Đó là chia sẻ của GS-TSKH Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, từng là thành viên Hội đồng nhà nước giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Sàng lọc kỹ càng, tiêu chí khắt khe
Đến thời điểm này, 19 hội đồng chuyên ngành đã hoàn thành việc họp xét các công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5. Sau phiên họp của các hội đồng chuyên ngành, Hội đồng cấp nhà nước tiếp tục họp đưa ra quyết định cuối cùng.
Nói về tính khắt khe của hai giải thưởng lớn này, GS-TSKH Nguyễn Tác An cho rằng, qua được sự sàng lọc của nhiều hội đồng với nhiều tiêu chí nhằm lựa chọn những cụm công trình, công trình tiêu biểu là việc không đơn giản. “Rất nhiều hồ sơ gửi đến với nhiều lĩnh vực khác nhau, điều này đòi hỏi từng hội đồng phải làm việc khoa học, nghiêm túc. Người ngồi trong hội đồng phải có kiến thức và uy tín để quyết định mà họ đưa ra đủ sức thuyết phục” - ông An chia sẻ.
Qua 4 lần xét giải, đã có 79 công trình, cụm công trình KH&CN được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 133 công trình, cụm công trình KH&CN được tặng giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Theo GS-TSKH Nguyễn Tác An, nhiều công trình được xét tặng giải thưởng khi tác giả đã qua đời nhưng công trình có ý nghĩa lâu dài. Điều này cho thấy các công trình, cụm công trình được chọn phải có khả năng ứng dụng hoặc có giá trị khoa học thực sự.
Động viên kịp thời nhà khoa học
GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Khoa giáo Trung ương - đánh giá, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN được triển khai nhiều năm qua thực sự có ý nghĩa động viên, khích lệ to lớn đối với những người làm khoa học. Việc xét tặng và trao giải không chỉ tôn vinh nhà khoa học mà còn thông tin với cộng đồng về đóng góp của các nghiên cứu khoa học, công nghệ đối với đời sống hằng ngày.
“Giải thưởng là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những người làm khoa học có công trình tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội” – ông Tăng nhìn nhận.
Nói về điều kiện xét tặng giải thưởng, ông Đặng Quang Huấn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ KH&CN - cho biết, công trình đề nghị xét giải được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước), được ứng dụng tại Việt Nam.
Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 3 năm, hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ. Tính đến thời điểm xét giải, tác giả không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật KH&CN.
Tính từ năm 1996 - khi Chủ tịch Nước ký ban hành Quyết định số 991-KT/CTN phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho 33 công trình và cụm công trình thuộc các lĩnh vực KH&CN (đợt này không xét giải thưởng Nhà nước) đến nay, Nhà nước đã tiến hành tổ chức xét tặng và trao giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN 4 lần (cụ thể là các năm 1996, 2000, 2005, 2010) và giải thưởng Nhà nước về KH&CN 3 lần (các năm 2000, 2005 và 2010).
Theo GS-TSKH Nguyễn Tác An, đây là giải thưởng danh giá đối với các nhà khoa học nên việc giữ uy tín lâu dài là vô cùng quan trọng.
“Để giữ uy tín, trách nhiệm của các hội đồng chuyên ngành cũng như Hội đồng nhà nước của hai giải thưởng này rất lớn” - GS-TSKH Nguyễn Tác An nhấn mạnh.