Các nhà ngư loại học tại trường Đại học Tổng hợp Hokkaido - Nhật Bản và Phòng Bảo tồn và Đa dạng sinh học biển thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thu thập được mẫu tiêu bản cá Chai (Họ Platycephalidae).
Trong khuôn khổ dự án hợp tác song phương được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ phát triển Khoa học Nhật bản (JSPS, Core to Core Program: B Asia-Africa Science Platform) và đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp VAST (mã số VAST 06.04/18-19), các nhà ngư loại học đã tiến hành thu thập mẫu vật và tư liệu cá biển để đánh giá mức độ đa dạng thành phần loài cá tại 2 địa điểm là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) trong các năm 2017-2018.
Với mục tiêu nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học cá vùng biển ven bờ Việt Nam, các nhà ngư loại học đã thu thập được mẫu tiêu bản cá Chai (Họ Platycephalidae) hiếm gặp. Loài cá này phân bố ở cảng cá Cửa Bé, phía Nam thành phố Nha Trang, được định danh là loài cá Chai Núm nhỏ có tên khoa học Thysanophrys papillaris Imamura and Knapp, 1999. Đây là loài cá Chai núm nhỏ được tác giả Imamura và Knapp mô tả từ năm 1999 với nhận định ban đầu chỉ phân bố ở biển Ấn Độ dương (Timor, Arafura và biển Andaman). Việc bắt gặp mẫu vật của loài này ở Việt Nam là ghi nhận mới nhất về phạm vi phân bố của loài này mở rộng tới vùng biển Tây Thái Bình dương.
Thông tin chi tiết về loài cá Chai Núm nhỏ đã được công bố trên Tạp chí Species diversity 24: 17–22 (DOI: 10.12782/specdiv.24.17).
Nguồn tin: Viện Tài nguyên và Môi trường biển.