Tưởng mọi chuyện đã rõ về một doanh nhân từng nếm thất bại rồi đã thành công, có lúc đã cháy hết cơ nghiệp rồi lại bắt đầu. Chuyện của ông ấy làm phong phú cả truyền thông.
Tưởng 30 năm làm sản phẩm sấy khô không hóa chất - nay đã là thương hiệu lớn sử dụng 3 công nghệ tiên tiến cho ra 50 sản phẩm (giờ làm tới rau rồi nhiều quá không đếm hết).
Tưởng như chuyện ông ấy mua 5 cái máy bay để phun tưới sinh học…cũng là điều dễ hiểu với việc Vinamit đầu tư lớn.
Ông làm doanh nghiệp từ khi chưa có Luật doanh nghiệp. Từng có những lời khuyên lạ; khi thất bại, cứ để nó rơi xuống đáy. Cựa quậy níu giữ mất sức vượt lên.Một người “thích nói về thất bại.” Đã từng lao đao bị trả lại sản phẩm, phải đem đi bán …“ở chợ” vỉa hè tận Đài Loan…
Tưởng những chuyện ấy mọi người đã râm ran lạ lắm rồi. đã nổi tiếng khắp nước rồi.
Vậy mà gặp ông Nguyễn lâm Viên, nghe ông nói đã “bị ức chế rất lâu, mới chỉ hưng phấn vài năm nay” do tìm tòi như một nhà khoa học,hay một…bác sỹ - điều này mới thực sự lạ. Một câu chuyện có vẻ xa với người kinh doanh thông thường.
I. LO NUÔI…ĐẤT
Cơ nghiệp ông có tới 200 ha đất. Sao không ... làm béng kinh doanh bất động sản thời tấc đất tấc vàng, lại còn mất mỗi năm… nuôi đất, đổ vào nó cả 100 tỷ đồng ?
Ông nói chuyện rất đơn giản như muốn cho người trung bình, người dân thường hiểu được: Ông đam mê nỗ lực đi tìm khoa học của sự sống ngay ở môi trường gần nhất của con người. Đó là ước mơ, chưa ai tìm ra công thức đơn giản để chính người nông dân có thể làm ra nguyên liệu hữu cơ, làm ra phân bón, tập hợp các chất hữu cơ có đầy trong đất. Có người nói “phải nhập vi sinh vật của thế giới vào Việt Nam”, ông lấy làm lạ, vì “nền tảng vi khuẩn xứ mình nhiều nhất. Các nhà sinh học Việt Nam rất giỏi. Có thể tạo ra loại mình muốn.”
Theo ông Lâm Viên, “Việt Nam có thể là xứ làm hữu cơ rẻ nhất, vì có thể nuôi sinh học dễ dàng nhất. Đồng bằng sông Cửu Long nguồn nước, lượng mưa, phù sa nhiều. Nội cái phù sa thôi đã là món quà sinh học trời cho., vi khuẩn phát triển nhất. Đừng có nghĩ đến vi khuẩn mà sợ, mà diệt.”
Và ông muốn bắt đầu từ đất, từ cây. Cứu đất, cho [phân] sinh học vào đất, vào cây. Cây khỏe, cho ra trái đặc biệt, rồi cho nuôi gà, heo theo giải pháp sinh học. Trại gà, heo của ông không có mùi phân. Từ đất khỏe, dẫn đến cây khỏe tăng miễn dịch, vật nuôi miễn dịch thơm ngon, con người hưởng thụ tạo hệ miễn dịch khỏe tự nhiên. Tránh nhiều bệnh tật.
Hỏi ông: Bây giờ độ ô nhiễm môi trường cao, ông “cứu đất, cứu vi khuẩn cách nào?”
Ông Lâm Viên: “Tôi đã thử làm hết rồi. Thì chúng ta vẫn còn đang sống cả mà? Sự sống còn tồn tại, giảm bớt phá hủy nó thì có thể phục hồi. Nếu nói ô nhiễm rồi bỏ thí, thì… chết luôn.”
Nhưng để làm được vậy đòi hỏi điều kiện …khủng khiếp lắm? “Đúng rồi. Bạn nuôi con gì phải có nhà, có điều kiện sống. Vi khuẩn cũng vậy. Nó ăn gì đây? Giải được thì ổn và có gặt hái. Phải công bằng với muôn loài. Dùng hóa học làm giải pháp tiệt trùng, tiêu diệt, đó là nông pháp hóa học, không phải hữu cơ. Có sự công bằng ấy sẽ xây dựng được hệ sinh thái, sẽ xây dựng và kiểm soát được môi trường sinh học, là nền tảng của sức khỏe con người. Phải [làm cho] người dân cũng hiểu biết khoa học sự sống cho muôn loài, cho vi khuẩn, cho người canh tác. Rất tiếc là Việt Nam chưa có con đường rõ rệt đào tạo canh tác hữu cơ.”
II. MÍT- CÓ PHẢI DUYÊN SỐ?
Rất thú vị khi biết chi tiết ông Lâm Viên từng làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan về đề tài… mít.
“Tôi chú ý đến quả mít vì đó là thứ quả có quanh năm, chỗ này hết chỗ khác lại vào mùa, từ Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Hết ở Lâm Đồng thì Đắk Lắk lại có. Nó dễ trồng nhất. Mà làm hàng hóa phải ổn định nguyên liệu. Phải xác định là sản phẩm sẽ bán ra nước ngoài, chứ trong nước nhiều nơi cho bò ăn hoặc chỉ lấy hạt.
Tôi vào Lâm Đồng mua nhiều người thấy lạ. Mít có hàm lượng calori cao, nhiều dinh dưỡng. Dùng nó để ăn kiêng vẫn có sức.
Vậy mà giờ nó rất… đẳng cấp. Giá lên, chẳng mấy khi thấy “giải cứu mít”. Ở miền Tây, bà con trồng mít hiệu quả hơn cả xoài. Dù còn tranh cãi, nhưng nhiều nước trên thế giới công nhận “Mít là của Việt Nam” (trong khi sầu riêng vẫn bị coi là của Thái Lan). Vậy là Việt Nam làm thương mại hóa được cho quả mít.
Bây giờ sản phẩm của Vinamit có mặt trên 35 hệ thống siêu thị khắp Việt Nam, bán trên 15 nước. Đó là thành công của ông chủ tịch đã nhốt mình 3 năm tìm công thức, giải pháp cho nông pháp hữu cơ.
III. NGƯỜI VIỆT NAM THIẾU…VI KHUẨN
Ngày trước, xã hội chưa thấu hiểu. Lẫn lộn giữa sản phẩm của nông pháp hữu cơ với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Nông pháp hữu cơ cho con người được ăn trái ngon, vi khuẩn tốt nhiều, không phải tiệt trùng. Nông nghiệp công nghệ cao là đầu tư đồ sộ, cánh đồng mẫu lớn…
“Ta ăn quá nhiều hàm lượng hóa học, diệt khuẩn. Tiêu diệt oxy, tiêu diệt sự sống của vi khuẩn ngộ độc không do vi trùng mà do hóa chất. Cơ thể ta có 80% vi khuẩn có lợi. Diệt [tất cả] vi khuẩn là khái niệm của thời 2.0 xa rồi.
Vinamit của ông Lâm Viên có cả nước mía bột. Sấy khô nước mía “chỉ làm khô cho vi khuẩn ngủ chứ không chết, sấy mà sự sống vẫn còn diệu kỳ, giữ nguyên hương vị tự nhiên. Đó là cái tôi đang thích nhất”. Ông Lâm Viên bất ngờ hào hứng như một… bác sỹ. Ông nói:
“Hai loại vi khuẩn quan trọng nhất, khi sấy xong vẫn còn tỷ lệ tốt. Ngon là nhờ nó. Tôi có một kế hoạch giúp cho trẻ em bị rối loạn tiêu hóa trong các bệnh viện uống để giảm thuốc”. Năm 2019, Vinamit đi vào phát triển các sản phẩm dinh dưỡng ăn liền. Ông và các con có bộ sưu tập về dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi đầy đủ.
Ông mê nghiên cứu, chính nó làm cho ông có nét đẹp lạ của nhà khoa học trong một doanh nhân. Có người bảo ông có vẻ đẹp của người trí tuệ “tiến được lùi được”. Ông có cả một trung tâm sinh học, ở Công ty đang làm việc cũng có một phòng nghiên cứu. Có nhiều cán bộ giảng viên Đại học Y khoa, Khoa học tự nhiên, Sinh học cùng cộng tác.
Ông bảo mình đã “nói…3 năm” cố gắng truyền thông thông điệp hữu cơ, “gỡ từng năm” cho mọi người hiểu, tạo một cộng đồng áp đảo đi tìm sản phẩm hữu cơ, mỗi người là một môi trường hữu cơ cho bản thân do hiểu cách ăn uống đúng.
Người ta đã gọi Nguyễn Lâm Viên là “ông hữu cơ”. Người làm hữu cơ đàng hoàng tử tế trong một thị trường còn lẫn lộn như một mỹ từ thời trang.
Ông tâm sự chân thành: “Doanh nhân tạm chia đời làm 5 giai đoạn: Một là làm việc khó, học hành trải nghiệm. Hai: săn lùng cơ hội, ba đầu tư dự phòng rủi ro, bốn là giai đoạn làm một CEO thực sự, có mục tiêu và sở hữu trong tay như con người, công nghệ chuyên ngành, làm ra giá trị kiếm tiền và năm là làm CSR giúp xã hội, trả lại cho xã hội.
Và ông bảo mình đang bước vào giai đoạn thứ 5, muốn làm gì đó giúp cho xã hội.
Thế mà khi hỏi, ông đánh giá mình đã thành công bao nhiêu phần trăm - câu trả lời của ông là: “mới…đề pa”