có thể tính toán kích thước và khối lượng hành tinh, cùng với quỹ đạo quanh Mặt Trời của nó. Quỹ đạo của hành tinh thứ 9 lệch theo góc 30 độ so với 8 hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời.

Thông qua kiểm tra ảnh hưởng hành tinh thứ 9 gây ra đối với hệ Mặt Trời, nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng chỉ ra sự tồn tại của nó giúp giải thích trục nghiêng của Mặt Trời. Tất cả hành tinh đã biết quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo nghiêng từ 0 - 2 độ trên một đĩa phẳng. Đĩa phẳng này nghiêng 6 độ so với Mặt Trời, khiến trục của Mặt Trời nghiêng theo.

Bằng cách tính toán quỹ đạo và ảnh hưởng, các nhà khoa học Caltech phát hiện mô-men góc của hành tinh thứ 9 tạo ra một lực tác động lên quá trình quay của hệ Mặt Trời. Góc nghiêng 6 độ hoàn toàn trùng khớp với các tính toán.

"Do hành tinh thứ 9 quá lớn và có quỹ đạo nghiêng nhiều so với những hành tinh khác, hệ Mặt Trời dần bị lệch", Elizabeth Bailey, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã trình bày phát hiện tại Ban khoa học hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn học Mỹ và dự kiến công bố kết quả trên tạp chí Vật lý thiên văn.